Quản lý chi phí là thước đo về mức độ hợp lý, hiệu quả đầu tư và sự phù hợp với quy định pháp luật trong đầu tư xây dựng. Để đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, từ năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2015/NĐ-CP; các bộ, ngành liên quan đều ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo đó, việc quản lý chi phí phải được thực hiện xuyên suốt trong tất cả các giai đoạn đầu tư và các lĩnh vực đầu tư, ngay từ lúc bắt đầu khảo sát - lập dự án đầu tư, qua các quá trình lập thiết kế - dự toán, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, cung cấp vật tư thiết bị, thi công xây dựng đến khi hoàn thành đưa công trình vào sử dụng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư. Hiệu quả quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thể hiện ở các tiêu chí: phù hợp với quy định pháp luật; hợp lý về mặt kinh tế - kỹ thuật trong giải pháp thiết kế, xây dựng công trình; giảm giá thành xây dựng công trình; đúng đắn trong việc lập và thực hiện dự toán - thanh, quyết toán; giảm thiểu các nội dung phát sinh, giảm thiểu vật tư tồn kho...
Thi công xây dựng công viên tại KĐT Dệt may (TP Nam Định). |
Qua hơn 3 năm thực hiện quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo Nghị định 32 tại tỉnh ta cho thấy đã tăng cường trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, chống thất thoát, lãng phí cho hầu hết các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C có kỹ thuật phức tạp hoặc áp dụng công nghệ cao được quản lý chặt chẽ ngay từ khâu “tiền kiểm” do người quyết định đầu tư đã yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý chi phí đủ năng lực thực hiện thẩm tra dự toán xây dựng công trình, làm cơ sở cho việc thẩm định trước khi trình duyệt. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được về mặt quản lý Nhà nước, quá trình thực hiện Nghị định 32 cho thấy còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn lập dự toán, quyết toán hoàn thành công trình. Đơn cử như trong chi phí gói thầu thi công xây dựng, theo quy định chi phí hạng mục chung tính theo tỷ lệ phần trăm. Trên thực tế, chi phí hoàn trả mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công đều có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định dẫn đến khó khăn về tính chi phí, cần có hướng dẫn để giải quyết phù hợp. Các quy định hiện hành cũng chưa hướng dẫn lập dự toán chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, dù đây là một thành phần chi phí thuộc khoản mục chi phí khác và được dự tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại sự chồng chéo, chưa phù hợp trong quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng giữa nghị định và các thông tư hướng dẫn ở các văn bản pháp luật khác như: chưa thống nhất hướng dẫn về chi phí hạng mục chung giữa Thông tư 06/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6-5-2015 của Bộ KH và ĐT. Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ mời thầu theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu và quy định này tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15-2-2017 của Bộ Xây dựng công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng còn chênh nhau. Trên thực tế, một số định mức về máy móc, thiết bị thi công đã có thay đổi về chủng loại, công suất, định mức nhiên liệu, nguyên giá… nhưng chưa được cập nhật để quản lý. Phương pháp xác định giá ca máy vẫn dựa trên nguyên tắc căn cứ vào giá thị trường gây khó khăn cho công tác quản lý do liên tục biến động. Các định mức về số chuyên gia, mức lương của chuyên gia cũng như định mức về chi phí khác chưa có cơ sở quy định cụ thể để xác định gây khó khăn cho chủ đầu tư. Một số chi phí khác như chi phí thí nghiệm đối chứng, chi phí kiểm định, chi phí thí nghiệm khả năng chịu lực công trình, chí phí kiểm tra nghiệm thu công trình vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và quy định còn thấp so với khối lượng công việc thực tế. Chưa có định mức dự toán xây dựng công trình thay thế định mức cũ gây khó khăn cho công tác lập và quản lý chi phí xây dựng. Thời hạn quyết toán dự án đầu tư xây dựng được quy định còn chưa phù hợp với thực tế khiến khó thực hiện theo quy định. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu khiến công tác quản lý chi phí xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, thi công và thanh quyết toán công trình chủ yếu do hệ thống các định mức do Nhà nước ban hành còn chậm, chưa đáp ứng được nhịp độ phát triển và hội nhập của ngành Xây dựng trong giai đoạn hiện nay. Định mức xây dựng được công bố hiện nay là định mức dự toán, được xác định trong một điều kiện chuẩn nên không phù hợp với cơ chế thị trường. Hệ thống định mức xây dựng không theo kịp sự thay đổi của các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mới. Thực tế thi công áp dụng công nghệ mới tiên tiến, có năng suất cao hơn nhưng nhiều cá nhân lập dự toán vẫn áp dụng định mức theo công nghệ cũ làm tăng chi phí (có trường hợp còn áp dụng trị số định mức cũ nhưng lại áp dụng giá ca máy của máy mới năng suất cao, làm cho giá xây dựng tăng cao). Thiếu hệ thống định mức cơ sở về năng suất lao động, bậc thợ và năng suất máy, thiết bị thi công cho việc xác định đơn giá, dự toán. Năng lực của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan chuyên môn trong việc điều chỉnh, sửa đổi định mức đã có và xây dựng định mức mới còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý chi phí đầu tư xây dựng thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác thẩm định dự toán, tư vấn thiết kế, bản vẽ thi công; cập nhật, tuyên truyền, phổ biến, bổ sung các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy trình quy phạm thiết kế thi công, nhất là đối với các loại kết cấu, công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng công trình xây dựng. Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất định mức xây dựng để áp dụng; công bố bảng nguyên giá máy, thiết bị trên toàn quốc để tham khảo, sử dụng. Hướng dẫn các địa phương xác định rõ quy định tỷ lệ % chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng là một thành phần chi phí thuộc khoản mục chi phí khác cũng như xác định mức tỷ lệ % chi phí chung đảm bảo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” như trong Nghị định đã nêu./.
Bài và ảnh: Đức Toàn