Gỡ khó trong đảm bảo quỹ đất xây dựng trường học

07:04, 25/04/2018

Với thực tế phát triển kinh tế và sự tăng nhanh dân số cơ học dẫn đến tình trạng sĩ số học sinh/lớp của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vượt quá quy định. Quỹ đất dành cho mở rộng hay xây mới trường học của nhiều địa phương trong tỉnh rất khó khăn trong khi vị trí của nhiều trường đang hoạt động diện tích không lớn, lại nằm sát nhà dân, không thể mở rộng được. Theo tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí xã NTM quy định, xã NTM phải có 80% trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS) có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Tình trạng thiếu quỹ đất dành cho trường học cũng là một trong những nguyên nhân chính và khó tháo gỡ trong xây dựng NTM ở nhiều địa phương. Hiện tỉnh ta vẫn còn khoảng 40% trường học chưa đạt chuẩn để hoàn thiện chương trình xây dựng NTM. 

Trường Tiểu học xã Mỹ Xá (TP Nam Định) do được đảm bảo quỹ đất để mở rộng, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia.
Trường Tiểu học xã Mỹ Xá (TP Nam Định) do được đảm bảo quỹ đất để mở rộng, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia.

Đồng chí Đỗ Anh Xô, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Hiện tại, việc bố trí quỹ đất cho xây dựng hạ tầng giáo dục, nhất là đất cho khối giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chỉ tính riêng ngành giáo dục mầm non quỹ đất cũng đang thiếu hàng chục ha. Về lâu dài, trong điều kiện dân số cơ học tiếp tục gia tăng, cộng với việc tỉnh ta đang tập trung đầu tư, xây dựng, sớm đưa vào khai thác hàng loạt khu dân cư thị trấn tập trung, Khu đô thị Dệt may, các điểm dân cư tập trung cấp xã, phát triển nhiều KCN theo quy hoạch sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu đầu tư xây dựng thêm các trường học. Theo Đề án quy hoạch giáo dục đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Sở GD và ĐT xây dựng đang trình tỉnh, so với số trẻ dự kiến sinh ra, với yêu cầu tất cả trẻ em trong các độ tuổi đều đến trường thì cần tới hàng trăm ha đất dành cho giáo dục mầm non vào năm 2030. Nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn trong bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng giáo dục được Sở GD và ĐT xác định do: bản thân đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của ngành GD và ĐT, nhất là khối mầm non còn hạn chế trong nắm bắt, thông thuộc các quy định, thủ tục về đất đai nên không tự chủ động đề xuất việc cấp đất, chỉ trông chờ vào sự chủ động quan tâm, bố trí quỹ đất của chính quyền địa phương. Do vậy việc các ngành chức năng chưa chủ động quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng trường học là vấn đề không khó hiểu. Thậm chí dù có quy hoạch quỹ đất cho giáo dục song việc đảm bảo thực thi cũng còn khó khăn. Khi Sở GD và ĐT tiến hành kiểm tra tiêu chí trường học theo chương trình xây dựng NTM, nhiều xã đã cung cấp quy hoạch sử dụng đất của địa phương, trong đó cũng đã bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, tuy nhiên rất nhiều xã không thể giải trình được các câu hỏi: bản đồ giải thửa tờ số bao nhiêu, diện tích bố trí trong quy hoạch này đang sử dụng vào mục đích gì, sau này có khả năng chuyển đổi được không?! Thậm chí tại một số địa phương diện tích đã bố trí cho phát triển hạ tầng giáo dục nằm trong quỹ đất hai lúa trong khi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hai lúa hết sức phức tạp và khó khả thi.

Trước thực trạng trên, ngành GD và ĐT đề xuất tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương, đặc biệt là cấp xã cần tính toán chi tiết và thực hiện những giải pháp căn cơ để tháo gỡ vướng mắc về quỹ đất dành cho xây dựng hạ tầng giáo dục. Trong đó, tập trung thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học. Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả...; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước. Đối với các trường đã quá tải mà địa phương quá khó khăn trong bố trí quỹ đất để xây thêm hoặc mở rộng trường, cần xem xét từng trường hợp và cho phép cải tạo nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành theo phương án nâng tầng, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ, giáo viên làm việc tại tầng cao. Về lâu dài, việc dành đất cho giáo dục phải được đảm bảo ngay trong khâu lập quy hoạch, tức là tính thực tiễn và khả thi của quy hoạch. Đồng thời tăng cường quản lý việc thực hiện quy hoạch, bảo đảm không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác. Đặc biệt, cần chủ động siết chặt quy định bắt buộc các khu dân cư, khu đô thị cải tạo, xây mới phải quy hoạch, xây dựng đủ trường học theo nhu cầu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com