Phát triển thị trường là vấn đề mang tính “sống còn” đối với doanh nghiệp, trong đó việc doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghệ và sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao là những yếu tố tiên quyết. Do hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh ta có quy mô nhỏ và vừa, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường. Để tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.
Ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các nhà phân phối lớn trong toàn quốc tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2017. |
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường theo hướng thiết thực, hiệu quả. Trong đó ưu tiên hỗ trợ 3 nhiệm vụ trọng tâm là: hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử; tôn vinh các sản phẩm CN-TTCN tiêu biểu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, các phiên chợ hàng Việt chất lượng cao. Trong năm 2017, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh, sau đó lựa chọn, giới thiệu tham gia các chương trình bình chọn cấp khu vực, cấp quốc gia nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ phát triển các sản phẩm có chất lượng, có tiềm năng mở rộng thị trường. Qua đó đã bình chọn được 25 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 14 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và lựa chọn, giới thiệu 8 sản phẩm tham gia bình chọn cấp khu vực. Tiêu biểu như các sản phẩm: tranh đồng quê khắc gỗ của Cty TNHH Minh Tăng (Trực Ninh); ống nhựa HDPE Phú Mỹ Tân của Cty TNHH Mai Thanh và than sinh học của cơ sở sản xuất Quang Hạnh (Nghĩa Hưng); máy ép gạch không nung của cơ sở sản xuất Tuấn Nam (Vụ Bản); bộ sản phẩm vòi sen nhà tắm của Cty TNHH Minh Thành Công (Nam Trực)... Việc tôn vinh những sản phẩm này đã hỗ trợ quảng bá rộng rãi, tạo cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm. Bên cạnh việc tôn vinh các sản phẩm CNNT tiêu biểu, Sở Công thương đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, thủy sản xây dựng website nhằm khai thác tiện ích của thương mại điện tử. Đồng thời phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công thương tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn, giới thiệu doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch điện tử; thu thập, biên tập, cập nhật thông tin tiềm năng xuất khẩu và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu của Nam Định trên Cổng thông tin Xuất khẩu Việt Nam. Với giải pháp hỗ trợ bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn giao dịch điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tham gia đầy đủ các hoạt động xúc tiến thương mại ở trình độ cao mà còn giảm được chi phí, thực hiện các giao dịch, bán hàng không phụ thuộc vào thời gian, không gian, tiếp cận được với các đối tượng khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công thương còn kiên trì vận động, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm. Năm 2017, Sở Công thương đã tổ chức, hỗ trợ cho 35 lượt doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, gỗ mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, dệt may tham gia 12 hội chợ triển lãm thương mại tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Ninh... Trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nghiên cứu, lựa chọn các hội chợ thương mại trọng điểm tại các tỉnh, thành phố có khả năng tiêu thụ sản phẩm của tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp trực tiếp tham gia. Đồng thời tổ chức khu vực trưng bày hàng hóa với đầy đủ các sản phẩm truyền thông như hàng hóa, ca-ta-lô, đĩa VCD giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp; bố trí nhân viên có kỹ năng giao dịch thương mại tốt phụ trách việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm và liên hệ với cơ sở sản xuất khi khách hàng có nhu cầu tìm hiểu sâu về sản phẩm. Cách làm này đã nâng cao tính chuyên nghiệp của việc giới thiệu sản phẩm khi tham gia hội chợ mà doanh nghiệp khó có thể thực hiện được. Qua các hội chợ, một số doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, mở được thêm các đại lý tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương cũng như nắm bắt được định hướng, xu thế tiêu dùng của thị trường. Trong đó Cty TNHH Biển Bạc (TP Nam Định) và Cty TNHH Cơ khí An Thuận Phát (Xuân Trường) đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu khăn bông, máy cơ khí nông nghiệp sang Hàn Quốc, Ca-na-đa, Lào, Mi-an-ma…
Với những giải pháp hỗ trợ đồng bộ mà Sở Công thương thực hiện thời gian qua đã góp phần giúp doanh nghiệp củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa; thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, xây dựng nền tảng vững chắc từ chất lượng sản phẩm và các hoạt động quảng bá sản phẩm. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh được kết nối, giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chú trọng triển khai sâu rộng các hoạt động định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong tỉnh, trong nước. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm mạnh, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; chủ động xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến với các nhà cung cấp nguyên liệu và các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương