Tích cực vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngăn ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

08:03, 28/03/2018

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên nguy cơ nhiễm bệnh của vật nuôi và khả năng bùng phát dịch bệnh rất cao. Do đó, việc thực hiện quyết liệt, triệt để công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cũng được cơ quan chăn nuôi và thú y của tỉnh đặc biệt quan tâm.

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng xung quanh một trang trại chăn nuôi ở xã Hải Giang (Hải Hậu).
Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng xung quanh một trang trại chăn nuôi ở xã Hải Giang (Hải Hậu).

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tỉnh đã phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2018” trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1-3 đến ngày 31-3-2018. Thực hiện chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng các địa phương triển khai, huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và nhân dân vào cuộc tích cực trong công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn diện theo chuỗi khép kín từ các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đến các cơ sở kinh doanh, các điểm giết mổ, các chợ và nơi công cộng. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là các hộ chăn nuôi; khuyến cáo, hướng dẫn về quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng kết hợp với việc giám sát chặt chẽ về quy trình chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trang trại, gia trại và đàn vật nuôi. Tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêu độc, khử trùng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật và phương tiện. Tất cả các huyện, thành phố đều ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Phát động Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1, huyện Nam Trực cấp cho 20 xã, thị trấn trên địa bàn 1.000 lít thuốc khử trùng, tiêu độc. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phân công cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn trưởng thú y các xã, thị trấn, hộ chăn nuôi triển khai phun ở các nơi công cộng đường làng ngõ xóm, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi tập kết gia súc, gia cầm, những nơi có mật độ chăn nuôi cao. Đồng thời cấp phát cho các gia trại, trang trại chăn nuôi; các hộ hoạt động ấp nở, giết mổ gia súc, gia cầm. Do số lượng thuốc cấp có hạn, Trạm phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ liên quan chủ động mua thêm hóa chất, vôi bột để khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại của gia đình. Quan điểm chỉ đạo của huyện đối với các địa phương là thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo nhanh, gọn, đồng loạt và hiệu quả. Toàn huyện đã tổ chức được 15 đội phun cho 21 chợ buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn. Các trang trại, gia trại chăn nuôi trong huyện đã tự mua 150 lít thuốc khử trùng, sử dụng khoảng 5 tấn vôi bột để thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Đồng chí Hoàng Thị Nhài, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nam Trực cho biết: Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm; lở mồm long móng, tai xanh ở lợn… một phần là do công tác tuyên truyền vận động bà con chăn nuôi ngoài việc thực hiện tốt công tác tiêm phòng, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng thì công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh bên ngoài môi trường là rất quan trọng. Tuy nhiên, do giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, nhất là giá lợn nên vẫn còn một số hộ chăn nuôi lơ là trong công tác phòng chống dịch nói chung và thực hiện tiêu độc, khử trùng nói riêng. Tại huyện Hải Hậu, xã Hải Giang cũng là một trong những địa phương đang thực hiện quyết liệt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: xã đã phát động bà con nhân dân tập trung quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh các khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ… Được UBND huyện Hải Hậu cấp hỗ trợ thuốc sát trùng, xã đã thành lập đội phun, thực hiện phun tiêu độc, khử trùng tại các điểm công cộng. Vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua thuốc sát trùng phun toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi; rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi. Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân trong việc thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” bước đầu được coi là một thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm của xã Hải Giang.

Thời tiết từ đầu tháng 3 đến nay khô ráo, rất thuận lợi cho công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Đến ngày 21-3-2018, tất cả các huyện, thành phố đều triển khai thực hiện kế hoạch Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1. Tổng số thuốc sát trùng cấp phát cho các xã, thị trấn trong toàn tỉnh là 7.810 lít. Các hộ chăn nuôi và xã tự mua thêm 1.850 lít thuốc sát trùng, hơn 44 tấn vôi bột thực hiện tiêu độc, khử trùng. Các địa phương tích cực tuyên truyền bằng băng rôn khẩu hiệu và tổ chức 158 đội phun tập trung để phun thuốc sát trùng tại các khu vực công cộng như bãi rác, chợ... Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Việc tập trung thực hiện, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng loạt sẽ là biện pháp tối ưu hạn chế được rất nhiều về dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Bởi, vắc-xin chỉ tạo ra kháng thể riêng lẻ, ví dụ như tiêm vắc-xin dịch tả thì chỉ phòng được dịch tả lợn nhưng không phòng được các bệnh khác như: tụ huyết trùng, tai xanh, phó thương hàn… Còn nếu thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng có thể tiêu diệt hết các mầm bệnh từ môi trường. Bà con cần chú ý làm vệ sinh sạch sẽ trước khi phun thì hiệu quả khử trùng mới cao. Phun theo nguyên tắc: phun kỹ, phun ướt đều xung quanh nền chuồng, tường chuồng, mái chuồng… Ngoài tháng phát động, các hộ chăn nuôi cần chủ động thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng mỗi tuần 1 lần khi không có dịch. Có thể nói, Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1-2018 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương không tổ chức các đội phun thuốc ở khu vực công cộng, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ tồn tại mầm bệnh.

Đồng chí Ninh Văn Hiểu cho biết thêm: Theo quy luật, các dịch bệnh nguy hiểm như: tai xanh ở lợn, cúm gia cầm, lở mồm long móng ở trâu, bò… thường phát sinh từ trung tuần tháng 3 và đầu tháng 4. Do vậy, ngoài việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh kịp thời, ngay khi phát sinh không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tăng cường quản lý đàn vật nuôi, đặc biệt là đối với những hộ kinh doanh giống gia cầm, những hộ chăn nuôi vịt thịt… yêu cầu phải thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên, hạn chế nguy cơ dịch bệnh phát sinh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com