Tập trung giải quyết những bất cập ở các cụm công nghiệp

08:05, 02/05/2018

Với mục tiêu từng bước di dời, không để phát sinh các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, đầu tư sản xuất trong khu vực tập trung, có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, tiện ích, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển công nghiệp bền vững, tăng nguồn thu cho ngân sách, gần 20 năm qua các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng, đưa các CCN vào hoạt động. Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực, quá trình hoạt động, hầu hết các CCN đều được các địa phương đánh giá đạt hiệu quả chưa cao, còn để phát sinh nhiều hệ lụy cần giải quyết.

Sang chiết gas ở Cty TNHH Thương mại Phúc Thái, CCN An Xá (TP Nam Định).
Sang chiết gas ở Cty TNHH Thương mại Phúc Thái, CCN An Xá (TP Nam Định).

Huyện Hải Hậu có 6 CCN, trong đó có 5 CCN đã lấp đầy. Riêng CCN Thị trấn Thịnh Long có diện tích 18ha đến nay chưa lấp đầy do mới được hỗ trợ 2 tỷ đồng nên còn thiếu vốn đầu tư hạ tầng, chưa hoàn tất hệ thống đường và các công trình phụ trợ khác. Cả 6/6 CCN của huyện Hải Hậu đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư các công trình bảo vệ môi trường (BVMT). Huyện Trực Ninh có 3 CCN theo quy hoạch cũ đã đi vào hoạt động, bao gồm: CCN Thị trấn Cổ Lễ rộng 9,84ha đã lấp đầy; CCN Cát Thành giai đoạn 1 rộng 26ha, đã lấp đầy; CCN Trực Hùng, giai đoạn 1 là 12,86ha đã lấp đầy. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các CCN được UBND huyện đánh giá không cao. CCN Cát Thành có 5/7 doanh nghiệp hoạt động trong ngành đóng tàu, từng phát triển mạnh trong giai đoạn năm 2008 đến năm 2010, sau đó do rơi vào tình trạng khó khăn chung của ngành công nghiệp đóng tàu trên toàn quốc nên đến nay các doanh nghiệp này cũng chỉ sản xuất cầm chừng. CCN Trực Hùng ở khu vực ngoài đê, có 19 cơ sở, chủ yếu tham gia sản xuất gạch. Một số doanh nghiệp có điều kiện về vốn đã chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về xóa lò gạch thủ công. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vẫn đang duy trì sản xuất theo công nghệ lò vòng và lò đứng liên tục, sau khi được Sở Xây dựng gia hạn xóa bỏ trong năm 2018. Theo UBND huyện, đến thời hạn bắt buộc phải xóa bỏ lò gạch thủ công, chắc chắn các cơ sở này sẽ rơi vào tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, tất cả các CCN trên địa bàn huyện Trực Ninh đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng các công trình BVMT; chỉ có CCN Cổ Lễ mới đầu tư hồ sinh thái gom nước thải của các doanh nghiệp để sơ lắng chứ chưa xử lý rồi thải ra môi trường. Huyện Ý Yên hiện có 3 CCN đã đi vào hoạt động; trong đó, CCN Yên Xá rộng 3,15ha, đã được lấp đầy ngay sau khi thành lập từ năm 2004, 2005; CCN La Xuyên xã Yên Ninh rộng 6,7ha cũng đã nhanh chóng lấp đầy ngay sau khi thành lập. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được giao đất đã tự ý chia nhỏ diện tích rồi giao cho một số doanh nghiệp khác cùng đầu tư sản xuất, kinh doanh làm quy hoạch sử dụng đất bị xé lẻ. CCN phía nam Thị trấn Lâm có diện tích 18ha, giai đoạn 1 đã được lấp đầy, trong đó có một doanh nghiệp là Cty CP Đống Đa được giao đất từ năm 2014 nhưng chậm tổ chức xây dựng. Về xây dựng công trình BVMT, chỉ có CCN làng nghề Yên Xá đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng cũng chưa đưa vào hoạt động. Huyện Vụ Bản có 2 CCN, gồm CCN Trung Thành xây dựng từ năm 2002 với quy mô 5,9ha; CCN Quang Trung xây dựng từ năm 2004 với quy mô 6,1ha. Theo quy định trước đây, UBND tỉnh giao cho UBND xã quản lý CCN nhưng do quản lý chưa chặt chẽ nên thời gian đầu chính quyền xã Quang Trung cho các hộ sản xuất ở làng nghề di chuyển vào sản xuất trong CCN được xây nhà không quá 3 tầng. Vì thế hiện nay CCN Quang Trung tồn tại tình trạng các hộ xây dựng nhà để sinh sống cùng nơi sản xuất. Tại CCN xã Trung Thành, xã đã sử dụng quỹ đất nằm ngoài quy hoạch CCN giao cho doanh nghiệp vì vậy tồn tại tình trạng có hộ thuê 100m2 nhưng trên thực tế sử dụng 120m2. Giống như nhiều địa phương trên toàn tỉnh, các CCN của huyện Vụ Bản cũng chưa được đầu tư công trình BVMT. Huyện Nam Trực có 2 CCN cũ đã hoạt động, gồm CCN Vân Chàng và CCN Đồng Côi; trong đó, CCN Vân Chàng có quy hoạch ban đầu là 10,2ha; từ năm 2001 đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 được 6,7ha với khoảng 80 cơ sở sản xuất cơ khí. Tuy nhiên huyện không đưa diện tích còn lại vào khai thác do hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm gây ô nhiễm môi trường và chưa thể giải quyết ổn thỏa... Huyện Xuân Trường đã đưa vào hoạt động 4 CCN tập trung gồm: Thị trấn Xuân Trường, Xuân Tiến, Xuân Bắc và CCN đóng tàu Thị trấn Xuân Trường. Trong đó, CCN đóng tàu Thị trấn Xuân Trường, tổng diện tích 14,9ha, có 13 doanh nghiệp đóng tàu đang sản xuất cầm chừng, hiệu quả hoạt động không cao. CCN Xuân Bắc hình thành từ năm 2003, theo quy mô ban đầu 4,4ha, giai đoạn 1 là 2,86ha với 19 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, nhưng hiện nay huyện có chủ trương không tiếp tục đầu tư, đưa vào khai thác phần diện tích đất còn lại do CCN này nằm giữa khu dân cư và cũng chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về BVMT. Cá biệt, cơ sở sản xuất giấy Mạnh Chí liên tục bị khiếu nại về việc làm ô nhiễm môi trường...

Thực trạng hoạt động của các CCN trong gần 20 năm qua cho thấy, hầu hết các CCN chưa đem lại nguồn thu cho ngân sách mà còn phát sinh thêm nhiều hệ lụy, gây thiệt hại về kinh tế, ô nhiễm môi trường, có nơi rất nghiêm trọng. Với quan điểm, không dừng ở quản lý hành chính đơn thuần mà phải phát huy được vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế từ hoạt động của các CCN, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tập trung giải bài toán nâng cao chất lượng quản lý tổng thể, mọi mặt của CCN. UBND tỉnh yêu cầu, trước mắt các ngành, các địa phương ưu tiên giải quyết mọi hệ lụy do CCN phát sinh. Các huyện phải tập trung rà soát các CCN, đánh giá hiệu quả khai thác đất thương phẩm, việc chấp hành các quy định về đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính, BVMT, sử dụng lao động. Từ đó đánh giá phân tích tổng thể thực trạng, chủ động đề xuất phương pháp xử lý bất cập và đưa ra mô hình quản lý, khai thác CCN khoa học, hiệu quả hơn. Đối với các CCN cũ đã lấp đầy hoặc chưa lấp đầy nhưng chưa đầu tư công trình BVMT có thể áp dụng phương án chuyển nhượng, bàn giao cho doanh nghiệp quản lý sau khi đã tính toán tổng chi phí đầu tư hạ tầng. Trong giai đoạn chưa thu hút, chuyển giao được cho các doanh nghiệp quản lý, các địa phương, ngành chức năng chủ động siết chặt việc chấp hành nghiêm các quy định BVMT từ phía các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong CCN; riêng phần diện tích chưa lấp đầy kiên quyết chỉ thu hút các ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường. Đối với các CCN trong quy hoạch mới, sẽ tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, các huyện phải có phương án quản lý hiệu quả các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN, đảm bảo các doanh nghiệp chấp hành nghĩa vụ pháp luật về thuế, BVMT, đất đai. Trong đầu tư xây dựng các CCN theo quy hoạch mới được phê duyệt, các địa phương cần quan tâm phân vùng và thu hút các doanh nghiệp đồng ngành nghề vào chung một cụm để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư công trình xử lý môi trường. Đặc biệt, nên đầu tư dứt điểm từng CCN, bảo đảm phải hoàn tất hạ tầng đồng bộ mới tiến hành thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com