Hải Quang phát triển nuôi thủy sản

08:04, 06/04/2018

Xã Hải Quang (Hải Hậu) được thiên nhiên ưu đãi bởi có hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở đây đã có kinh nghiệm và thâm niên khai thác lợi thế mặt nước để phát triển nuôi thủy sản, làm giàu. 

Hộ ông Nguyễn Văn Vi, xóm 2, xã Hải Quang (Hải Hậu) cải tạo ao nuôi cá nước ngọt.  Bài và ảnh: Thanh Hoa
Hộ ông Nguyễn Văn Vi, xóm 2, xã Hải Quang (Hải Hậu) cải tạo ao nuôi cá nước ngọt.

Toàn xã có trên 100ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản với hơn 100 hộ nuôi. Trung bình nghề nuôi thủy sản của xã Hải Quang đạt năng suất 2,7 tấn/ha/năm. Đồng chí Phạm Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho biết: “Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn định hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân khai thác lợi thế tự nhiên, tận dụng tối đa diện tích mặt nước để phát triển nuôi thủy sản, nhất là phát triển quy mô trang trại, gia trại với đa dạng các đối tượng cây trồng, vật nuôi. Xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi thủy sản mở rộng diện tích và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ban Nông nghiệp xã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản giúp người dân thực hành sản xuất đúng”. Trên những ao cá vuông vắn, bờ ao được bao phủ một màu xanh mướt của ngô, đinh lăng của ông Nguyễn Văn Vi, xóm 2, chúng tôi gặp ông đang cho cá ăn. Tiếng cá tranh nhau đớp mồi quẫy nước lao xao. Ông Vi đã có thâm niên nuôi cá nước ngọt hơn chục năm nay với đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống. Trước kia, khu ao này ông Vi dùng để trồng sen kết hợp nuôi cá. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, việc trồng sen không còn đạt hiệu quả cao nên ông đã đầu tư cải tạo ao, tu sửa cống cấp thoát nước… để chuyên nuôi thủy sản nước ngọt với diện tích 1ha. Nhằm giải quyết những khó khăn trong sản xuất, “lấy ngắn nuôi dài” đảm bảo tăng thu nhập, được sự tư vấn hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông Vi còn tận dụng diện tích mặt đất xung quanh ao kết hợp trồng ngô và đinh lăng. Lá ngô sẽ được tận dụng làm thức ăn cho cá, giảm một phần chi phí thức ăn. Không những thế, theo kinh nghiệm ông Vi thì lá ngô tuy không có tác dụng nhiều đối với hiệu quả tăng trưởng của cá nhưng lại có tác dụng giúp cá giảm đáng kể mức độ tổn thương ở da, dấu hiệu lở loét cũng giảm rõ rệt, chống lại một số tác nhân gây bệnh. Đàn cá của ông Vi luôn phát triển khỏe mạnh, trung bình mỗi năm ông thu được 3 tấn cá; tính cả thu nhập từ ngô và cây đinh lăng thì mỗi năm ông có nguồn thu hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài hộ ông Vi thì địa bàn xã còn có nhiều hộ khác nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như hộ các ông Nguyễn Văn Xuân, Bùi Văn Trung, Nguyễn Văn Thắng (xóm 2); Lương Đức Thọ, xóm 17… Cơ sở của ông Lương Đức Thọ chuyên sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm các giống cá nước ngọt truyền thống. Thời vụ sản xuất chính của cá giống từ tháng 2 đến hết tháng 9 nên ngay sau Tết Nguyên đán thời tiết ấm áp, ông đã tranh thủ đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, tuyển chọn cặp bố mẹ để sản xuất giống cho vụ nuôi mới. Chính vì vậy hiện tại ông đã có cá giống để cung cấp cho người nuôi có nhu cầu. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi thủy sản nước ngọt do xã, huyện và ngành chức năng tổ chức. Ông luôn đảm bảo cung ứng con giống có chất lượng tốt nhất cho các hộ nuôi trên địa bàn xã và các địa phương lân cận. Hằng năm, ông xuất bán khoảng 2 tấn cá giống, thu lãi trên 100 triệu đồng. 

Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nên kinh tế địa phương phát triển, có nguồn thu để đầu tư kiến thiết, diện mạo xã Hải Quang ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Thời gian tới, Hải Quang tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích chuyển đổi và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất. Vận động người dân mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, trong đó chú trọng tập trung phát triển nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho người nuôi; chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giúp các hộ nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả./.

 Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com