Theo số liệu của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có gần 150 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong ngành chế biến gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 30 nghìn lao động, chiếm trên 20% tổng số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh với các loại sản phẩm chính là: gỗ xẻ, gỗ mỹ nghệ, dân dụng và nội thất xây dựng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2017, công nghiệp chế biến gỗ là ngành đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 45,3 triệu USD, tăng 12,7 triệu USD và 35,5% so với năm 2016.
Sản xuất sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định. |
Đến nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh đã phát triển rộng khắp ở cả 10/10 huyện, thành phố. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý của tỉnh và các ngành chức năng cùng với nỗ lực khuyến khích của các địa phương tạo điều kiện về mặt bằng mở rộng sản xuất; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động miễn phí… nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ có tiềm lực đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc hiện đại để phát triển sản xuất, kinh doanh như Cty CP Lâm sản Nam Định (Thành phố Nam Định, KCN Bảo Minh); Cty TNHH Đoàn Kết (KCN Hòa Xá); Cty CP Thương mại Hợp Long, Cty TNHH Thương mại Hoàng Tùng Linh đều ở CCN Hải Phương, Hải Hậu; doanh nghiệp tư nhân Phú Khánh (CCN Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng); doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu, CCN Cổ Lễ (Trực Ninh)… Từ năm 2016, Cty TNHH Hoàng Tùng Linh đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất các sản phẩm từ gỗ công nghiệp (tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng) với hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.001:2004. Nhà máy có 4 xưởng sản xuất tạo thêm việc làm cho 30 lao động địa phương. Hệ thống dây chuyền thiết bị của Cty được nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khối G7. Với sự đầu tư đồng bộ, quá trình sản xuất (từ các khâu: thiết kế mẫu, cắt, khoan, dán, hoàn thành…) của Cty hoàn toàn được lập trình chính xác, chi tiết và điều hành bằng máy tính. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, Cty chuyên sản xuất đồng bộ các sản phẩm gỗ (cửa, cầu thang, trần, sàn và nội thất) phục vụ các dự án xây dựng chung cư, biệt thự tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… với công suất từ 5.000-6.000 bộ sản phẩm/năm. Trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng; phục chế nhà cổ; chế biến và kinh doanh gỗ, đến nay doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu. Ngoài các sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế mỹ nghệ, dân dụng phục vụ nhu cầu thị trường trong huyện, trong tỉnh, bình quân mỗi năm doanh nghiệp còn nhận được từ 5-10 hợp đồng phục chế nhà cổ ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu hiện đảm bảo việc làm cho 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ ở Thị trấn Cổ Lễ và các xã lân cận nhận gia công các công đoạn sản phẩm. Hằng năm, doanh thu bình quân của doanh nghiệp luôn đạt 50 tỷ đồng. Bên cạnh các doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh ta có hệ thống làng nghề chế biến gỗ với lịch sử hình thành và phát triển từ vài chục năm, hàng trăm năm, thậm chí có làng nghề đã trên 1.000 năm tuổi ở các huyện: Ý Yên, Hải Hậu, Xuân Trường... Đến nay huyện Hải Hậu đã phát triển được 7 làng nghề mộc mỹ nghệ ở các xã: Hải Trung, Hải Anh, Hải Đường, Hải Vân, Hải Minh... Huyện Ý Yên ngoài làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh có lịch sử hình thành và phát triển trên 1.000 năm còn phát triển mạnh nghề mộc mỹ nghệ ra các xã: Yên Hồng, Yên Dương... Theo thống kê chưa đầy đủ của xã Yên Ninh, làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia ngành nghề chế biến gỗ, khoảng 580 hộ gia đình tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ. Trong đó, có 200 hộ gia đình có cửa hàng tại làng nghề, 380 hộ chế biến, sản xuất và bán sản phẩm tại gia đình; khoảng 1.400 hộ tham gia chế biến, gia công các sản phẩm gỗ, tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động thường xuyên.
Với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, số lượng lao động trực tiếp có thu nhập cao (thợ chính có thu nhập từ 180-250 nghìn đồng/người/ngày; thợ phụ có thu nhập từ 80-120 nghìn đồng/người/ngày), cùng với xu thế của cả nước, nhiều chuyên gia dự báo trong năm 2018 ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh ta vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trưởng, giữ vững vị thế là ngành công nghiệp chủ lực, có một hạn chế của ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh ta cần khắc phục là số lượng doanh nghiệp trực tiếp sản xuất sản phẩm, có thị trường xuất khẩu ổn định còn ít. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh là của 1 doanh nghiệp xuất khẩu và phần lớn sản phẩm xuất khẩu vào các nước khối EU, Mỹ, Nhật Bản. Trong năm 2018, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã cảnh báo những biến động về thị trường xuất khẩu chính (do chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa của Chính phủ Mỹ và kế hoạch của các chính phủ nhằm cân bằng thương mại giữa quốc gia này và các quốc gia khác, bao gồm cả với Trung Quốc) có thể có những tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Với những biến động chính sách nêu trên, không chỉ các sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng mà cả nguồn nguyên liệu cung ứng cho ngành này cũng bị ảnh hưởng bởi ngoài một phần nhỏ là gỗ rừng tái sinh trong nước, ngành chế biến gỗ của tỉnh sử dụng phần lớn nguyên liệu gỗ được nhập từ các nước châu Phi, Căm-pu-chia; Lào; In-đô-nê-xi-a. Đối với sản phẩm chế biến gỗ xuất tiểu ngạch thì do các thương lái nước ngoài về tận các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề trực tiếp đặt mua sản phẩm, chuyển đi nơi khác gia công hoàn thiện lại nên giá trị gia tăng thấp và còn nguy cơ bị gắn thương hiệu của bên đặt hàng. Thứ hai là vấn đề công nghệ sản xuất, ngoài các doanh nghiệp lớn được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại; các cơ sở sản xuất có tiềm lực tài chính đầu tư một số loại máy móc phụ trợ, phần lớn các hộ gia công vẫn chỉ sản xuất bán thủ công. Về sản phẩm, đa số các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong các làng nghề truyền thống mới chỉ dừng ở mức cung ứng sản phẩm dạng thô hoặc nhận gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn hoặc xuất khẩu ký gửi.
Để giảm thiểu những tác động rủi ro, phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, UBND tỉnh giao Sở Công thương tăng cường nắm bắt thông tin thị trường; bám sát những chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tham mưu cho tỉnh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất. Đồng thời tích cực khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng thị trường xuất khẩu; giữ vững vị thế và thương hiệu ở thị trường nội địa gắn với các đầu mối cung cấp, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh để phát triển những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh. Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ ở khu vực nông thôn, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến gỗ phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến kết hợp với công nghệ thiết bị truyền thống, có quy mô phù hợp với khả năng cung ứng nguyên liệu và mặt hàng nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái./.
Bài và ảnh: Thành Trung