Chủ động các phương án ứng phó với mưa úng trong vụ mùa

08:06, 12/06/2018

Vụ mùa năm 2017 có nhiều đợt mưa lớn kéo dài trùng với xả lũ từ các hồ thủy điện nên mực nước ở sông lớn dâng cao, không thể tiêu thoát nước trong đồng đã làm nhiều diện tích lúa bị chết phải gieo cấy lại và dặm tỉa. Việc rút kinh nghiệm để khắc phục các bất cập tồn tại từ mùa bão lũ năm trước và chủ động xây dựng, triển khai các phương án phòng chống úng, hạn bảo vệ cây trồng là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong vụ mùa 2018.

Khơi thông dòng chảy tại kênh B19 trên địa bàn xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Khơi thông dòng chảy tại kênh B19 trên địa bàn xã Hiển Khánh (Vụ Bản).

Vụ mùa 2017, vào thời kỳ lúa mới cấy, do ảnh hưởng của bão số 2, số 4, từ ngày 11 đến 26-7-2017, tổng lượng mưa bình quân toàn tỉnh là 332mm kết hợp với các hồ thủy điện xả lũ đã làm 23.039ha lúa bị ngập úng, trong đó có 7.367ha lúa bị chết phải gieo cấy lại và 9.793ha lúa phải dặm tỉa. Đến thời kỳ chuẩn bị thu hoạch lúa mùa, tiếp tục có mưa lớn và áp thấp nhiệt đới từ ngày 2 đến 15-10-2017, tổng lượng mưa đo được là 505mm khiến mực nước lũ dâng cao trên các sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy vượt tần suất thiết kế của các Cty KTCTTL, vượt báo động III từ 25-96cm. Mặc dù các Cty KTCTTL đã tích cực áp dụng các biện pháp tiêu thoát nước nhưng mực nước các sông quá lớn khiến việc tiêu rút nước không hiệu quả làm 42.339ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng kéo dài từ 5-7 ngày. Toàn tỉnh có gần 38 nghìn ha lúa bị thiệt hại từ 30% năng suất trở lên, thiệt hại sản lượng trên 142.800 tấn thóc. Ngoài ra, qua các trận mưa, lũ lịch sử năm 2017 cũng là dịp để đánh giá chính xác năng lực phòng chống úng từ hiện trạng công trình đến phương thức điều hành, nhân lực… Những năm qua hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư nâng cấp, tuy vậy, các trạm bơm, các công trình trong đồng không đảm bảo khả năng tiêu úng do không được nạo vét thường xuyên; bờ vùng, bờ thửa không được tôn cao, thậm chí có nơi không có bờ vùng, bờ thửa nên không đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống. Vì vậy, công tác tiêu úng hầu như phụ thuộc vào năng lực của các trạm bơm đầu mối trong khi các trạm bơm này cũng tồn tại nhiều bất cập. Trong tháng 10 năm trước, có ngày lượng mưa vượt 1,4 lần mức thiết kế tối đa cho hệ thống công trình của Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà. Do chịu ảnh hưởng đồng thời của 3 yếu tố thiên tai “thiên vũ, lũ giáng, triều dâng” (mưa vượt tần suất, lũ cao hơn mức lũ lịch sử, thời kỳ triều cao) nên mặc dù Cty đã vận hành tối đa hệ thống trong điều kiện kỹ thuật cho phép nhưng có thời điểm chỉ 4/12 trạm vận hành được do mực nước ngoài sông vượt quá quy định dẫn đến không khắc phục được ngập úng kéo dài làm giảm năng suất lúa. Điều này cho thấy, năng lực tiêu thoát lũ của các công trình thủy lợi đang không theo kịp diễn biến thời tiết không đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hiện nay. Ngoài ra các hệ cao độ khống chế mực nước ở các triền sông của tỉnh chưa đồng nhất gây khó khăn trong chỉ đạo sản xuất. Đặc biệt, do cơ cấu giống lúa chuyển từ giống cao cây, dài ngày sang giống thấp cây, ngắn ngày, cùng với diện tích gieo sạ ngày càng tăng dẫn đến khó khăn trong việc điều hành tưới, tiêu. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt về thời vụ, song việc chấp hành của các địa phương không đồng đều, vẫn còn địa phương kết thúc cấy chậm tới nửa tháng so với lịch của tỉnh. Đồng chí Lưu Ngọc Trình, Phó Giám đốc Cty KTCTTL Bắc Nam Hà cho biết: “Qua trận mưa lũ lịch sử năm trước, về phía Cty cũng phải đánh giá sâu sát hơn về năng lực hệ thống, song các địa phương cũng cần rà soát lại các hệ cao độ về dự báo mực nước báo động ở các sông. Khi xây dựng các phương án chống úng phải đề ra các tình huống cụ thể, sát thực đảm bảo ứng phó nhanh, hiệu quả, hợp lý theo phương châm 4 tại chỗ. Làm tốt khâu phòng sẽ quyết định tới 70% thắng lợi trong công tác tiêu úng. Cần phải chú trọng đào tạo nhân lực, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia xử lý kỹ thuật chống rò rỉ, chống thẩm lậu thân đê…”. 

Từ đầu năm đến nay, các huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng và tiến hành tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi trước mùa mưa bão đảm bảo 100% công trình có thể vận hành hết công suất phục vụ phòng, chống úng năm 2018; tiến hành chạy thử tất cả các trạm bơm tiêu úng để kịp thời phát hiện, sửa chữa những hư hỏng. Các địa phương cũng phối hợp với các Cty KTCTTL xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ các trọng điểm xung yếu, xây dựng phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông. Chủ động các phương án bảo vệ công trình, phòng chống lụt bão và ứng phó với siêu bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Các Cty KTCTTL rà soát, sửa chữa kịp thời các cống đầu mối, các trạm bơm, các đập điều tiết quan trọng, các trục kênh chính liên xã và thiết bị máy móc. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và phối hợp cùng các xã, thị trấn tổ chức khơi thông dòng chảy kênh tiêu, đảm bảo cho việc tiêu thoát nước nhanh khi mưa úng xảy ra. Theo đó đối với các vùng tiêu chủ yếu bằng động lực như các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, tùy theo diễn biến cụ thể của tình trạng úng và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để có biện pháp chỉ đạo vận hành tiêu úng hiệu quả nhất và đảm bảo tiết kiệm điện; duy trì đúng mực nước khống chế trong hệ thống theo từng thời kỳ. Tại các vùng tiêu chủ yếu bằng trọng lực như các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, mọi phương án vận hành hệ thống trong từng thời kỳ dựa vào quy luật thủy triều, lịch thời vụ, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, yếu tố của thời tiết và các quy luật biến động của tự nhiên để chọn phương án vận hành đảm bảo tính tổng hợp, hiệu quả cao nhất. 

Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ mùa 2017, triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa 2018 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan nhấn mạnh: Để thực hiện tốt công tác tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất, tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa xuân ngay khi lúa chín, đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất. Chỉ gieo sạ trên những chân ruộng chủ động về tưới, tiêu. Các địa phương và các Cty KTCTTL phải quan tâm nạo vét kênh mương dẫn nước, tu bổ tôn cao bờ vùng, bờ thửa, đảm bảo phân vùng chống úng. Xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm công trình thủy lợi theo Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Luật Đê điều. Xây dựng 3 phương án cụ thể: phòng chống úng, phòng chống hạn và phương án tưới, tiêu nước theo từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của lúa. Kiểm tra, rà soát, sửa chữa kịp thời máy bơm dã chiến đảm bảo khi có úng lớn xảy ra từng vùng có thể chủ động ứng cứu theo phương án đã duyệt. Tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong chủ động đối phó với hiện tượng bất thường của thời tiết./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com