Giao Thủy nỗ lực vượt khó hoàn thành xây dựng nông thôn mới

08:04, 18/04/2018

Triển khai xây dựng NTM với điểm xuất phát thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, song nhờ sự quyết tâm, đồng thuận, đoàn kết của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện Giao Thủy có bước phát triển mạnh, góp phần giúp huyện sớm cán đích NTM.

Về xã Giao Thiện hôm nay, đi trên những con đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa, sạch đẹp, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” trong “cuộc cách mạng” xây dựng NTM ở nơi đây. Vốn là một trong những xã vùng “trũng”, xa trung tâm huyện, với dân số khá đông, đất đai giáp biển, chua mặn, không màu mỡ như các xã trong nội địa nên sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân Giao Thiện gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, hình thành các liên kết sản xuất, xây dựng “cánh đồng lớn” trong trồng lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng của xã ven biển, trong đó tập trung vào “mũi nhọn” là khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Do vậy đời sống người dân nơi đây ngày càng trở lên khá giả. Nếu như năm 2015, mức thu nhập bình quân đầu người của Giao Thiện là 20 triệu đồng/người/năm, thì năm 2017 tăng lên gấp đôi. Từ mức thu nhập tăng lên, nhiều ngôi nhà cao tầng trong khu dân cư mọc lên san sát. Các công trình phúc lợi của xã: trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, nhà văn hóa phục vụ cho các hoạt động cộng đồng… được đầu tư xây sửa khang trang, đẹp đẽ, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM ở “vùng chân sóng”.

Thu hoạch tôm tại xã Giao An.
Thu hoạch tôm tại xã Giao An.

Giao Thủy là huyện ven biển, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, gây tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội. Những năm trước đây, nền kinh tế Giao Thủy chưa có bước đột phá; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất còn chậm, tỷ trọng ngành Nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa mang tính tập trung theo chuỗi liên kết giá trị hàng hóa để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh. Đặc biệt việc thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân vào địa bàn còn nhiều khó khăn; vấn đề về việc làm, đời sống nông dân, kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn hạn chế… Do vậy, huyện xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi, tạo động lực xây dựng NTM. Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, CN-TTCN, thương mại, dịch vụ... Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, xã đã cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng. Đến nay, Giao Thủy đã xây dựng được 24 cánh đồng lớn với tổng diện tích 2 vụ là gần 2.000ha; trong đó có 3 cánh đồng lớn ở các xã Giao Tiến, Giao Thịnh và Giao Xuân áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được Cty Lương thực Miền Bắc bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện có 35 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt theo chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao. Nuôi trồng thuỷ sản là thế mạnh và là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Giao Thủy, với diện tích hơn 5.000ha, tập trung ở các xã: Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Phong... Các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển, ốc hương, các loại cá nước lợ… không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình liên kết chuỗi giá trị nuôi ngao thương phẩm của Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy với 109 hộ tham gia trên quy mô diện tích 968ha. Hằng năm, Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy ký hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung tiêu thụ 5.000 tấn ngao cho các thành viên, đem lại giá trị kinh tế cao hơn khoảng 50 triệu đồng/ha/năm so với mô hình nuôi đại trà. Doanh nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu ngao Giao Thủy, sản phẩm được phân phối vào các siêu thị và cửa hàng tiện ích tại các thành phố lớn trong cả nước… Các ngành nghề, lĩnh vực khác, như may mặc, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, mộc mỹ nghệ… phát triển mạnh mang đến sự đa dạng trong cơ cấu kinh tế địa phương, góp phần tăng giá trị sản xuất CN-TTCN. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực kể trên, giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Cty CP Pro Sport Giao Thủy, Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, Nhà máy gạch Tiến Tới… cùng hàng trăm cơ sở, đơn vị kinh tế tư nhân khác đã và đang hoạt động hiệu quả. Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện mới đạt 19,25 triệu đồng, thì đến năm 2017 đã đạt 38,52 triệu đồng/năm.

Đạt được kết quả phát triển kinh tế toàn diện, Giao Thủy tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, huyện xác định phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là yếu tố quyết định để mở rộng giao thương kinh tế, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn hiện đại. Nhiều công trình trọng điểm quy mô lớn như Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489 và các tuyến huyện lộ được cải tạo, nâng cấp, làm mới đã góp phần tạo sự kết nối, thông thương từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn cũng như với các huyện lân cận. Các công trình hạ tầng khác như: điện, trường, trạm… được chuẩn hóa theo tiêu chí NTM, góp phần tạo nên sự tươi mới cho bức tranh nông thôn vùng quê biển hôm nay. Kết quả đó là nhờ sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân và cả sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Theo báo cáo của UBND huyện Giao Thủy, tổng kinh phí huy động từ các nguồn lực để xây dựng NTM trong 7 năm xây dựng NTM của huyện là 2.159,175 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 48,824 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 169,734 tỷ đồng; ngân sách huyện 2,9 tỷ đồng; ngân sách xã 348,087 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp 35,537 tỷ đồng; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 407,231 tỷ đồng… Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; 100% đường trục thôn, xóm được bê tông hóa đạt chuẩn; 100% đường ngõ, xóm được bê tông hóa đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 64,5% đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn. Xây mới, nâng cấp, sửa chữa 367 phòng học; 192 phòng chức năng của các trường mầm non, tiểu học, THCS. Nâng cấp, sửa chữa được 201 công trình văn hóa, thể thao, trong đó xây mới và nâng cấp 171 nhà văn hóa xóm với kinh phí khoảng 450-800 triệu đồng/1 nhà văn hóa xóm; 11 khu thể thao xã và 19 nhà văn hóa xã. 100% số xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí nhà ở dân cư, không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát; nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 97,2%... Trong 7 năm xây dựng NTM, tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp đã làm thay đổi cơ bản cảnh quan môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đồng thời tạo cơ sở để Giao Thủy phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Xuất phát điểm với rất nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, sau 7 năm, huyện Giao Thủy đã cán đích NTM. Đến nay, 20/20 xã của Giao Thủy đều đạt chuẩn xã NTM theo tiêu chí mới tại Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 16-4-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 405/QĐ-TTg 2018 công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM năm 2017. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là động lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Giao Thủy tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất duy trì, nâng cao thành quả của Chương trình xây dựng NTM, xây dựng thành công huyện NTM kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com