Năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ, du lịch của Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) ước đạt trên 443 tỷ đồng. Các nhóm nghề truyền thống như dệt lưới cước, kéo sợi PE, chế biến thủy sản và các nghề mới như: may công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), cơ khí… đều ổn định, có tốc độ tăng trưởng tốt nên đã góp phần quan trọng nâng tổng thu nhập trên địa bàn thị trấn đạt trên 652 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2016; bình quân thu nhập đầu người đã được năng lên 46,2 triệu đồng/năm. Có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND thị trấn, là sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Kéo sợi PE làm nguyên liệu dệt lưới cước tại Doanh nghiệp Tư nhân Mạnh Dân, Thị trấn Thịnh Long. |
Với chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, Thị trấn Thịnh Long đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn đã có trên 50 Cty, cơ sở sản xuất và hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động địa phương; trong đó có gần 3.000 lao động và trên 60% Cty, cơ sở tham gia sản xuất CN-TTCN với các ngành nghề chủ yếu là: chế biến thủy sản, dệt lưới cước, kéo sợi PE, cơ khí, sản xuất VLXD, may công nghiệp… Đến nay, nghề dệt lưới cước ở các tổ dân phố 9, 11 đã thu hút hàng trăm hộ gia đình tham gia sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Để nghề dệt lưới cước phát triển bền vững, Thị trấn Thịnh Long đã xây dựng đề án thành lập làng nghề dệt lưới cước Minh Châu. Làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT với tổng diện tích gần 260 nghìn m2, sản phẩm chủ yếu là các loại lưới cước dệt từ sợi PE phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản. Làng nghề có trên 200 hộ và gần 1.000 lao động làm nghề với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề được thành lập là cơ sở để các hộ dân có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ nhau trong các khâu cung ứng nguyên liệu, phát triển thị trường. Anh Nguyễn Minh Tân, chủ cơ sở dệt lưới cước ở khu 11, làng nghề Minh Châu cho biết: Cơ sở của anh rộng gần 400m2 với 30 đầu máy móc các loại, trong đó có 24 khung dệt, mỗi khung trị giá gần 20 triệu đồng. Hằng tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 10 tấn sợi nguyên liệu, tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài nghề dệt lưới cước, trên địa bàn thị trấn còn có 8 doanh nghiệp chuyên kéo sợi PE, cung cấp nguyên liệu chính cho làng nghề dệt lưới Minh Châu, thu hút trên 300 lao động tham gia với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp lớn như: Hoa Tâm, Minh Hà, Đỗ Văn Toán… đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng khang trang, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại mỗi năm sản xuất được trên 100 tấn sợi cước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30-50 lao động. Anh Đoàn Quang Sáng, đại diện Doanh nghiệp Tư nhân Mạnh Dân cho biết: Hiện tại, doanh nghiệp có 3 dàn máy kéo sợi, 3 dàn máy phun sợi và 5 dàn se sợi với tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi ngày, doanh nghiệp sản xuất được khoảng 1 tấn sợi PE để cung ứng nguyên liệu cho 50 hộ nhận gia công thành lưới cước khổ rộng từ 70cm đến 1,8m. Doanh nghiệp hiện có 12 lao động tập trung với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng; các hộ nhận gia công sản phẩm tại nhà cũng đạt mức tiền công từ 150 nghìn đồng/người/ngày. Từ hạt nhân là làng nghề Minh Châu, nghề dệt lưới cước đã phát triển rộng khắp ra các tổ dân phố. Thị trấn hiện có trên 700 khung dệt, 8 cơ sở kéo sợi PE vừa cung ứng nguyên liệu vừa bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia công. Nhiều cơ sở đã phát triển thành doanh nghiệp tư nhân. Mỗi doanh nghiệp ngoài 2 dàn máy kéo sợi còn có từ 50-80 hộ thường xuyên nhận nguyên liệu gia công sản phẩm tại nhà. Bên cạnh nghề dệt lưới cước và kéo sợi PE; các nghề khác như: may công nghiệp, chế biến thủy sản, cơ khí... cũng phát triển mạnh. Thị trấn hiện có 6 Cty chế biến thủy sản và 5 cơ sở làm nước mắm, mắm tôm. Nghề chế biến thủy sản ở Thịnh Long phát triển đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Cty CP Chế biến hải sản Nam Định chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm và các sản phẩm từ sứa biển. Mỗi năm Cty sản xuất và tiêu thụ ra thị trường khoảng 600 nghìn lít nước mắm, 50 tấn mắm tôm và 500 tấn sứa thành phẩm; đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 40 công nhân với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong thời gian tới, Thị trấn Thịnh Long chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong làng nghề Minh Châu và các hộ cá thể có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích phát triển nghề truyền thống và tăng cường phát triển các nghề mới để góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 2018, thị trấn phấn đấu nâng tổng thu nhập trên địa bàn đạt từ 700 tỷ đồng trở lên; giá trị sản xuất CN-TTCN và thương mại, dịch vụ đạt 470 tỷ đồng; nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/năm./.
Bài và ảnh: Thành Trung