Là thị trấn trẻ, có nghề vận tải thủy và sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy phát triển từ lâu, Đảng ủy, chính quyền Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) đã định hướng tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và thương mại, dịch vụ, duy trì và khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghề truyền thống của địa phương phát triển. Từ năm 2015 đến nay, việc thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, trong đó giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2017 của thị trấn đã đạt gần 290 tỷ đồng; chiếm 46,1% trong cơ cấu kinh tế. Nhờ đó, năm 2017, bình quân thu nhập đầu người của thị trấn đã được nâng lên trên 39 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,18%.
Sản xuất gạch không nung tại Doanh nghiệp Tư nhân Trí Tuệ, Thị trấn Cát Thành. |
Phát huy thế mạnh địa phương có hệ thống giao thông thuỷ, bộ thuận tiện cho việc luân chuyển hàng hóa; nhân dân cần cù, chịu khó và lực lượng lao động trong độ tuổi đông; trên địa bàn có 3 nghề truyền thống là: khâu nón, vận tải thủy pha sông biển và chế biến lương thực - thực phẩm (làm bánh). Đảng bộ thị trấn đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để khuyến khích duy trì các nghề truyền thống, đồng thời tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN thành mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Để thực hiện được mục tiêu đó, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, thị trấn đã hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế và khuyến khích phát triển kinh tế hộ theo hướng đa ngành nghề; diện tích đất công được quy hoạch gọn vùng để tạo mặt bằng diện tích lớn hấp dẫn nhà đầu tư phát triển ngành nghề. Thị trấn phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Nam Định đóng trên địa bàn tổ chức các lớp dạy các nghề: may công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… cho hàng trăm lượt lao động tham gia. Ngoài ra, UBND thị trấn còn chủ động tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục pháp lý để thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Từ sự năng động, tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền thị trấn kinh tế thị trấn từng bước chuyển biến tích cực sản xuất CN-TTCN phát triển, ngành nghề nông thôn đa dạng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, ngoài CCN Cát Thành có tổng diện tích 26ha tập trung các doanh nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, trên địa bàn còn phát triển đa dạng các ngành nghề may công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, khâu nón, chế biến lương thực - thực phẩm (làm bánh rang). Khâu nón là một trong các nghề truyền thống, đã gắn bó với nhân dân các tổ dân phố Bắc Hòa, Trung Hòa, Hòa Lạc, Việt Hưng, Nam Tiến, Tây Sơn (thuộc địa phận làng Hương Cát xưa). Hiện tại, nghề khâu nón vẫn được duy trì và phát triển, thu hút khoảng trên 100 hộ làm nghề với 2 loại sản phẩm chính là nón suông và nón thêu. Nón suông có giá bán khoảng 40-80 nghìn đồng/chiếc, nón thêu đắt hơn, có giá từ 150 nghìn đồng, thậm chí đến trên 200 nghìn đồng/chiếc. Ngày công của người làm nón suông chỉ khoảng từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày; còn làm nón thêu thì có mức thu nhập cao hơn, khoảng 80 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Nón lá Hương Cát bền, đẹp, hoa văn trang trí tinh xảo, cầu kỳ nên thường được các đại lý tìm về tận nơi thu mua mang đi các nơi tiêu thụ. Nghề làm nón phát triển, tại Thị trấn Cát Thành hiện đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên nhận cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ làm nghề như hộ các ông, bà: Đinh Văn Hào, tổ dân phố Nam Tiến; Nguyễn Văn Hảo, tổ dân phố Việt Hưng; Lưu Thị Hoa, tổ dân phố Hòa Lạc… Nghề vận tải thủy truyền thống của thị trấn cũng phát triển mạnh với khoảng 400 phương tiện các loại; trong đó đội tàu vận tải biển (tải trọng từ 2.000-5.500 tấn) khoảng 70 chiếc, còn lại là tàu sông (tải trọng tối đa đến 1.500 tấn). Có khoảng 200 phương tiện vận tải thủy chở công-ten-nơ chuyên tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh. Toàn thị trấn hiện có 60 doanh nghiệp thì có 47 doanh nghiệp vận tải thủy, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Mỗi tàu vận tải biển cần tối thiểu 12 lao động thường xuyên; mỗi tàu sông cần tối thiểu 4-5 lao động thường xuyên. Ước tính, nghề vận tải biển của làng Phú An tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động, trong đó có đến 60% là người địa phương với mức thu nhập từ 5-30 triệu đồng/người/tháng. Cùng với nghề vận tải biển phát triển, 4 hộ các ông Ninh Văn Tiên, xóm Liên Phú; Phạm Văn Thạch, Trần Văn Hiệp, Trần Văn Dĩnh đều ở xóm Phú Thọ đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thành lập doanh nghiệp đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại CCN Cát Thành với tổng diện tích 8ha. Nghề may công nghiệp ở địa phương cũng đang hình thành và phát triển với 2 dự án nhà máy may công nghiệp xuất khẩu của các Cty: TNHH Sungwon Vina (Hàn Quốc) và TNHH Kiara Garments Việt Nam (Hồng Kông, Trung Quốc) tạo việc làm cho trên 900 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng được mở rộng; nghề mộc và nghề thợ xây đang thu hút hàng trăm lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 150 nghìn đồng/người/ngày trở lên.
Tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn đang là hướng đi đúng, hiệu quả để phát triển kinh tế nông thôn ở Thị trấn Cát Thành. Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Thị trấn Cát Thành tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành - đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương để củng cố các tiêu chí xây dựng NTM bền vững. Phấn đấu trong năm 2018 nâng tổng doanh thu từ sản xuất CN-TTCN lên 302 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn để góp phần nâng mức bình quân thu nhập đầu người lên 42 triệu đồng/năm./.
Bài và ảnh: Thành Trung