Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 320 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có 283 HTX dịch vụ nông nghiệp; 6 HTX sản xuất muối; 4 HTX sản xuất và chế biến nấm; 13 HTX thủy sản; 8 HTX chăn nuôi; 6 HTX cây dược liệu, rau và hoa cây cảnh. Năm 2017 có 12 HTX thành lập mới. Hoạt động của các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp sau chuyển đổi có nhiều chuyển biến. Nhiều HTX đã mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ để tăng nguồn thu hỗ trợ thành viên nâng cao thu nhập. Một số HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng quy mô sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Nhiều HTX đã hạch toán có lãi, vốn quỹ được bảo toàn và từng bước tăng trưởng. Doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/HTX. Các HTX nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản có chiều hướng phát triển đem lại nhiều lợi ích cho thành viên. Các HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại thực phẩm an toàn, liên kết chuỗi, ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế cho thành viên còn cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường tốt hơn. Một số HTX đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào sản xuất để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất đai, lao động, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp và tham gia xây dựng NTM.
Thành viên HTX Hoa và cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong (TP Nam Định) chuẩn bị hoa phục vụ thị trường. |
Tuy vậy nhiều HTX nông nghiệp sau chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 vẫn còn khó khăn. Một số HTX việc huy động vốn góp của thành viên còn khó khăn, cơ sở vật chất, phương tiện của HTX hạn hẹp dẫn đến hiệu quả hoạt động của HTX còn chưa cao, chưa có nhiều HTX tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, một số HTX dù đã tổ chức đại hội chuyển đổi theo Luật HTX nhưng chưa xây dựng được phương án khả thi để hoạt động theo Luật, hoạt động cầm chừng hoặc chưa được giải thể do còn nhiều vấn đề liên quan. Có 3 nguyên nhân chính khiến công tác giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp gặp khó khăn. Thứ nhất là bất cập trong xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản không chia của các HTX. Thứ hai, vấn đề xử lý công nợ của các HTX cũng gặp khó khăn do nhiều HTX hoạt động cầm chừng, chỉ có một vài dịch vụ thiết yếu (dịch vụ tưới tiêu, làm đất, chuyển giao khoa học kỹ thuật), không tổ chức được dịch vụ thỏa thuận, không xác định được thành viên qua các thời kỳ. Thứ ba, do thiếu quy định Nhà nước hướng dẫn đăng ký chuyển đổi HTX sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hiệu quả của việc giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc lãnh đạo các địa phương có thực sự vào cuộc hay không. Điển hình như huyện Hải Hậu đã quyết liệt chỉ đạo các HTX tổ chức giải thể và thành lập lại HTX theo đúng tinh thần của Luật HTX khi có đủ điều kiện. Theo đó, toàn bộ tài sản cố định của các HTX được chuyển cho UBND xã quản lý, sau đó chuyển thành các công trình dịch vụ công ích cho HTX mới. Vốn lưu động được đại hội xã viên quyết định theo hai hướng: chuyển cho UBND xã xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất hoặc chia cho xã viên. Dù vậy khó khăn trong việc giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp tại mỗi địa phương rất khác nhau. Do đó, các địa phương cần hết sức linh hoạt trong vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành.
Để đẩy nhanh tiến độ giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng, Liên minh HTX tỉnh đề nghị các địa phương quan tâm rà soát, đánh giá thực trạng công nợ, tài sản, tổ chức bộ máy của các HTX… để xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó đề ra các giải pháp sát với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương. Theo đó, cần thành lập hội đồng giải thể HTX, tiến hành đánh giá, phân loại, định giá để làm cơ sở thực hiện, xử lý công nợ theo quy định. Trong trường hợp không còn tiền để thanh toán các khoản nợ của HTX như các khoản nợ thuế và các khoản nợ các tổ chức tín dụng, Hội đồng giải thể tiến hành đàm phán để đề xuất được xóa hoặc hoãn nợ… Đối với các HTX không còn đại diện, cần sớm tổ chức đại hội xã viên bầu bổ sung các thành viên bắt buộc phải có để tham gia hội đồng giải thể. Các địa phương cũng cần tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể; tăng cường công tác tuyên truyền về HTX với nhiều hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích thiết thực của HTX kiểu mới. Tiếp tục chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với các HTX không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại theo Luật HTX 2012; tiến hành giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Cùng với đó cần quan tâm củng cố đối với các HTX đã đi vào hoạt động theo Luật HTX 2012. Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để tạo lập môi trường cho các HTX kiểu mới phát triển. Tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai cho các HTX, chính sách tín dụng cho các mô hình, tập trung vào việc nâng định mức vay, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ thủ tục cho vay; đồng thời phát huy vai trò của quỹ phát triển HTX, thực hiện các chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các HTX… Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách phát triển HTX, nghiên cứu xây dựng ban hành nghị định riêng về HTX trong nông nghiệp. Gắn việc chỉ đạo xây dựng HTX với chỉ đạo xây dựng NTM. Đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Liên minh HTX, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn