Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta luôn đạt mức tăng trưởng cao, năm 2017 tăng 25% so với năm 2016; 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 435,98 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động xuất khẩu trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế cần có các giải pháp tổng thể thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Chế biến ngao xuất khẩu tại Cty CP Thủy sản Lenger Việt Nam (TP Nam Định). |
Hoạt động xuất khẩu năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 có nhiều khởi sắc, phát triển ổn định với trên 140 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu trực tiếp thuộc nhiều thành phần kinh tế và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể xuất khẩu ký gửi, ủy thác sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN… Hoạt động xuất khẩu có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp mới, sản phẩm mới tham gia thị trường xuất khẩu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp dệt may tiếp tục được đầu tư nâng cao năng lực sản xuất như: Cty TNHH Biển Bạc, Cty TNHH SHINSUNG (TP Nam Định); mặt hàng da giày trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực thứ 2 của tỉnh sau dệt may với những đơn vị sản xuất được đầu tư lớn như: Cty TNHH Da giày AMARA, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Cty Việt Power, xã Hải Tân (Hải Hậu); Cty TNHH Yamani Dynasty ở xã Nam Hồng (Nam Trực); Cty TNHH Giày Thành Bách (TP Nam Định). Đặc biệt năm 2017 và đầu năm 2018 có thêm 2 sản phẩm nông sản của tỉnh ta là ngao sạch của Cty CP Thủy sản Lenger Việt Nam và muối biển nhạt Royal của Cty CP Muối và Thương mại Nam Định lần đầu tiên tham gia thị trường xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm ngao sạch xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ với sản lượng 2.000 tấn/năm và muối biển nhạt là 60 tấn/năm sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây được coi là thành công lớn khẳng định chiến lược phát triển xuất khẩu đúng hướng của tỉnh; sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp xuất khẩu trong điều kiện tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong toàn quốc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu tỉnh ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp FDI chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là dệt may, da giày đa số mới chỉ làm gia công sản phẩm nên giá trị gia tăng còn thấp. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á, một số mặt hàng có duy nhất một thị trường. Bên cạnh đó, việc sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản để xuất khẩu còn manh mún, tự phát dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung và chất lượng nông, thủy sản không đều, khó quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về truy xuất nguồn gốc. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh như sữa, thịt lợn, rau quả... dù có lợi thế lớn về thuế được giảm về mức 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được thị trường xuất khẩu. Bên cạnh những khó khăn do nguyên nhân chủ quan thì hoạt động xuất khẩu của tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi những lý do khách quan từ tình hình thế giới: Chủ nghĩa bảo hộ đã xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn, đặc biệt là ở các nước: Mỹ, Ấn Độ, Ca-na-đa; các tiêu chuẩn về bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng, môi trường ở các nước được đề cao nên các quy định về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe... Đây là những thách thức đòi hỏi cả cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp phải vượt qua mới có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Trên cơ sở nhận diện rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như thuận lợi, khó khăn và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các ngành cần bám sát nắm chắc tình hình xuất khẩu trên địa bàn, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ theo thẩm quyền, đồng thời có định hướng hợp lý phát triển hàng hóa xuất khẩu trong năm tới theo hướng giữ vững đà tăng trưởng ổn định. Cụ thể là tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp cơ bản, gồm: vận dụng tối đa cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với từng ngành hàng, từng nhóm sản phẩm; tăng quy mô, năng lực, giá trị sản xuất của từng ngành hàng, từng doanh nghiệp và ngay trên từng sản phẩm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và đáp ứng yêu cầu về mặt bằng để mở rộng sản xuất; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức xuất khẩu, khai thác, phát triển thị trường. Trước mắt, các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các khu, CCN đã quy hoạch, đặc biệt là KCN Dệt may Rạng Đông để nhanh chóng đưa vào khai thác thu hút các nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án phát triển sản xuất, đón đầu các Hiệp định hợp tác thương mại quốc tế thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được ký kết vào giữa năm 2018. Đồng thời tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề có lợi thế như: Dệt may, da giày, chế biến nông, thủy sản… để khai thác nguồn nhân lực lành nghề và sản phẩm nông nghiệp địa phương. Các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh chủ động đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, đề xuất các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường hàng hóa xuất khẩu, tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm; chủ động bảo vệ hàng hóa xuất khẩu, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với thông lệ quốc tế của một số nước. Đối với các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại sản xuất, tăng cường kiểm soát nguồn cung hàng hóa, định hướng sản xuất gắn với thị trường; từng bước mở rộng diện tích, duy trì ổn định và nâng cao chất lượng nông sản, thủy sản có thể xuất khẩu nói chung, các sản phẩm đã xuất khẩu như tôm, ngao, dưa chuột, cà chua, ngô ngọt. Tập trung thực hiện tốt đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình” do Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) hỗ trợ thực hiện để phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu quốc tế và có thêm sản phẩm thịt lợn xuất khẩu trong năm 2018. Nhóm các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may, da giày cần đẩy mạnh phát triển chiều sâu, chuyển dần từ gia công sản phẩm xuất khẩu sang hình thức nhập nguyên liệu và xuất thành phẩm để nâng cao giá trị gia tăng. Tăng cường xây dựng các liên doanh, liên kết chuỗi để tạo những sản phẩm có giá trị thúc đẩy xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương