Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, giải quyết cơ bản vướng mắc, khó khăn và đưa hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp: Việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản chưa nghiêm túc. Tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết và tiêu thụ cát, đất trái phép vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là trên một số tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy. Việc mua bán trái phép khoáng sản đất, cát không rõ nguồn gốc, không có hoá đơn, chứng từ còn diễn ra ở các doanh nghiệp có hoạt động khai thác, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất gạch ngói. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập kể trên, trong đó có sự buông lỏng, thiếu chặt chẽ trong phối hợp quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản của các ngành, các địa phương; đặc biệt chưa làm tốt công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, công tác hậu kiểm sau khi cấp phép khai thác khoáng sản… Nhằm đảm bảo các hoạt động khoáng sản được thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, BVMT nhưng không xâm hại, không ảnh hưởng tới an toàn đê điều, hành lang thoát lũ và công trình thuỷ lợi của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo phối hợp quản lý Nhà nước về khoáng sản cho từng ngành, từng địa phương.
Khai thác cát trên sông Đào thuộc địa phận Thành phố Nam Định. |
UBND tỉnh giao cho Sở TN và MT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản pháp luật về lĩnh vực khoáng sản của Chính phủ, của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phù hợp với quy định hiện hành. Phối hợp với các đơn vị liên quan lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản các khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác sau khi được UBND tỉnh ban hành; tham mưu ban hành cơ chế phối hợp trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát, khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức các đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và yêu cầu về chuyên môn trong hoạt động khoáng sản. Sở TN và MT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Sở NN và PTNT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu lực, hiệu quả quản lý đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, ngăn chặn các hành vi, các hoạt động khoáng sản có nguy cơ xâm hại hoặc ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thuỷ lợi. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố xác định khu vực, diện tích, chiều sâu hạ cốt đất canh tác nông nghiệp hằng năm trên địa bàn các huyện, thành phố nhằm đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc hạ cốt ruộng để mua bán trái phép tài nguyên đất nông nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc trồng rừng thay thế đối với các diện tích đã chuyển mục đích để khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường bộ, đường thuỷ nội địa, Sở GTVT tập trung tham mưu, phối hợp tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, ngăn chặn các hành vi vận chuyển đất, cát trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp trên các tuyến sông hoặc tổ chức khai thác vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ, đường bộ, nhất là các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, làm rơi vãi đá, đất, cát, sỏi làm ảnh hưởng các công trình giao thông, công trình đê điều… Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành xác định nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu san lấp và nhu cầu phát triển vật liệu xây dựng làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản phù hợp với thực tế. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Để làm tốt công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, công tác hậu kiểm sau khi cấp phép khai thác khoáng sản, Sở TN và MT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan giám sát, đôn đốc các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, chú trọng việc thực hiện các quy định: không gây ô nhiễm môi trường, tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ (kể cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng), hoạt động vận chuyển, mua bán khoáng sản phải có nguồn gốc, hoá đơn và chứng từ hợp pháp, việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp... Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo thẩm quyền, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là các hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới biển; tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn có hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch khoáng sản, khu vực cấm hoặc tạm thời cấm khai thác có hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổ chức điều tra, xác minh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về khoáng sản cho cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, cơ sở (gọi chung là tổ chức), cá nhân có hoạt động liên quan đến khai thác, vận chuyển, sử dụng tài nguyên khoáng sản và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần chủ động thực hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời phát huy vai trò của người dân và cộng đồng cùng tham gia quản lý, bảo vệ các loại tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy