Chịu khó, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, anh Trần Xuân Quyền, ở xóm 7, xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp cho thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh cũng là một trong những hộ đầu tiên của xã Nghĩa Hùng duy trì và phát triển nghề trồng nấm sò, nấm mỡ; đặc biệt là với 16 bể nuôi ếch Thái Lan đã mang lại hiệu quả thu nhập cao.
Trang trại trồng nấm sò của gia đình anh Trần Xuân Quyền, xóm 7 xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) cho thu nhập 400-500 triệu đồng/năm. |
Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Quyền khi đang vào vụ thu hoạch nấm sò, nấm mỡ. Với tổng diện tích trang trại gần 2ha, anh Trần Xuân Quyền đã dày công cải tạo, quy hoạch để phát triển trồng nấm và nuôi cá truyền thống, nuôi ếch Thái Lan. Trong đó anh đã dành hơn 2.000m2 để xây dựng 8 trại trồng nấm sò, 2 trại trồng nấm mỡ. Hằng năm, gia đình anh đã thu hoạch khoảng 2 tấn nấm mỡ, 11-12 tấn nấm sò. Với giá thành hiện tại là 50 nghìn đồng/kg nấm mỡ; 20 nghìn đồng/kg nấm sò, gia đình anh đã có doanh thu từ 200-250 triệu đồng/năm. Anh Quyền chia sẻ, từ năm 2006, anh đã theo học nghề trồng nấm tại Trung tâm dạy nghề huyện Nghĩa Hưng và bắt tay vào trồng nấm. Để có thêm kinh nghiệm, ngoài việc tự tìm hiểu, tham quan các mô hình trồng nấm ở những mô hình điển hình, anh còn được các chuyên gia từ Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện chỉ dẫn tận tình theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”. Qua thời gian, anh rút ra kinh nghiệm và truyền đạt lại những kiến thức cho nhiều hộ nông dân quanh vùng. Theo anh Quyền, việc trồng nấm mỡ được bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Nấm mỡ, hay còn gọi là nấm trắng, có hình thù đặc trưng cả cuống và mũ nấm đều trắng toát và có hình tròn như nửa quả cầu, đường kính 3-8cm, ưa khí hậu mát mẻ, giai đoạn phát triển hệ sợi nhiệt độ khoảng 24-28 độ C và giai đoạn ra nấm khoảng từ 15 đến 18 độ C. Nấm mỡ có hàm lượng đạm cao, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Còn đối với nấm sò, thời gian trồng và thu hoạch quanh năm. Một năm có thể trồng 4 vụ nấm sò. Mỗi vụ nấm sò, anh dùng khoảng 7 tấn nguyên liệu trồng trong thời gian 1 tháng là có thể thu hoạch; thời gian thu hoạch từ 2-3 tháng thì đảo nguyên liệu một lần. Để nấm được sơ chế và bảo quản tốt, anh đầu tư 2 lò sấy, 1 lò hấp, 1 kho lạnh. Hiện gia đình anh xuất bán các loại nấm tại thị trường Hà Nội là chủ yếu, ngoài ra cung cấp cho các đầu mối ở Thành phố Nam Định, Quảng Ninh, Đà Nẵng.
Cùng với duy trì và phát triển nghề trồng nấm, từ năm 2014, gia đình anh Quyền còn đầu tư nuôi ếch Thái Lan. Anh cho biết, giống ếch Thái Lan được nhập từ Vĩnh Long. Để nuôi ếch đạt hiệu quả, anh đã đầu tư xây 16 bể xi măng (mỗi bể 12-14m2), mật độ nuôi trung bình từ 100-150 con/m2; thời gian nuôi 3 tháng/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Khi ếch thành phẩm đạt trọng lượng 0,2-0,4kg/con là có thể xuất bán. Bình quân mỗi vụ, anh Quyền nuôi 2,8 vạn con giống; sản lượng thu hoạch đạt 1,8-2 tạ. 4 năm qua, những bể ếch Thái Lan đã mang lại thu nhập cho gia đình anh 80-100 triệu đồng/năm. Chia sẻ với chúng tôi, anh Quyền cho biết, các bể nuôi ếch đều được xử lý vệ sinh trước khi thả giống và nguồn nước luôn được lưu thông thay mới sau mỗi vụ nuôi. Nguồn thức ăn cho ếch trong tháng đầu là thức ăn viên tổng hợp, từ tháng thứ 2 đến khi thu hoạch được nuôi bằng các loại thức ăn tự nhiên như giun đất, ốc sên, các sản phẩm thừa khi giết mổ gia súc, gia cầm… Từ kết quả thực tiễn cho thấy, ếch Thái Lan có khả năng sinh trưởng nhanh, khả năng sinh sản cao hơn so với ếch của Việt Nam. Sau thời gian nuôi từ 3-3,5 tháng, sản lượng ếch Thái Lan cho thu nhập bình quân từ 1,4-1,6 kg/m2 ao nuôi. Với giá bán bình quân 70 nghìn đồng/kg, sau 3-3,5 tháng mỗi mét vuông mặt nước cho thu nhập từ 98-120 nghìn đồng. Như vậy sau một lứa nuôi ếch Thái Lan sẽ cho thu nhập từ 29-35 triệu đồng. Bên cạnh đó, vụ nuôi thủy sản năm 2018 này, anh bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng ở môi trường nước ngọt với diện tích 4 sào ao. Anh Quyền cho biết, trước đây, nuôi cá truyền thống là chủ yếu nhưng hiệu quả chưa cao. Qua tìm hiểu, thấy nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt cho hiệu quả khả thi. Vì vậy, anh quyết định đầu tư 7 vạn tôm giống với mong muốn nâng cao thu nhập, đa dạng con nuôi. Hiện trang trại của gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh đang hướng tới quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần cung cấp thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Đồng chí Nguyễn Quang Đối, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hùng cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế cho thu nhập cao để tăng giá trị thu nhập trên đầu người, nhờ đó mà đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình là mô hình kinh tế trang trại tổng hợp như gia đình anh Trần Xuân Quyền. Với hiệu quả mô hình trang trại tổng hợp, anh Quyền đã tiên phong mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. Từ đó, sẽ khai thác tốt thế mạnh về đất đai, sức lao động nông thôn dồi dào, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa, rơm, rạ, góp phần đa dạng hoá cơ cấu vật nuôi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững”./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn