Trong quý I-2018 nền kinh tế đất nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Cùng với đó, tình hình lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo tiền đề cho hệ thống ngân hàng nói chung, các ngân hàng của tỉnh ta nói riêng có cơ sở tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhằm kích cầu, đưa vốn vào hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Lãi suất cho vay giảm đã giúp Cty CP Bia NaDa Nam Định có thêm cơ hội đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cho thấy: Hết quý I năm 2018, tổng số dư nguồn vốn huy động trong toàn tỉnh đạt 51.250 tỷ đồng, tăng 3.007 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 48.170 tỷ đồng, tăng 571 tỷ đồng so với đầu năm. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về nỗ lực hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tiết giảm chi phí, tìm cách hạ lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Theo đó, ngay từ đầu năm 2018 các ngân hàng thương mại Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay, cụ thể: Từ ngày 10-1-2018 Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định đã áp dụng lãi suất cho vay bằng VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: Cho vay ngắn hạn tối đa 6%/năm; cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Lãi suất cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và tôm: Vay ngắn hạn là 6%/năm; trung, dài hạn 7,5%/năm. Từ ngày 15-1-2018 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ tối đa 6%/năm đối với các lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phát triển kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu. Từ ngày 11-1-2018, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp nhất 6%/năm đối với các lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp khởi nghiệp có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nâng cấp thành lập doanh nghiệp hoạt động theo luật. Từ ngày 15-1-2018 đến hết 31-12-2018, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Nam Định đã áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Như vậy, với mức cho vay từ 6 đến 7,5%/năm, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh hạ lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1%/năm. Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đã được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, nhất là doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp… đón nhận một cách tích cực. Đồng chí Nguyễn Công Quang, Phó Giám đốc Cty CP Bia NaDa (TP Nam Định) cho biết: Việc các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện hạ lãi suất cho vay đã giảm đáng kể áp lực trả tiền lãi của các doanh nghiệp. Là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đồ uống nên Cty chúng tôi rất cần vốn lớn để đầu tư mua sắm, nâng cấp hệ thống trang thiết bị công nghệ mới, hiện đại, đồng bộ và mở rộng quy mô sản xuất để tiếp tục mở rộng thị phần và chiếm lĩnh thị trường. Hy vọng đợt giảm lãi suất này sẽ giúp Cty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các gói tín dụng phù hợp để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của tỉnh…
Theo đại diện của một số ngân hàng trên địa bàn thì việc hạ lãi suất cho vay trong thời điểm này là phù hợp bởi nguồn cung tiền đang khá dồi dào, lạm phát thấp, trong khi các ngân hàng cần tích cực và chủ động hơn trong việc hỗ trợ cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh… Mặc dù việc hạ lãi suất cho vay ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần của các ngân hàng, song đây là việc làm cần thiết để ngân hàng “đồng hành” với doanh nghiệp và cùng hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc giảm lãi suất được hy vọng sẽ đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới. Vẫn theo đại diện các ngân hàng, ngoài việc các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ “mặc nhiên” được giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm thì các doanh nghiệp khác nên chủ động theo dõi các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất của các ngân hàng nhằm tìm được gói vay phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Việc giảm lãi suất cho vay đang đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; thực hiện cam kết đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp của các ngân hàng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại