Năm 2018 được dự báo tiếp tục là năm thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường. Kinh tế thủy sản là một mũi nhọn của ngành Nông nghiệp địa phương. Do đó, trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), ngành NN và PTNT đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch phối hợp với BĐBP tỉnh, các địa phương ven biển tổ chức các phương án phòng chống bão lũ, bảo đảm an toàn cho các hoạt động nuôi và khai thác thủy sản.
Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền trên 90CV tại cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Thời gian qua, Sở NN và PTNT đã tổ chức rà soát, sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ PCTT và TKCN của ngành thủy sản như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Đến nay Dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy) đang được triển khai với tổng mức đầu tư 249,6 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) với tổng mức đầu tư 214,8 tỷ đồng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng công trình nhà điều hành và âu neo đậu số 1, các hạng mục còn lại của dự án đang được tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, để chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến bất thường của thời tiết và tai nạn trên biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, Sở NN và PTNT đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCTT và TKCN chuyên ngành thủy sản, xây dựng kế hoạch PCTT và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Trước mùa mưa bão, Ban chỉ đạo PCTT và TKCN của ngành đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT và TKCN của 3 huyện ven biển và các đơn vị trong ngành để rà soát, nắm chắc số lượng tàu cá, lao động trên tàu, từ đó bổ sung, khắc phục kịp thời các tồn tại. Trong đó chú trọng đôn đốc việc hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo chủ động triển khai các phương án kêu gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống xảy ra; tăng cường công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm và cấp phép tàu cá, nhất là tàu cá khai thác xa bờ; thành lập các tổ, đội hỗ trợ trên biển… Các ngành, chính quyền các địa phương ven biển thống nhất thực hiện quy chế phối hợp thông tin báo bão, gọi tàu cá, ngư dân về nơi tránh, trú bão, nhất là các tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm, kiên quyết không cho tàu cá đi biển khi đang có tin bão và áp thấp nhiệt đới; xây dựng phương án phối hợp TKCN, huy động tối đa lực lượng, phương tiện của các ngành, các địa phương ứng phó kịp thời với tình huống TKCN khẩn cấp và các sự cố, tai nạn trên biển. Đối với tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng, Sở NN và PTNT yêu cầu bắt buộc mỗi tàu phải có 2 phao tròn, số lượng áo phao theo số lao động trên tàu, phải có đèn pin, radio và thiết bị thông tin liên lạc. Tàu đánh bắt vùng khơi bắt buộc trang bị mỗi tàu 4 phao tròn, mỗi người một áo phao và khi hoạt động tuyến khơi xa đều phải trang bị dụng cụ nổi đủ cho số thủy thủ trên tàu, các trang thiết bị khác như radio nghe dự báo thời tiết, la bàn, máy bộ đàm ngắn và máy bộ đàm tầm xa. Trước khi tàu rời bến, các thuyền trưởng phải kiểm tra trạng thái an toàn của tàu; thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc thuyền viên thực hiện các quy định về an toàn khi làm việc trên tàu. Trong trường hợp có bão, lũ, áp thấp nhiệt đới, thuyền trưởng hoặc người lái tàu phải có trách nhiệm đôn đốc thuyền viên trực tàu và sẵn sàng điều động tàu ứng phó với bão, lũ, áp thấp nhiệt đới và hỗ trợ các tàu cá khác khi có tai nạn xảy ra. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện kiểm tra lại hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có các biện pháp bảo vệ ao đầm nuôi thủy sản khi mưa lớn, lựa chọn các đối tượng nuôi phù hợp. Đối với các vùng nuôi thủy sản mặn lợ tập trung đầu tư những dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét các ngòi tiêu để tiêu thoát nước. Đối với các vùng nội đồng, tiến hành nâng cấp, sửa chữa hệ thống cống đã hỏng, xây dựng quy hoạch cho từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng nuôi cụ thể. Các địa phương hướng dẫn ngư dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống, đăng, chắn; kiểm tra và yêu cầu người trông coi tuyệt đối không được ở lại khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ; hướng dẫn người nuôi thủy sản tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu tôm, cá đạt kích cỡ thu hoạch, hạn chế thất thoát sản phẩm khi bão, lũ xảy ra. Chủ động các biện pháp phòng bệnh cho thủy sản khi thời tiết thay đổi thất thường. Bà Trần Thị Trang, xã Hải Lý (Hải Hậu) nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết: “Là người nuôi thủy sản nhiều năm nên chúng tôi biết rõ bão, mưa kéo dài gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Vì vậy tôi cũng như nhiều người nuôi thủy sản luôn bám sát theo dõi thông tin tình hình thời tiết, thường xuyên theo dõi ao, đầm để khi lượng nước trong ao lớn sẽ kịp thời tháo nước ở tầng mặt ao và hút bớt nước đáy đảm bảo môi trường nước ổn định không gây sốc cho con nuôi. Đồng thời, vào mùa mưa bão tôi luôn chủ động gia cố ao, đầm nuôi, hạn chế nguy cơ thất thoát các đối tượng nuôi, gây thiệt hại kinh tế”.
Nuôi trồng và khai thác thủy sản đang mang lại giá trị cao cho kinh tế địa phương, cho người dân. Song đây cũng là một trong những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp từ thiên tai. Do vậy, việc chủ động các biện pháp PCTT luôn cần thiết để đảm bảo việc sản xuất an toàn, hiệu quả./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa