Xác định rõ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Vụ Bản đã tích cực mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Qua đó nhiều hội viên nông dân đã năng động trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Mô hình nuôi gà Ai Cập của gia đình ông Triệu Văn Tấn, thôn Triệu, xã Hiển Khánh cho thu nhập cao. |
Để chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, HND các cấp trong huyện đã tích cực phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; Trạm Khuyến nông huyện; Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện; cán bộ khuyến nông các xã, thị trấn và các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV, chăm sóc lúa và các loại cây trồng, vật nuôi. Năm 2017, toàn huyện đã phối hợp tổ chức được 41 lớp về hướng dẫn sử dụng phân bón NPK Lâm Thao và cách sử dụng chế phẩm sinh học E.T cho lúa và hoa màu; 74 lớp về kỹ thuật chăm bón lúa và phòng trừ sâu bệnh; 2 lớp hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học Biowish cho gia súc, gia cầm; 14 cuộc hội thảo đầu bờ; 13 lớp tập huấn về công tác khuyến nông, khuyến ngư với 11.480 lượt người tham gia. Qua các lớp tập huấn các hội viên nông dân đã nắm bắt và áp dụng KHKT để xây dựng, phát triển mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng lạc, mô hình liên kết tiêu thụ thỏ, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình cấy lúa thải khí các bon thấp, mô hình nuôi gia súc, gia cầm sử dụng chế phẩm sinh học Biowish… Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện đã phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh, Trạm BVTV và Trạm Khuyến nông huyện, các Cty, doanh nghiệp… xây dựng một số mô hình nhằm vận động nông dân tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng và gắn với thị trường để tăng thu nhập. HND các xã, thị trấn vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn với cơ giới hoá trong nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế. Điển hình, vụ xuân năm 2017 xã Trung Thành liên kết với Cty TNHH Toản Xuân canh tác lúa sạch với diện tích 5ha; vụ mùa 8ha; phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh trình diễn 2ha lúa vụ xuân. Chị Nguyễn Thị Luyến, hội viên nông dân xã Liên Bảo ký hợp đồng với Cty Toản Xuân bao tiêu sản phẩm với diện tích lúa là 11ha. HND xã Hợp Hưng phối hợp với Trạm BVTV và Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình giống lúa mới HDT10. Mô hình gieo lạc bằng máy tại các xã Kim Thái, Liên Minh, Tam Thanh và Thị trấn Gôi trên diện tích 200ha. Các mô hình “Sử dụng chế phẩm Biowish trên đàn gia cầm”, “Xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học thành phân bón cho cây trồng, làm giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn”… ở các xã, thị trấn đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi thỏ của gia đình anh Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động; mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi gà, vịt, lợn, bò kết hợp nuôi cá truyền thống của anh Vũ Quang Thủy, xã Minh Tân; các anh: Trần Quang Hùng, Lương Văn Quế, Lương Thế Thi với mô hình nuôi cá cảnh, cá Koi ở xã Hiển Khánh mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm... Để giúp hội viên nông dân có thêm nguồn vốn và vật tư phục vụ sản xuất, HND các cấp trong huyện đã thực hiện tốt hoạt động ủy thác và tín chấp vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện. Đến nay, dư nợ toàn huyện có 69 tỷ 138 triệu đồng với 116 tổ vay vốn. HND các cấp trong huyện còn phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT thành lập được 220 tổ vay vốn hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ với số tiền là 198 tỷ đồng cho 3.254 hộ vay. Công tác quản lý, cho vay đều được thực hiện đúng quy định, các hộ được hỗ trợ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả.
Việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nông dân, nông thôn. Trong thời gian tới, HND huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác chuyển giao KHKT cho nông dân, tổ chức các lớp dạy nghề, cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân; giới thiệu các giống cây, con mới đưa vào sản xuất, giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục vận động hội viên tham gia thực hiện các chương trình, mô hình, dự án phát triển nông nghiệp của huyện, phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp, kinh tế trang trại, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn