Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp ở Nghĩa Hưng

08:05, 16/05/2018

Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng có trên 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 7.000 lao động. Nhằm tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các đơn vị, doanh nghiệp, những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, đồng thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ, trang bị bảo hộ lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.

Cơ sở sản xuất gạch không nung Hoàng Vụ, xã Nghĩa Trung thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Cơ sở sản xuất gạch không nung Hoàng Vụ, xã Nghĩa Trung thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Hằng năm, UBND huyện đều kiện toàn Ban chỉ đạo về ATVSLĐ; chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch công tác ATVSLĐ và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt ATVSLĐ được đặc biệt chú trọng. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức đợt cao điểm trong Tháng hành động về ATVSLĐ; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở; cấp phát sách, báo, tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật về công tác ATVSLĐ; về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ, PCCN đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN. Các doanh nghiệp trên địa bàn đều thành lập Hội đồng bảo hộ lao động hoặc bộ phận ATVSLĐ; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo nội quy, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra người lao động thực hiện ATVSLĐ; đặc biệt là quy trình vận hành, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Hầu hết các doanh nghiệp đều cung cấp đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ lao động cho người lao động; kiểm tra định kỳ máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đầu tư, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn thiết bị, nhà xưởng, PCCN, xử lý khói bụi, khí thải, nước thải, tiếng ồn… Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo đời sống, sức khỏe người lao động. Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 6 Cty, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với tổng số trên 1.000 người; 20 doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động, có biện pháp xử lý chất thải cải thiện môi trường làm việc. Để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, hằng năm, Phòng LĐ-TB và XH huyện tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động nặng nhọc, có yếu tố độc hại, người vận hành, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các đơn vị và hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục những tồn tại trong công tác ATVSLĐ. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp khi lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh đều gắn với các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Xây dựng và trang bị các nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn, nhất là đối với các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tư nhân chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, công tác ATLĐ còn xem nhẹ; nhiều người sử dụng lao động và người lao động còn chạy theo năng suất, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo hộ lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động…

Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 (từ ngày 1 đến 31-5-2018), huyện Nghĩa Hưng đã kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng, triển khai kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên. Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 tập trung vào chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, với mục tiêu nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về pháp luật, chính sách ATVSLĐ; về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế tai nạn lao động, góp phần bảo đảm an toàn và phát triển bền vững. Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phù hợp với tình hình thực tế; tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, hướng về người lao động, không phô trương hình thức. Đài Phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền về ATVSLĐ, với các nội dung: Luật An toàn lao động, công tác ATVSLĐ, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ; các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, các biện pháp hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong công tác ATVSLĐ và hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Các ngành chức năng, các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại đối với người lao động như: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là người lao động cần chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động và tài sản của doanh nghiệp, tạo sự gắn kết người lao động với doanh nghiệp, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Minh Tân



Tin đăng nhân viên marketing tại Vieclam24hChuyên giấy vệ sinh cuộn lớn giá rẻ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com