Đường đến thành công trong xây dựng nông thôn mới

08:04, 20/04/2018

Đến nay, tỉnh ta đã có 200/209 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Hà Nội, Nam Định là địa phương có nhiều huyện đạt chuẩn huyện NTM nhất cả nước, với 5 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy. Với những kết quả đạt được, tháng 12-2015 Nam Định được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và được Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Đây là thành quả sau 7 năm nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt nhân dân vùng nông thôn.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng mẫu lớn xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng
Thu hoạch lúa tại cánh đồng mẫu lớn xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng.
Mô hình trồng rau công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh
Mô hình trồng rau công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh.

Thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng NTM, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và liên tục, do đó, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành 33 nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khen thưởng các xã, huyện xây dựng NTM. UBND tỉnh đã thành lập BCĐ xây dựng NTM, Văn phòng điều phối NTM tỉnh, ban hành 39 kế hoạch cùng các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện quyết liệt chương trình xây dựng NTM; phát động sâu rộng tới các cấp, các ngành, các đoàn thể, cùng sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”.

Bê tông hóa đường giao thông liên xóm tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường

Bê tông hóa đường giao thông liên xóm tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường.

Nông thôn mới xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy
Nông thôn mới xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy.

100% các huyện, các xã, thị trấn thành lập BCĐ xây dựng NTM, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và phân công cụ thể trong cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ, chất lượng xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia tích cực xây dựng NTM, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; thực hiện và phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên tích cực chung tay xây dựng NTM với nhiều phong trào, cuộc vận động thiết thực, hiệu quả như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với cuộc vận động “Xây dựng khu dân cư 5 không”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”; “Hội Cựu chiến binh chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...

“… Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể. Với quyết tâm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo các giải pháp xây dựng NTM, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực, huy động cao các nguồn lực và đóng góp của nhân dân cả về trí tuệ, công sức và tài chính. Huy động được sự vào cuộc tích cực của những người có uy tín trong cộng đồng, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và các chức sắc tôn giáo trong vận động xây dựng NTM…”

Sái Hồng Thanh
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng

Cơ sở sản xuất cói xuất khẩu của doanh nghiệp Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).
Cơ sở sản xuất cói xuất khẩu của doanh nghiệp Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt được xác định: chủ thể xây dựng NTM là người dân, lấy dân làm gốc; lấy thôn xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào, không trông chờ từ nguồn vốn của Nhà nước mà phát huy nội lực, nguồn lực trong dân; thực hiện dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân hưởng thụ trong xây dựng NTM. Nghĩa Hưng là huyện đi đầu trong vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư để xây dựng các công trình phúc lợi... Triển khai Chương trình xây dựng NTM, nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến, góp 266ha đất để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, xây dựng kênh mương, các công trình phúc lợi. Việc vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, công trình phúc lợi ở Nghĩa Hưng đã được nhân rộng và trở thành phong trào trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2017, các hộ nông dân trong tỉnh đã góp gần 3.000ha đất nông nghiệp và 206ha đất thổ cư làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi... Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của tỉnh đạt gần 16.500 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách 27,7%, vốn tín dụng 29,5%, vốn doanh nghiệp 15%, vốn cộng đồng dân cư 17,6%... Các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện tốt hơn điều kiện sống và làm việc của người dân, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Sau 7 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo 7.035km đường giao thông, 6.210 cầu cống dân sinh; xây mới, cải tạo 18.527 công trình thủy lợi và nạo vét 13,5 triệu m3 kênh mương; xây mới, nâng cấp 818 trạm biến áp, 5.110km đường dây hạ thế; đầu tư nâng cấp đồng bộ 6.899 phòng học, 151 trạm y tế xã, 116 nhà văn hóa xã và gần 1.000 nhà văn hóa thôn, xóm; đầu tư, xây mới 112 lò đốt, 106 bãi chôn lấp rác… Giao Thủy là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Huyện tập trung huy động, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các tuyến đường huyện, xã, thôn xóm và đường trục chính nội đồng. Đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa 638,8km (đạt 100%) đường trục xóm, đường ngõ xóm; 282km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa toàn bộ và 508,4km đường trục chính nội đồng bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định. Hầu hết các tuyến đường trục xã, trục thôn xóm và đường ngõ xóm có lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Mô hình phát triển hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được nhân rộng và trở thành phong trào thi đua giữa các xã, các thôn xóm trên địa bàn huyện.

Huyện Trực Ninh đã xây dựng quy hoạch 20 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích 395ha, nhằm thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất. Phát triển CN-TTCN, dịch vụ được Trực Ninh xác định là khâu đột phá, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 CCN; trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Cty TNHH Giầy Amara Việt Nam, Cty May Shin Myung First Vina, Cty TNHH Sung Won Vina, Cty TNHH Kiara Garments Việt Nam... Huyện có 9 làng nghề với trên 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh, thu hút trên 6.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Trực Ninh năm 2017 đạt 40,73 triệu đồng/người, tăng 28,53 triệu đồng/người so với năm 2010…

Theo Báo cáo của UBND huyện Trực Ninh

Cty TNHH Giầy Amara Việt Nam đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Trực Ninh, thu hút nhiều lao động, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Cty TNHH Giầy Amara Việt Nam đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Trực Ninh, thu hút nhiều lao động, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển, sản xuất nông nghiệp, thủy sản từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn, với trình độ thâm canh mang lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2010. Tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Huyện Xuân Trường khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị. Điển hình là dự án nông nghiệp công nghệ cao của Cty VinEco (Tập đoàn Vingroup) với quy mô 140ha tại vùng bãi Hành Thiện, xã Xuân Hồng; mô hình tích tụ ruộng đất của Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc tại xã Xuân Vinh, Xuân Bắc; mô hình liên kết giữa 13 nhóm hộ nông dân xã Xuân Ninh, Xuân Thượng với Cty TNHH Cường Tân sản xuất hạt giống lúa lai F1, quy mô 70ha… Tại huyện Nghĩa Hưng phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây dược liệu của Cty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5ha; chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn hàng chục lần so với trồng lúa, như mô hình: nuôi cá bống bớp, nuôi cá mú, trồng cây đinh lăng, cây cà chua... Trong những năm qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề khu vực nông thôn theo hướng tích cực. Số người hoạt động trong các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 65% tổng số lao động. Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn tỉnh tạo được hướng đi riêng trong sản xuất, thu hút được nguồn vốn trong dân cư, tạo việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho người dân. 5 năm gần đây, huyện Trực Ninh đã tạo điều kiện, thu hút được hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất như: Cty May 9 thuộc Tổng Cty May Nhà Bè, Cty TNHH Giầy Amara Việt Nam (Đài Loan), Cty sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic (Hàn Quốc)… với tổng số vốn đầu tư đạt trên 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 60 triệu USD, tạo việc làm mới cho trên 10 nghìn lao động. Hiện nay, toàn huyện có hơn 35 nghìn lao động hoạt động trong các làng nghề, doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội…

“… Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở là rất quan trọng trong xây dựng NTM. Do đó, huyện không ngừng nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người dân trong huyện về tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình. Đây là một trong các nội dung, tiêu chí hàng đầu để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị và địa phương, cơ sở. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao vai trò chủ thể của người dân, xây dựng và hưởng thụ thành quả NTM với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; người dân làm chủ thể, Nhà nước định hướng, hướng dẫn tổ chức và hỗ trợ thực hiện; lấy thôn, xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện NTM”; coi trọng phát động phong trào thi đua tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đặc biệt, cuối năm 2011, huyện đã tổ chức hội nghị gặp mặt người Xuân Trường trên mọi miền Tổ quốc để phát động, hưởng ứng phong trào “Chung tay xây dựng NTM” và đầu tháng 4-2017 trong lễ tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày tái lập, huyện tiếp tục phát động phong trào “Người Xuân Trường chung sức xây dựng NTM”, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực, hiệu quả của nhân dân trong huyện và người Xuân Trường ở xa quê…”

Đặng Ngọc Cường
Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường

Công viên bãi rác tại Thị trấn Xuân Trường.
Công viên bãi rác tại Thị trấn Xuân Trường.

Tỉnh luôn chú trọng phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng, nhiều năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất trường, lớp học các cấp đã cơ bản được hoàn thiện và đạt chuẩn quốc gia; chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học tiếp tục được nâng cao. Hệ thống y tế khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ cán bộ y tế, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2017 của tỉnh đạt 83,75% dân số, trong đó: huyện Xuân Trường đạt 88,3%, Trực Ninh 86,3%... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM” cùng với các phong trào xây dựng “làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”, “khu dân cư tiên tiến”; “đơn vị, cơ quan có nếp sống văn hóa” được phát động, triển khai sâu rộng với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung sức xây dựng NTM. Quan tâm chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”. Hiện nay, hầu hết các xã, thị trấn có công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Tiêu biểu là mô hình công viên bãi rác được Cty TNHH Tân Thiên Phú xây dựng tại Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao trong chuyến Thủ tướng về thăm đầu xuân Mậu Tuất 2018 và được nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Mô hình đã giải quyết bài toán về môi trường, tiết kiệm đất đai, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và là nơi sinh hoạt, tập thể dục, thể thao của nhân dân…

Tổng kinh phí huy động từ các nguồn lực để xây dựng NTM trong 7 năm của huyện Giao Thuỷ là 2.159,175 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 48,824 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 169,734 tỷ đồng; ngân sách huyện 2,9 tỷ đồng; ngân sách xã 348,087 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp 35,537 tỷ đồng; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 407,231 tỷ đồng… Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; 100% đường trục thôn, xóm được bê tông hóa đạt chuẩn; 100% đường ngõ, xóm được bê tông hóa đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 64,5% đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn. Xây mới, nâng cấp, sửa chữa 367 phòng học; 192 phòng chức năng của các trường mầm non, tiểu học, THCS. Nâng cấp, sửa chữa được 201 công trình văn hóa, thể thao, trong đó xây mới và nâng cấp 171 nhà văn hóa xóm với kinh phí khoảng 450-800 triệu đồng/1 nhà văn hóa xóm; 11 khu thể thao xã và 19 nhà văn hóa xã. 100% số xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí nhà ở dân cư, không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát; nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 97,2%...

Theo Báo cáo của UBND huyện Giao Thuỷ

Cty CP Pro Sport Giao Thủy tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động.
Cty CP Pro Sport Giao Thủy tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phát triển nông thôn theo hướng bền vững, trong thời gian tới, các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-4-2016 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 9-6-2016 của UBND tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn theo quy hoạch, đảm bảo môi trường. Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp theo hướng xã hội hóa và phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề mới, đảm bảo môi trường, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng “ly nông, không ly hương“. Tiếp tục duy trì và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục xây dựng môi trường nông thôn theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”; huy động các nguồn lực xã hội hóa cùng với hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Củng cố hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hoạt động theo hướng chuyên nghiệp vì nhân dân phục vụ. Đảm bảo tốt công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, tạo ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com