Nhiều năm qua, phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, cán bộ, hội viên nông dân xã Hải Lý (Hải Hậu) đã tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tích cực hưởng ứng và đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển; xây dựng tổ chức Hội Nông dân (HND) vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HND xã Hải Lý cho biết, trong 5 năm gần đây, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá cả thị trường nông sản không ổn định, nhất là giá thịt lợn hơi, giá muối xuống thấp, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và sự điều hành của chính quyền, cùng với việc Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, HND xã đã động viên cán bộ, hội viên hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, cải tạo vườn tạp, tích cực chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng màu và các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, tiếp tục đưa sản xuất nông nghiệp của xã Hải Lý phát triển ổn định và bền vững. HND xã đã vận động cán bộ, hội viên chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, theo mô hình gia trại, trang trại, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đến nay, toàn xã đã có 9 gia trại, trang trại với tổng đàn lợn gần 6.000 con, lợn hơi xuất chuồng là 427 tấn; đàn gia cầm 15.330 con. Với diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã gần 56,3ha, các chủ đầm, hồ đã chủ động đầu tư cải tạo ao nuôi, giống, vốn nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá truyền thống cho thu nhập cao. Đối với sản xuất muối, HND xã vận động các hội viên, diêm dân bám nắng, bám đồng ruộng, nạo vét kênh mương, làm thuỷ lợi nội đồng, tu sửa ô nề, thống, chạt phục vụ sản xuất. Hiện nay, năng suất muối bình quân toàn xã đạt 65-70 tấn/ha/năm; sản lượng đạt 3.141 tấn; giá trị kinh tế bình quân đạt 82 triệu đồng/ha. Trong khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư, tranh thủ thời tiết thuận lợi mở rộng, bám sát ngư trường để khai thác, đánh bắt có hiệu quả cả gần bờ và xa bờ. Phong trào trồng hoa, cây cảnh tiếp tục được duy trì ở một số gia đình hội viên, mang lại nguồn thu nhập ổn định, với tổng giá trị thu nhập từ bán hoa, cây cảnh ước đạt mỗi năm gần 3 tỷ đồng. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, luôn duy trì và phát triển các nghề thủ công, nghề mộc, nghề đục lèo, may công nghiệp thu hút trên 400 lao động với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn khoảng 200 lao động làm tại các cụm công nghiệp trong huyện Hải Hậu có mức thu nhập ổn định từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, làm muối có năng suất thấp sang làm trang trại, gia trại trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu, rau màu, cây ăn quả, nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như hộ ông Lại Văn Hiến, ông Nguyễn Văn Danh chi hội xóm B, ông Nguyễn Văn Xuân, ông Nguyễn Văn Thịnh chi hội xóm 4... Ông Nguyễn Văn Phú, chi hội xóm B, một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi ếch Thái Lan cho biết, trước đây, gia đình ông nuôi cá truyền thống, thu nhập tương đối ổn định, được sự giúp đỡ của các cấp HND, để mở rộng mô hình, năm 2016, ông đã mạnh dạn đầu tư xây bể nuôi ếch Thái Lan. Theo ông Phú, ếch Thái Lan có nhiều ưu điểm như: dễ nuôi, ít bệnh, thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao. Nuôi ếch không cần diện tích lớn, chi phí đầu tư thấp; đặc biệt có thể nuôi thả ghép với cá, tận dụng thức ăn dư thừa và làm sạch môi trường ao nuôi. Ngoài ra, nuôi ếch Thái Lan cần nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi và thay nước thường xuyên để bảo đảm vệ sinh, giữ môi trường nuôi luôn ổn định, hạn chế dịch bệnh. Hiện nay, doanh thu từ nuôi cá, ếch Thái Lan của gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng/năm. Từ thành công của gia đình ông, nhiều hộ nông dân trong xã cũng phát triển mô hình nuôi ếch Thái Lan như hộ ông Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Văn Minh, chi hội xóm B...
Để giúp nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, HND xã phối hợp với Trung tâm giáo dục cộng đồng xã, các Cty tổ chức 9 lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản; hội thảo khoa học kỹ thuật về chăm sóc và bảo vệ cây lúa, cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu hút 1.762 lượt hội viên tham gia. Nhờ đó nhiều hội viên đã áp dụng tốt các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây dược liệu trên vùng chuyển đổi và vườn tạp cho thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/sào/năm, gấp 2-3 lần trồng lúa. HND xã cũng đã tích cực tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nông dân như vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tư vấn trợ giúp pháp lý cho nông dân... Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân xã có 28 triệu đồng cho 2 hộ vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH cho 278 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với dư nợ 6,6 tỷ đồng; tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT cho 869 hộ vay 105 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức HND nên phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của Hải Lý có bước phát triển. Đến nay, toàn xã có trên 450 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 25% so với hộ nông dân, tăng 5,3% so với đầu nhiệm kỳ; trong đó, hộ đạt cấp Trung ương, tỉnh chiếm 3,8%, cấp huyện 5,3%, cấp xã 13,2% so với hộ nông dân. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, số hộ nghèo hằng năm giảm, số hộ khá giàu tăng nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 4,5% (theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều). Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp người nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Hoàng Tuấn