Tìm giải pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt gần bờ

02:03, 19/03/2018

Thời gian qua, nghề lưới kéo ở tỉnh ta phát triển mạnh (với 400 tàu, thuyền, chiếm 19,9% tổng số tàu thuyền) nhưng phần lớn là phát triển tự phát khiến nguồn lợi thủy sản bị ảnh hưởng đáng kể vì khai thác bằng hình thức lưới kéo không chọn lọc, đánh bắt các loại hải sản tất cả các kích cỡ từ lớn đến nhỏ làm cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của con người. Những loại tôm, cá nhỏ khi dính vào lưới đều bị đánh bắt; mặt khác do cá bị lùa vào lưới bởi sức kéo của tàu nên nếu được thả trở lại biển thì cũng không sống được. Không những thế, so với các loại hình khai thác khác như nghề lưới rê, lưới vây thì nghề lưới kéo hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, Bộ NN và PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản, trong đó chú trọng quản lý việc đóng mới tàu cá tại các địa phương và tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo. 

Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi khai thác thủy sản.
Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi khai thác thủy sản.

Thực hiện theo chủ trương không phát triển tàu lưới kéo, Sở NN và PTNT đã tuyên truyền cho ngư dân hoạt động nghề lưới kéo nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, duy trì ổn định sản lượng khai thác ven bờ và giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20CV khai thác gần bờ, quản lý tốt các cơ sở đóng mới tàu cá và xử lý nghiêm những cơ sở tự ý đóng mới tàu cá thuộc diện cấm phát triển. Khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ. Bên cạnh đó, Sở cũng tuyên truyền đến ngư dân hiệu quả kinh tế của nghề lưới rê, nghề câu; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt. Tập trung rà soát lại số phương tiện đang hành nghề, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình đồng quản lý ven bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong việc giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. Nhiều ngư dân làm nghề lưới kéo đã tích cực chuyển đổi sang nghề lưới rê. Ngư dân Nguyễn Văn Dũng, xã Giao Hải (Giao Thủy) làm nghề lưới kéo cho biết: “Nghề lưới kéo giúp chúng tôi có thể khai thác được bất kỳ loại thủy sản nào từ lớn đến bé. Tuy nhiên, nếu đánh bắt được 4 tấn cá thì có tới 2 tấn cá tạp nên hiệu quả kinh tế không cao”. Do vậy, một số ngư dân có tàu lưới kéo đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, để vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa góp phần thực hiện yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Ông Trần Văn Khuyến, thành viên của tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực ở xã Hải Lý (Hải Hậu) cho biết: “Nghề lưới rê đánh bắt các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ… mỗi chuyến đi biển khoảng 7-10 ngày. Nếu sản lượng tốt, thu nhập của mỗi thành viên trên tàu có thể lên tới 20 triệu đồng/chuyến”.

Mặc dù chuyển đổi nghề lưới kéo sang lưới vây, lưới rê mang lại hiệu quả kinh tế cao song không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ để chuyển nghề và hoạt động hiệu quả. Theo một số chủ tàu hành nghề lưới kéo cho biết, nếu chuyển đổi tàu lưới kéo sang đánh bắt xa bờ, chi phí cải hoán vỏ tàu khoảng 500 triệu đồng, chi phí ngư cụ cũng 1-2 tỷ đồng. Chưa kể đến việc chuyển đổi tập quán đánh bắt thì ngư dân phải có thời gian học hỏi, làm quen với cách thức đánh bắt mới. Đặc biệt hầu hết ngư dân khai thác thủy sản ven bờ có trình độ học vấn thấp, kinh tế tích lũy thấp nên gặp nhiều hạn chế trước các cơ hội chuyển đổi ngành nghề sang các lĩnh vực khác như: kinh doanh, sản xuất công nghiệp... Những bất cập trên dẫn đến tình trạng dù ngành chức năng, các cấp chính quyền đã nỗ lực tuyên truyền, vận động hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng các ngư dân vẫn hành nghề “chui” và các tàu làm nghề lưới kéo vẫn tiếp tục được xuất xưởng đều(?!) 

Để đạt hiệu quả cao trong chương trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt gần bờ, tỉnh xác định cần phải có lộ trình, thời gian với sự hỗ trợ của Nhà nước và các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để những ngư dân làm nghề luới kéo có điều kiện, động lực chuyển đổi nghề. Để phát triển ngành đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhằm giảm dần nghề lưới kéo, chuyển đổi sang các nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như lưới vây, lưới rê. Tỉnh cũng tiếp tục đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác hải sản ven bờ. Ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi ngư dân cũng cần tích cực nâng cao nhận thức, nêu cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy, hải sản; nỗ lực học tập để nâng cao năng lực, bảo đảm khả năng tham gia sản xuất, phát triển kinh tế trong các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com