Với vai trò là cầu nối trong mối quan hệ “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông), những năm qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT) luôn bám sát chủ trương, định hướng của ngành và thực tiễn sản xuất nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất của các địa phương và chuyển giao cho nông dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tham quan mô hình nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học phương thức công nghiệp theo chuỗi tại xã Hợp Hưng (Vụ Bản). |
Một trong những mô hình ứng dụng đạt kết quả nổi bật là chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để nuôi dê sinh sản tại xã Giao Thiện (Giao Thủy). Dê là đối tượng dễ nuôi, khỏe mạnh, ít bệnh tật, tiêu hóa chủ yếu thức ăn xơ, không lệ thuộc vào thức ăn tinh, vốn đầu tư ít, có thị trường tiêu thụ rộng, lợi nhuận sản xuất khá cao. Tuy nhiên các trường hợp nuôi dê tự phát hiện nay ở tỉnh ta chỉ theo phương thức “tận dụng” nên hiệu quả kinh tế chưa cao, người nuôi chỉ sử dụng nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp, do vậy nếu mở rộng quy mô chăn nuôi sẽ gặp khó khăn về thức ăn. Nuôi dê theo mô hình mới có nhiều lợi ích như: không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài, rủi ro thấp; chủ động thức ăn; hạn chế ô nhiễm môi trường. Theo tính toán, lợi nhuận từ trồng cỏ nuôi dê đạt gần 6 triệu đồng/sào/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hiện mô hình được mở rộng tại một số địa phương như: Vụ Bản, Thành phố Nam Định… Việc xây dựng thành công mô hình đã mở ra hướng sản xuất mới hiệu quả cao cho các hộ nông dân có diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả mà thổ nhưỡng hợp để trồng cỏ. Nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học với phương thức nuôi công nghiệp theo chuỗi tại xã Hợp Hưng (Vụ Bản) hướng tới hình thành vùng nguyên liệu cho Cty TNHH Nippon Zoki Nhật Bản. Kết quả mô hình cho thấy người nuôi thu lãi gần 50 triệu đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ và tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Hiện mô hình đã được nhân rộng tại huyện Vụ Bản và Ý Yên.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Trung tâm đã triển khai mô hình ủ phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản để trồng các loại rau cải bắp, cải bó xôi, khoai tây tại xã Yên Cường (Ý Yên). Kết quả cho thấy, rau và khoai tây tốt hơn hẳn sản phẩm trồng đối chứng. Trung tâm cũng chọn 2 đơn vị là: xã Yên Dương (Ý Yên) và Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh ở Trực Hùng (Trực Ninh) xây dựng dự án nhóm hộ nông dân sản xuất rau an toàn theo chuỗi với tỉnh I-ba-ra-ki (Nhật Bản). Kết quả thực tế đã khẳng định những ưu điểm của phương thức canh tác này như kỹ thuật dễ thực hiện, sản phẩm thu được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường, độ phì của đất được duy trì, hiệu quả và năng suất cao hơn so với cách làm cũ. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện mô hình còn góp phần làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng và hành động của nông dân về tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ, nông sản sạch. Đồng thời mô hình đã thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho ngành trồng trọt và góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và phổ biến ra toàn tỉnh cho nông dân áp dụng. Song song với hoạt động ứng dụng, Trung tâm cũng chú trọng hoạt động nghiên cứu, phối hợp với các Cty sản xuất giống (Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình, Cty CP Giống cây trồng Trung ương…) nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn giống lúa. Đã có nhiều giống lúa triển vọng, có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thực tế như: TBR279, Dự hương, Kim cương 111, Nếp A sào… được bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, đang từng bước được nhân rộng ra sản xuất đại trà, đặc biệt là đưa vào những cánh đồng mẫu lớn, thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém. Không chỉ ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, Trung tâm cũng thực hiện các mô hình trình diễn trong nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu là mô hình nuôi cá chép bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Xuân Trường, năng suất 10 tấn/ha, lãi 120 triệu đồng/ha; mô hình nuôi sò huyết tại huyện Nghĩa Hưng, năng suất 22 tấn/ha, lãi 550 triệu đồng/ha; mô hình nuôi cá chạch chấu tại huyện Giao Thủy, năng suất 8 tấn/ha, lãi 300 triệu đồng/ha… Qua thực tế triển khai, các mô hình nuôi không những đáp ứng được yêu cầu về mặt kinh tế mà đã thay đổi về nhận thức của người sản xuất về quản lý tốt môi trường nuôi, không để xảy ra dịch bệnh. Cũng qua hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm và thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, Trung tâm đã góp phần tham mưu những định hướng, chính sách thiết thực cho tỉnh và ngành về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đề xuất chủ trương, giải pháp phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp và ngành nghề nông thôn… Có thể nói, công tác khuyến nông đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và các xu thế phát triển của kinh tế trong nước và thế giới.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác khuyến nông, trong thời gian tới, hệ thống Khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình theo chuỗi sản xuất gắn với phát huy lợi thế của từng địa phương. Tổ chức xây dựng một số mô hình trọng điểm có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng của tỉnh trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh bền vững…
Bài và ảnh: Ngọc Ánh