Thời gian qua, Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh tỉnh Nam Định (Agribank Nam Định) đã tập trung thực hiện các giải pháp cho vay; chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chính trị ở các địa phương cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Nhờ đó, nhiều nông dân đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, gia trại mang lại hiệu quả thiết thực.
Nguồn vốn vay từ Agribank Nam Định giúp anh Vũ Văn Dũng ở xã Đại Thắng (Vụ Bản) đầu tư phát triển dịch vụ làm đất cho bà con ở địa phương. |
Tính đến hết quý I-2018, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank Nam Định đạt gần 12.423 tỷ đồng, tăng gần 309 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó cho vay ngắn hạn là gần 8.712 tỷ đồng, cho vay trung hạn hơn 3.021 tỷ đồng, cho vay dài hạn 629 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 9.654 tỷ đồng, tăng gần 271 tỷ đồng so với đầu năm; tốc độ tăng trưởng là 2,47% và đạt 122% so với chỉ tiêu kế hoạch quý I-2018 tỉnh giao. Trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn thì vay ngắn hạn chiếm 70,61%; vay trung hạn chiếm 24,32% và vay dài hạn chiếm 5,06% tổng dư nợ. Nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời, đúng thời điểm đã đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn nói chung, các chủ trang trại, gia trại nói riêng. Chúng tôi đến trang trại của ông Phạm Văn Bối ở xóm 6, xã Bình Hòa (Giao Thủy) khi ông đang cắt cỏ cho đàn bò của gia đình. Trao đổi với chúng tôi, ông Bối cho biết: Những năm gần đây, việc vay vốn của chúng tôi tại Agribank Nam Định khá thuận lợi, nhanh gọn, lượng vốn vay cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây do thiếu vốn nên việc chăn nuôi của gia đình ông Bối chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát, vì thế hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2015, ông Bối quyết định vay 50 triệu đồng, đầu tư đào ao thả cá, xây dựng chuồng nuôi bò và đóng chuồng nuôi chim bồ câu. Nhận thấy việc sử dụng vốn đã phát huy hiệu quả, đầu năm 2016 Agribank Nam Định tiếp tục cho ông Bối vay thêm 100 triệu đồng đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Từ chỗ chỉ nuôi 5 con bò thịt ông Bối đã tiếp tục phát triển đàn bò lên 10 con, trong đó có 7 con bò thịt và 3 con bò sinh sản cùng hàng trăm cặp chim bồ câu sinh sản. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2017 ông tiếp tục vay thêm 400 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con nông dân trong và ngoài huyện, tạo việc làm cho 3 lao động. Nhờ tập trung phát triển kinh tế tổng hợp nên doanh thu mấy năm qua của gia đình ông đạt từ 550-600 triệu đồng. Làm ăn hiệu quả nên ông Bối luôn thực hiện nghiêm túc việc trả tiền lãi, tiền gốc đầy đủ, đúng thời gian quy định…
Không chỉ gia đình ông Bối mà hàng trăm chủ trang trại, gia trại ở nhiều địa phương khác cũng được Agribank Nam Định tiếp vốn đầu tư mua giống cây trồng, vật nuôi, mua sắm máy móc, thiết bị vật tư nông nghiệp để làm ăn, tạo thu nhập ổn định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Để có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, thời gian qua Agribank Nam Định đã luôn bám sát mục tiêu phát triển của địa phương; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành của Bộ NN và PTNT; Nghị quyết số 27-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định của Tỉnh ủy; Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 30-7-2014 của UBND tỉnh phê duyệt đề án cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Bên cạnh đó, Agribank Nam Định cũng thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tăng trưởng và kiểm soát chất lượng tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Agribank. Chủ động phân tích, đánh giá tình hình, nhu cầu vốn tại địa phương để thực hiện các biện pháp tăng trưởng tín dụng có chất lượng, hiệu quả theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, kiểm soát chất lượng các khoản vay, bảo đảm an toàn hoạt động cho vay. Chỉ đạo các chi nhánh thường xuyên xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống các tổ vay vốn để đẩy mạnh việc cho vay qua các tổ vay vốn và tiết kiệm. Đến nay, mạng lưới tổ vay vốn tại các huyện, thành phố đã phát triển lên 2.356 tổ với hàng chục nghìn thành viên. Agribank Nam Định là chi nhánh đứng đầu về quy mô cho vay qua tổ vay vốn và tiết kiệm. Thông qua các tổ vay vốn và tiết kiệm, quá trình sử dụng vốn vay của các thành viên, các chủ trang trại, gia trại được giám sát chặt chẽ, việc đôn đốc thu hồi nợ kịp thời, đảm bảo chất lượng tín dụng. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng tín dụng, Agribank Nam Định còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ nắm tình hình vay vốn của hội viên nhằm hạn chế các rủi ro xảy ra. Nhờ phối hợp đồng bộ, giám sát chặt chẽ, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp. Triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là cho vay phát triển kinh tế trang trại, gia trại, Ban giám đốc Agribank Nam Định đã chỉ đạo các chi nhánh trong toàn tỉnh chủ động áp dụng lãi suất ưu đãi đối với các đối tượng vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn thấp hơn các đối tượng khác. Đặc biệt, Chi nhánh đã nhiều lần chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn từ mức trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn tối đa 7%/năm như hiện nay để hỗ trợ, chia sẻ giúp người dân giảm bớt khó khăn, phát triển sản xuất. Có thể nói, việc đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Agribank Nam Định đã góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề “tam nông” của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho từng gia đình, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM.
Thời gian tới, Agribank Nam Định quyết tâm giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, chủ đạo trong việc thực thi chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là cho vay phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, góp phần phát huy tiềm năng kinh tế của địa phương, thúc đẩy xây dựng NTM, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng nông thôn của tỉnh. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu; chú trọng đầu tư cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại