Ngành Nông nghiệp chủ động phòng chống thiên tai

07:05, 08/05/2018

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sẽ tương đương hoặc tăng không nhiều so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa có xu hướng đến sớm ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc. Đỉnh lũ trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động cấp 2-3. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, các khu đô thị và thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… có khả năng xuất hiện vài đợt ngập úng cục bộ.

Khắc phục sự cố sạt lở sau bão số 10 năm 2017 tại đê, kè xã Giao Thiện (Giao Thủy).
Khắc phục sự cố sạt lở sau bão số 10 năm 2017 tại đê, kè xã Giao Thiện (Giao Thủy).

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, Sở NN và PTNT chủ động đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời các công tác PCTT và TKCN nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các ngành lập kế hoạch PCTT. Rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước, trong và sau bão, lũ. Đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh duyệt phương án hộ đê toàn tuyến và phương án bảo vệ trọng điểm PCTT cấp tỉnh. Tổ chức thường trực theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến khí tượng thủy văn, diễn biến đê điều để tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo, điều hành kịp thời công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác PCTT và TKCN; phân công cán bộ theo dõi địa bàn tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, huyện, thành phố triển khai công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các cấp địa phương xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó với các tình huống sự cố vỡ đê, đập; bão, ATNĐ, lũ, lụt… Hạt Quản lý đê phối hợp với các Phòng NN và PTNT, Phòng Kinh tế tham mưu cho UBND các huyện, thành phố phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những sự cố về đê, kè, cống. Sở NN và PTNT chủ động kiểm kê vật tư dự trữ tại các kho bãi phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố; mua bổ sung dự trữ rọ thép, bao nilon, bạt chống tràn, vải lọc…; điều chuyển tập kết vật tư PCTT thiết yếu tại những đoạn đê, kè xung yếu. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập thủ tục xin cấp phép và giám sát thực hiện các hoạt động có liên quan đến an toàn đê điều, thoát lũ; thường xuyên có văn bản điều chỉnh, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh và đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi; nhất là các vi phạm mới phát sinh và các vi phạm gây cản trở, mất an toàn cho công trình PCTT.

Tỉnh ta có trên 74 nghìn ha đất trồng lúa và trên 10 nghìn ha đất trồng màu. Hiện nay, công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn do còn nhiều công trình xây dựng từ lâu đã xuống cấp, đặc biệt là các công trình đầu mối như một số trạm bơm điện được xây dựng và đưa vào vận hành phục vụ sản xuất trên 30 năm, thiết bị máy móc hư hỏng, hiệu suất bơm thấp. Còn rất nhiều cống xây dựng từ trước năm 1970 đã hư hỏng, xuống cấp, cống ngắn hơn so với mặt cắt đê. Một số cửa cống, các kênh tưới, tiêu bị bồi lấp nhiều, việc nạo vét còn nhiều hạn chế. Năng lực hệ thống thủy lợi còn thấp so với yêu cầu sản xuất. Hệ số tưới mới đạt từ 0,86-1 lít/giây/ha (trong đó yêu cầu là 1,25-1,3 lít/giây/ha). Quy hoạch thủy lợi hệ số tiêu phải đạt 7-7,2 lít/giây/ha nhưng thực tế hệ số tiêu của hệ thống mới đạt khoảng 4-5,5 lít/giây/ha. Mặt khác, các giống lúa sử dụng hiện nay là giống thấp cây, thời gian sinh trưởng ngắn, quy trình thâm canh cao, nên yêu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngày càng cao và điều kiện đảm bảo khắt khe hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển các khu công nghiệp, đô thị, công trình giao thông... cũng ảnh hưởng lớn đến năng lực tiêu úng trong mùa mưa bão. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi làm suy giảm năng lực tiêu thoát nước của công trình. Một số địa phương chưa chủ động nạo vét, dọn cỏ rác trên kênh cấp III, gây ách tắc dòng chảy. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Cty KTCTTL thực hiện nghiêm phương án phòng chống úng, hạn; quy trình vận hành hệ thống; quy trình vận hành các cống trong mùa lụt bão; đôn đốc các địa phương hoành triệt các cống xung yếu như: cống Tây Vĩnh Trị đê tả Đáy, cống Quán Khởi đê hữu Đào (Ý Yên); cống Thanh Hương đê biển xã Nghĩa Bình, cống Phú Giáo và Chi Tây đê tả Đáy (Nghĩa Hưng); cống Công Đoàn đê biển Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy)… Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2017-2018, các địa phương và các Cty KTCTTL đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; mua sắm thêm thiết bị máy móc, đồng thời tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa. Kết quả, toàn tỉnh đã sửa chữa 30 cống, làm mới 77 cống dưới đê; sửa chữa 120 cống, làm mới 1.251 cống điều tiết cấp II; sửa chữa 935 cống đập cấp III; kiên cố 124 kênh với tổng chiều dài 55.536m; nạo vét 46 cửa cống, 58 bể hút các trạm bơm, 22 kênh cấp I, 197 kênh cấp II, 7.311 kênh cấp III, 4.382 kênh khoảnh và bờ vùng… Hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng tất cả các công trình, máy móc, thiết bị cấp thiết đã xong và sẵn sàng vận hành hết công suất phục vụ tốt cho công tác phòng chống úng, hạn, phương án tưới - tiêu linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và PCTT. Sở NN và PTNT chỉ đạo các địa phương vùng ảnh hưởng thủy triều vào thời kỳ cuối vụ triển khai tiêu rút nước sớm; tính toán quy hoạch tăng hệ số tưới tiêu đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng các trạm bơm tiêu đầu mối công suất lớn; giải tỏa bèo rác, khơi thông dòng chảy, không để ách tắc; xử lý triệt để các vi phạm công trình thủy lợi, nhất là các vi phạm gây cản trở dòng chảy. Từng bước xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi đã được quy hoạch. Trong công tác PCTT và TKCN chuyên ngành, Sở NN và PTNT tổ chức thường trực, thiết lập và vận hành chế độ thông tin liên lạc với các địa phương, các chủ tàu, thuyền có trang bị máy thông tin liên lạc trong đất liền với các tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, đài thông tin duyên hải, lực lượng Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp TKCN khu vực cung cấp cho các tàu tần số liên lạc, số điện thoại để liên lạc khi có sự cố xảy ra. Phát huy và nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi gặp sự cố, rủi ro. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn đôn đốc các địa phương trên toàn tỉnh hoàn thành việc thu, nộp quỹ PCTT từ năm 2015 đến 2017 và thực hiện thu, nộp quỹ PCTT năm 2018 theo quy định. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thu được gần 29 tỷ đồng và nộp về tài khoản quỹ PCTT của tỉnh trên 21,3 tỷ đồng.

Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp PCTT, ngành Nông nghiệp quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com