Sau nhiều năm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) đã làm chủ quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo theo điều kiện thực tế tại địa phương. Thành công này đã mở ra một cơ hội nghề mới có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Nấm đông trùng hạ thảo là một loại nấm dược liệu quý hiếm chỉ sống được trong môi trường tự nhiên trên núi cao ở dãy Hi-ma-lay-a thuộc các vùng Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc (Trung Quốc) và Nê-pan… Nấm tồn tại ở dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Vào mùa đông nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi vỏ sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất.
Kiểm tra chất lượng nấm đông trùng hạ thảo nuôi trồng thử nghiệm tại phòng vô trùng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN). |
Kết quả nghiên cứu khẳng định nấm đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, là nguồn nguyên liệu tốt cho ngành y dược học. Trong đó nổi lên với 3 công dụng chính là bồi bổ cơ thể, phục hồi sức khỏe sau đau ốm; tăng cường chức năng thận và tăng cường hoạt động hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và khả năng miễn dịch của cơ thể… Tuy nhiên, nấm đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá rất cao (tới 1,8 tỷ đồng/kg khô) và cũng không nhiều trên thị trường nên người tiêu dùng chỉ nghe nói hoặc đọc qua sách vở, ít có cơ hội sử dụng. Lợi dụng sự khan hiếm và thông tin về công dụng tuyệt vời của sản phẩm, nhu cầu tìm kiếm của người tiêu dùng cao trong khi kiến thức để phân biệt đánh giá chất lượng sản phẩm không có, các gian thương đưa ra thị trường nhiều loại nấm đông trùng hạ thảo nhập ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng với giá bán quá cao, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Từ việc đánh giá tác dụng và giá trị thương mại của nấm đông trùng hạ thảo, thông tin về việc nuôi cấy nhân tạo loại nấm này ở các cơ sở khoa học, năm 2017, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã đề xuất nghiên cứu “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất thử nghiệm nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris”. Nhóm nghiên cứu sản xuất thử nghiệm nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo tiến hành trồng cấy trên nguyên liệu chính là nhộng tằm, gạo, ngô và dinh dưỡng hữu cơ bổ sung, nuôi dưỡng trong môi trường có các yếu tố không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được điều khiển hoàn toàn tự động khép kín theo chương trình đã được lập trình, đảm bảo độ tương đồng cao nhất với môi trường tự nhiên như ở Tây Tạng (nhiệt độ khoảng -2 độ C). Các kỹ thuật viên theo dõi, chăm sóc phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo tiệt trùng tuyệt đối. Sau 60-70 ngày nuôi dưỡng, nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo đợt đầu tiên đã cho thu hoạch. Sản phẩm nấm phát triển đều, đẹp, có màu vàng đậm, cao từ 6-10cm. Kết quả phân tích thành phần cho thấy chất lượng, hàm lượng dược chất tương đương với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Trong đó, hai dược chất cơ bản là Cordycepin (phòng chống u xơ, tiền ung thư) và Adenosin (điều trị tim mạch) cùng 17 axit amin quý hiếm khác trong nấm đều đạt tỷ lệ cao. Sản phẩm khi đưa chào bán trên thị trường đã được đón nhận tích cực với giá bán rẻ hơn 10 lần so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (giá nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo nhập khẩu khoảng 1-1,2 tỷ đồng/kg khô) trong khi giá trị dược liệu tương đương nhau. Thành công bước đầu trong việc sản xuất nhân tạo nấm đông trùng hạ thảo của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN là kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sản xuất thử nghiệm ở quy mô nhỏ với công nghệ chưa hoàn chỉnh. Hơn nữa, để chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cho nhân dân sản xuất đại trà thì còn nhiều việc phải làm. Trung tâm phải tiến hành lựa chọn, tiếp nhận công nghệ và thiết bị phù hợp, thuê chuyên gia hướng dẫn chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất và chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo; bổ sung trang thiết bị để hoàn chỉnh công nghệ và quy trình chế biến sau thu hoạch nhằm bảo đảm chất lượng, gia tăng giá trị, giúp sản phẩm dễ dàng gia nhập vào thị trường hàng hóa; lựa chọn địa điểm có đủ năng lực đầu tư hạ tầng và nhân lực để xây dựng mô hình điểm nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời lựa chọn cán bộ có chuyên môn và năng lực phù hợp để cử đi đào tạo tiếp nhận công nghệ và tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người dân địa phương… Với các yêu cầu đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN tiếp tục đề xuất được thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm đông trùng hạ thảo tại Nam Định”. Mục tiêu cơ bản là xây dựng thành công mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo ở cộng đồng, đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống, chuyển giao công nghệ nuôi trồng, chế biến nấm đông trùng hạ thảo nhằm tạo ra một số sản phẩm thương mại từ nấm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trên cơ sở đó, dự án sẽ hoàn thiện công nghệ nhân giống nấm ở dạng dịch thể nhằm rút ngắn thời gian nhân giống các cấp cũng như thời gian nuôi trồng nấm. Sử dụng giống nấm dạng dịch thể sẽ rút ngắn được chu kỳ sinh trưởng của nấm trên giá thể nuôi trồng từ 7-10 ngày, tùy thuộc vào từng loại nấm. Đồng thời, làm tăng năng suất nấm lên từ 10-15% so với sử dụng giống nấm dạng rắn và hạn chế được mức độ nhiễm bệnh (nấm mốc). Dự án cũng sẽ xây dựng 2 mô hình điểm trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Thành phố Nam Định và huyện Nam Trực. Đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình công nghệ cho các hộ dân trong khu vực. Toàn bộ sản phẩm của dự án sẽ được ứng dụng công nghệ chế biến thành các dạng sản phẩm bao gồm: Trà túi lọc, cao và rượu đông trùng hạ thảo... cung ứng cho người dân tiêu dùng hằng ngày với giá hợp lý.
Với việc làm chủ quy trình công nghệ từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo đã tạo cơ hội phát triển mở rộng sản xuất để cung ứng ra thị trường nguồn dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu sản xuất dược phẩm và tiêu dùng của các doanh nghiệp dược và người dân trên địa bàn. Đồng thời mở ra một nghề mới cho người dân cả khu vực thành phố và nông thôn có nhu cầu để phát triển kinh tế gia đình./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương