Thời gian qua, ngành NN và PTNT đã nỗ lực ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Mục tiêu tiếp theo là kiểm soát căn bản vấn nạn sử dụng bừa bãi kháng sinh dẫn đến tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu ngành chăn nuôi trong nước, không đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, vấn đề quản lý về kinh doanh thuốc thú y và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.
Hiện nay, trên thị trường có hơn 6.000 loại thuốc thú y của trên 90 nhà sản xuất có trong danh mục được Bộ NN và PTNT cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Qua tìm hiểu từ các hộ chăn nuôi, kháng sinh đa số được dùng với mục đích phòng bệnh, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Song có trường hợp người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh trộn với thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ nhất định không nhằm chữa bệnh mà để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra việc bảo đảm điều kiện kinh doanh của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… Đồng thời phối hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thuốc thú y tại 39 cơ sở, lấy 13 mẫu thuốc thú y để kiểm định chất lượng; kết quả có 1 mẫu thuốc thú y kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn như đăng ký. Đoàn thanh tra đã phạt hành chính 1 đơn vị sản xuất và 1 đơn vị kinh doanh thuốc thú y với tổng số tiền gần 12 triệu đồng. Chi cục cũng kiểm tra thường kỳ 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại các huyện, thành phố. Nhìn chung, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên đã cơ bản nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc thú y như: có giấy đăng ký kinh doanh do UBND huyện, thành phố cấp; có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y, chứng chỉ hành nghề do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp; các sản phẩm thuốc thú y tại các cơ sở kinh doanh này cơ bản đã có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo đúng theo quy định về nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng…
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh còn gặp khá nhiều khó khăn. Số cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh nhiều, với 516 cơ sở, sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại; nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa tổng hợp, trong đó có cả thuốc thú y; một số Cty sản xuất, kinh doanh thuốc thú y phân phối bằng cách cho nhân viên tiếp thị trực tiếp mang hàng xuống các trang trại chăn nuôi quảng cáo và bán thẳng cho người chăn nuôi… nên cơ quan chức năng rất khó quản lý kiểm soát các loại thuốc được cung ứng. Theo Luật Thú y, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở kinh doanh thuốc thú y cần có đủ điều kiện về cơ sở vật chất; chủ cơ sở kinh doanh phải có bằng Trung cấp chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản trở lên. Thực hiện Luật Thú y, căn cứ các quy định về điều kiện trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã rà soát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y cho 266 cơ sở, chiếm 51,5% tổng số cơ sở đang kinh doanh trên toàn tỉnh. Trong khi đó, kinh phí dành cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, phân tích mẫu còn hạn chế nên số cơ sở được kiểm tra và số mẫu lấy kiểm tra chất lượng các loại thuốc bán còn ít. Quản lý việc kinh doanh thuốc thú y kháng sinh đã khó, nhưng quản lý việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn khó hơn. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có tổ chức tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật cho chủ cơ sở kinh doanh và đội ngũ Trưởng thú y các xã, thị trấn. Nhưng trên thực tế thì hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc thú y chỉ quan tâm đến bán được hàng chứ chưa quan tâm đến việc hướng dẫn người mua sử dụng các loại kháng sinh đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng chưa kiểm soát được việc hành nghề của đa số thú y viên các xã và những người hành nghề thú y tự do. Do trình độ chuyên môn yếu nên khi chữa bệnh cho vật nuôi họ thường sử dụng kháng sinh liều cao hơn quy định, phối hợp nhiều loại kháng sinh không đúng nguyên tắc. Ngoài ra do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu (chiếm trên 70%) nên việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng phần lớn các hộ chăn nuôi sử dụng kháng sinh còn tùy tiện, ít chú ý đến quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất trong điều trị. Tình trạng sử dụng kháng sinh “3 không”: không đúng bệnh, không đúng liều lượng, không đúng lộ trình… khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người chăn nuôi do tốn chi phí mua thuốc, sản phẩm tồn dư kháng sinh lớn, khó tiêu thụ... Đặc biệt, kháng sinh tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi có hại cho người sử dụng; gây ra hiện tượng kháng kháng sinh khi vi khuẩn “nhờn thuốc”, ảnh hưởng đến cả công tác phòng chống dịch bệnh chung.
Đấu tranh ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là quá trình khó khăn và phức tạp. Cơ quan chuyên môn không thể bao quát toàn diện, kiểm soát thường xuyên việc kinh doanh và sử dụng kháng sinh. Từ thực trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam, Bộ NN và PTNT đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020”. Theo kế hoạch này, Bộ NN và PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp, nội dung thực hiện, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh cũng như nguy cơ hình thành kháng kháng sinh; giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm… Chủ trương của Bộ NN và PTNT sẽ dần hạn chế sử dụng, tiến tới cấm sử dụng kháng sinh cho mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình có những giải pháp hạn chế kháng sinh trong chăn nuôi như sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược chăm sóc vật nuôi ở các xã: Xuân Ngọc (Xuân Trường), Trực Thái (Trực Ninh), Yên Lợi (Ý Yên)… Đây là nỗ lực và hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác tập huấn, tuyên truyền để người chăn nuôi khi sử dụng thuốc phòng, trị bệnh cho vật nuôi cần tuân thủ theo đúng chỉ định ghi trên nhãn thuốc và hướng dẫn của cơ sở sản xuất, tuyên truyền tác hại của việc dùng thuốc sai quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu trong quản lý kinh doanh thuốc thú y. Người chăn nuôi khi sử dụng thuốc kháng sinh phải có kiến thức và được sự tư vấn của bác sĩ thú y, sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tăng cường phát triển chăn nuôi theo phương thức sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược nâng cao sức đề kháng, phòng bệnh cho vật nuôi; nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và góp phần bảo vệ môi trường./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh