Từ nghề mộc làng Phạm Rỵ

06:03, 09/03/2018

Với lịch sử hình thành và phát triển trên 80 năm, nghề mộc truyền thống của làng Phạm Rỵ ở xóm 8, 9 của xã Hải Trung (Hải Hậu) qua bao thế hệ được lưu truyền, vun đắp bởi bàn tay, khối óc và kinh nghiệm, tài hoa của lớp lớp thợ cả, thợ chính “thổi hồn” vào gỗ. Không chỉ sản xuất những công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt hằng ngày mà tay nghề thợ mộc làng Phạm Rỵ còn đạt đến độ tinh xảo, điêu luyện, thực hiện thành công nhiều công trình đền, chùa, miếu bề thế... ở khắp mọi miền đất nước.

Nghệ nhân Phạm Quốc Toản (bên trái) với sản phẩm của làng nghề mộc truyền thống Phạm Rỵ.
Nghệ nhân Phạm Quốc Toản (bên trái) với sản phẩm của làng nghề mộc truyền thống Phạm Rỵ.

Ông Phạm Quốc Toản, một trong 3 người được UBND huyện Hải Hậu phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề mộc của xã Hải Trung cho biết: Người có công mang nghề mộc về xã là cụ Vũ Văn Mẫn (thường gọi là cụ Cả Mẫn), người gốc ở xã Hải Anh, là ông ngoại của ông Toản. Khoảng những năm 1940, cụ Cả Mẫn lập gia đình và ngụ tại làng Phạm Rỵ, dựng lán mở xưởng làm nghề và truyền nghề cho một số thanh niên trai tráng trong làng như các ông: Phạm Văn Mạnh, Phạm Văn Tới... Đội thợ của cụ Mẫn chuyên nhận đóng các sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong xã, trong vùng như: khung cửi dệt vải; giường tủ bàn ghế... Một vài năm sau, các ông Mạnh, Tới và một số người trong đội thợ dưới sự truyền nghề tận tâm của cụ Mẫn đã dần dần nắm được những bí quyết của nghề mộc và được giao chỉ dạy cho lớp thợ học việc kế tiếp. Thời kỳ đỉnh cao, đội thợ của cụ Mẫn có lúc đã quy tụ khoảng 50 thợ chính và hàng chục thợ phụ, học việc. Lúc này, ngoài các sản phẩm thông dụng, đội thợ của cụ còn nhận được các hợp đồng dựng nhà gỗ theo lối cổ; tu sửa, tôn tạo các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu ở trong xã, trong huyện và cả bên huyện bạn. Với bí quyết lâu năm và tài hoa của những người thợ lành nghề làng Phạm Rỵ từ khâu xẻ gỗ, thiết kế đến thi công sản phẩm sao cho tiết kiệm nguyên liệu nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng, tính thẩm mỹ của sản phẩm nên hiệu quả lao động thường cao hơn nơi khác. Không những vậy, điểm đặc trưng nổi bật của nghề mộc Phạm Rỵ là thợ chính, thợ cả chỉ truyền đạt những kỹ thuật cơ bản nhất (kiến thức khung), còn lại các khâu, các công đoạn thi công sản phẩm người thợ được phát huy tối đa óc thẩm mỹ, sáng tạo và kinh nghiệm của mình đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Vì thế, cũng là các sản phẩm thông dụng nhiều nơi sản xuất được nhưng đồ do thợ Phạm Rỵ làm ra vẫn có những nét đặc trưng riêng; không chỉ đẹp, bền bỉ với thời gian mà còn đa dạng mẫu mã, hoa văn. Đơn cử như các công trình nhà gỗ, toàn bộ vì kèo, cột, cửa... được chạm trổ tinh xảo, chính xác và quan trọng nhất là không cần dùng một chiếc đinh nào mà chỉ sử dụng mối, mộng để lắp ghép và công trình vẫn đảm bảo giá trị sử dụng bền vững đến hàng trăm năm. Nhờ đó, các sản phẩm của làng nghề đã khẳng định được thương hiệu, có sức cạnh tranh mạnh trong vùng và cả miền Bắc. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề mộc Phạm Rỵ là các loại đồ mộc gia dụng và đồ gỗ mỹ nghệ để xây dựng các công trình văn hóa tâm linh.

Qua thời gian bồi lắng, kết tinh kinh nghiệm và tâm huyết, tài hoa của các cụ đi trước, thế hệ con cháu các cụ như các ông: Phạm Văn Độ (con ông Tới); Phạm Văn Vy (con ông Mạnh)... của ông cha để lập nghiệp và làm giàu. Năm 2012, để ghi nhận những đóng góp của đội ngũ thợ cả, thợ chính trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghề mộc, động viên họ dành tâm huyết gìn giữ nghề, UBND huyện Hải Hậu đã tổ chức khảo sát, bình chọn và phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề mộc cho các ông: Phạm Quốc Toản, Phạm Văn Vy và Hoàng Văn Tai. Ông Phạm Quốc Toản với đội thợ lành nghề trên 30 lao động đã nhận được nhiều hợp đồng lớn không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà cả các tỉnh ngoài, như ở Thái Bình có: Đền Liệt sĩ huyện Kiến Xương trị giá gần 20 tỷ đồng và Đền A Sào, huyện Đông Hưng trị giá trên 15 tỷ đồng; Chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Nội) trị giá 15 tỷ đồng. Theo thống kê của UBND xã, xuất phát từ làng Phạm Rỵ, đến nay nghề mộc đã được nhân cấy, mở rộng ra cả 17 xóm còn lại trong xã với khoảng 390 cơ sở sản xuất, thu hút trên 1.300 lao động tham gia. Riêng làng Phạm Rỵ đã có khoảng 200 cơ sở sản xuất, mỗi hộ có từ 3-4 lao động tham gia. Ở làng Phạm Rỵ, ngoài cơ sở của ông Toản còn có khoảng 20 hộ sản xuất quy mô lớn từ 10-50 lao động/cơ sở như hộ các ông: Phạm Văn Vy, Phạm Văn Quát... Ngày nay, nghề mộc với sự hỗ trợ đắc lực của các loại máy móc nên năng suất lao động được cải thiện nhiều, người thợ có thêm thời gian và phương tiện để tham khảo, sáng tạo ra nhiều loại mẫu mã, hoa văn nên có thể đáp ứng nhu cầu hàng hóa số lượng lớn, chất lượng đảm bảo và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng đa dạng của người dân. Làng nghề đã có sự phân công chuyên biệt hóa cao; đã có 4 hộ mạnh dạn đầu tư máy chạm khắc gỗ CNC trị giá từ vài trăm triệu đồng/chiếc để gia công sản phẩm thô; một số hộ như các ông Toản, Vy, Quát... là đầu mối nhận các hợp đồng lớn trị giá từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng rồi giao cho các hộ sản xuất thi công. Ngày nay, ngoài các sản phẩm mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ theo lối cổ, mộc xây dựng; các công trình văn hóa tâm linh người thợ làng Phạm Rỵ còn nhận thi công cả phần tượng, tòa; cung cấp hoa văn, mẫu mã sản phẩm cho các làng nghề mộc truyền thống trong huyện, trong tỉnh...

Nhờ nghề mộc truyền thống phát triển, đời sống của người dân làng Phạm Rỵ nói riêng và xã Hải Trung đã sung túc, đầy đủ hơn. Theo đồng chí Lưu Quang Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã, với mức thu nhập bình quân từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày, mỗi hộ làm nghề (quy mô từ 2-3 lao động) mỗi năm có khoản thu nhập thực tế từ 100-120 triệu đồng; cả xã, riêng tiền công thợ khoảng 3,5-4 tỷ đồng; đấy là chưa kể các hộ sản xuất quy mô lớn như ông Toản, Vy, Quát... mỗi năm có thu nhập từ hàng tỷ đồng trở lên. Nhờ đó, năm 2017, bình quân thu nhập đầu người của xã đã được nâng lên mức 40,5 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



Hiểu rõ gen z là gì Giải đáp deadline là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com