Chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu đảm bảo phòng chống lụt bão

08:06, 13/06/2018

Chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, sản xuất theo phương châm “4 tại chỗ” là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công thương nhằm giảm bớt thiệt hại trong điều kiện mưa, bão, lũ kéo dài bất thường. Đến thời điểm này, Sở Công thương đã hoàn tất phương án chuẩn bị hàng hóa, vật tư thiết yếu ở các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, quyết tâm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. 

Chuẩn bị gạo dự phòng cung ứng cho nhân dân trong mùa mưa bão tại cơ sở chế biến lương thực Thị trấn Gôi (Vụ Bản).
Chuẩn bị gạo dự phòng cung ứng cho nhân dân trong mùa mưa bão tại cơ sở chế biến lương thực Thị trấn Gôi (Vụ Bản).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, xu thế thời tiết, khí hậu, thủy văn và thiên tai năm 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện tượng Enso (cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương) đang có xu hướng dịch chuyển sang phía Nam, khiến cho bão và áp thấp nhiệt đới có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Bên cạnh đó tình trạng xả lũ đầu nguồn khiến một số xã ven các con sông lớn trên địa bàn tỉnh có nguy cơ ngập úng cao đặt ra yêu cầu cho ngành chức năng và chính quyền địa phương phải quan tâm hơn đến việc dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư, thiết bị điện, phương tiện đi lại đặc thù cho vùng lũ. Do đó, Sở Công thương đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) trên cơ sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu tiêu dùng, sử dụng hàng hóa, nhu yếu phẩm trong mùa mưa bão. Đồng thời yêu cầu Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, kinh doanh xăng dầu, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn nghiêm túc thực hiện quy chế phối hợp dự trữ và cung ứng hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi có tình huống bão lụt xảy ra; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hoá do thiên tai để tăng giá quá mức nhằm trục lợi. Theo đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị tài chính và điều kiện cơ sở vật chất xây dựng kế hoạch, tập kết, dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng, phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân khi xảy ra bão lũ với giá cả bình ổn; rà soát hệ thống kho chứa hàng hoá, bến bãi, phương tiện vận tải để kịp thời gia cố bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ, vận chuyển hàng hóa trong điều kiện thời tiết bất thuận. Riêng những đơn vị cung ứng hóa chất, lương thực, thực phẩm đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn kho bãi nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường khi có thiên tai, bão lũ ngập úng xảy ra. Theo kế hoạch, toàn tỉnh dự trữ 28 nghìn thùng mì tôm, 2,8 tấn bánh mì, bánh ngọt; 409 tấn thóc, 2.300 thùng nước uống đóng chai, 7.000 tấn lương thực, thực phẩm; 2.530 nghìn lít xăng, dầu các loại, 10 nghìn tấm tôn lợp, 3 tấn đinh vít, 200 tấn dây, lưới thép cùng nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác… với tổng giá trị hàng hoá khoảng 200 tỷ đồng. Những đơn vị chủ lực trong việc dự trữ hàng hóa được lựa chọn gồm các siêu thị: BigC, Micom Plaza, Co.op Mart; Doanh nghiệp tư nhân Nam Sơn, Cty Kinh doanh nước sạch Nam Định, Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định, Cty CP Lương thực miền Bắc, Cty CP Mai Phương, Cty Quản lý, kinh doanh chợ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, Cty CP Dây lưới thép Nam Định… Hiện tại các doanh nghiệp chuyên doanh lương thực, thực phẩm, nông sản chế biến đã chuẩn bị một lượng lớn gạo, thóc, đậu đỗ, miến, mì gạo, mì tôm; nhóm các siêu thị: BigC, Co.op Mart, Micom Plaza (TP Nam Định)... đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên trên 40% so với bình thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu: Mì tôm, bún, phở ăn liền, lương khô, thực phẩm đông lạnh... Đối với các mặt hàng tươi sống như: Rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, các siêu thị đã liên hệ với nhà cung ứng giao hàng trước mùa mưa bão, đảm bảo về chất lượng và số lượng. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu như: Chi nhánh xăng, dầu Hà Nam Ninh (Petrolimex Nam Định), Cty Xăng dầu Dầu khí (PVOil Nam Định) cùng hơn 200 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã hợp đồng trước số lượng dự trữ với nhà cung cấp; đảm bảo an toàn, phòng chống ngập các công trình, cửa hàng, chống trôi các bồn chứa xăng, dầu khi bị ngập nước gây nguy hại đến môi trường. Cty Điện lực và các chi nhánh quản lý điện nông thôn đang tập trung cao độ kiểm tra, xử lý các tồn tại trên hệ thống lưới điện theo các phương án, kịch bản xử lý các sự cố về điện, tăng cường công tác tuyên truyền an toàn điện để người dân nắm rõ, thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn điện cũng như kịp thời khắc phục sự cố đường điện khi có thiên tai, cung ứng điện trở lại trong thời gian sớm nhất. Cùng với việc dự trữ hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp lớn, trên địa bàn tỉnh có 213 chợ truyền thống và mỗi huyện, thành phố còn có rất nhiều đại lý bán lẻ bách hóa tổng hợp phân bố đều khắp với nhiều loại hàng hóa phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại. Do đó, có thể dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu với số lượng lớn, đủ phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng bị mưa, lũ. Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, một số doanh nghiệp lớn còn cam kết đảm nhận việc ủng hộ một phần lương thực, nhu yếu phẩm theo hướng chủ động phương tiện vận tải, nhân sự để vận chuyển chia sẻ thiệt hại với người dân vùng ngập úng nặng. Bên cạnh việc nắm bắt kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ công tác PCTT, Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Ban quản lý chợ, Phòng Kinh tế, Phòng Công thương các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi và giám sát thực tế dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đồng thời tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hoá do thiên tai, bão lũ để tăng giá, ép giá bất hợp lý gây xáo trộn thị trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Việc chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng hóa dự trữ, kho tàng, bến bãi và các phương án vận chuyển hàng hóa được ngành Công thương xác định không chỉ đảm bảo đủ lượng hàng hóa nhu yếu phẩm sẵn sàng ứng phó với bão lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh mà còn có khả năng chi viện, cung ứng hàng hóa trong trường hợp khẩn cấp, phải cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân các tỉnh lân cận. Tuy nhiên để công tác dự trữ hàng hóa PCTT được thuận lợi hơn và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa, các cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù về lãi suất vay ngân hàng, chi phí lưu kho và vận chuyển khi xuất hàng đến điểm ứng cứu./. 

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com