Thực hiện Quyết định số 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017, tỉnh ta đã tiến hành cuộc Tổng điều tra lần thứ 5, giai đoạn (2012-2017) từ tháng 3 đến tháng 12-2017. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là cuộc điều tra có quy mô lớn, phạm vi rộng, nội dung điều tra nhiều và phức tạp, song Ban Chỉ đạo (BCĐ) đã tổ chức thực hiện nghiêm túc và hoàn thành toàn diện cuộc Tổng điều tra nên đã bảo đảm thời gian và chất lượng theo kế hoạch của Trung ương. Chất lượng điều tra nâng lên, số liệu phản ánh sát thực tế và phù hợp xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhà máy May Đại Thắng (Vụ Bản) là cơ sở thuộc đối tượng của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017. |
Theo BCĐ Tổng điều tra của tỉnh, đạt được kết quả trên bên cạnh sự quan tâm của BCĐ Trung ương; cấp ủy, chính quyền các cấp thì BCĐ từ tỉnh đến cấp xã đã bám sát phương án của BCĐ Trung ương triển khai và hoàn thành các khâu công việc đảm bảo đầy đủ theo đúng tiến độ; đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát các khâu công việc: Rà soát địa bàn, lập bảng kê, tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng điều tra, tập huấn nghiệp vụ, thu thập thông tin, nghiệm thu và bàn giao tài liệu. Từ kết quả của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 mới được công bố cho thấy: Đối với khối doanh nghiệp, những năm qua tỉnh ta đã quan tâm hoàn thiện và bổ sung các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các loại hình doanh nghiệp phát triển, do vậy số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Doanh nghiệp phát triển mạnh góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Tại thời điểm điều tra toàn tỉnh có 4.558 doanh nghiệp, gấp 1,41 lần và tăng 1.304 doanh nghiệp so với năm 2012; trong đó, có 4.439 doanh nghiệp đang hoạt động và 119 doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư. Phân theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp ngoài Nhà nước là chủ yếu, chiếm 97,97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; hai loại hình doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 2,03%, bao gồm 36 doanh nghiệp Nhà nước và 54 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phân theo quy mô lao động của doanh nghiệp: Tỷ lệ doanh nghiệp dưới 10 lao động tăng 11,83% sau 5 năm (từ 42,1% năm 2012 lên 53,93% năm 2017). Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp trên 10 lao động giảm 11,83% (từ 57,9% năm 2012 xuống 46,07% năm 2017). Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đi vào hoạt động trong 5 năm qua hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Có 2,46% doanh nghiệp từ 200 lao động trở lên, 7,59% doanh nghiệp từ 50 đến 199 lao động, 36,02% doanh nghiệp từ 10 đến 49 lao động, 53,93% doanh nghiệp dưới 10 lao động. Phân theo ngành kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 332 doanh nghiệp, chiếm 7,5% tổng số; ngành công nghiệp có 1.222 doanh nghiệp, chiếm 27,5%; ngành xây dựng có 538 doanh nghiệp, chiếm 12,1%; ngành thương mại, dịch vụ có 2.040 doanh nghiệp, chiếm 46%; ngành vận tải kho bãi có 307 doanh nghiệp, chiếm 6,9%. Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ: TT và TT; kinh doanh bất động sản; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo biểm… còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh tăng nhanh nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng, các ngành. Doanh nghiệp tập trung chủ yếu tại Thành phố Nam Định với 1.763 doanh nghiệp, tiếp đó là huyện Ý Yên có 569 doanh nghiệp, huyện Xuân Trường có 382 doanh nghiệp, huyện Hải Hậu có 365 doanh nghiệp... Về số lượng lao động, thời điểm 1-3-2017 có 163.300 lao động trong các doanh nghiệp, tăng 37.883 lao động so với năm 2012; bình quân mỗi doanh nghiệp có 36,8 lao động. Số lao động tăng bình quân 5,4%/năm. Trình độ của người lao động trong các doanh nghiệp tuy được nâng lên nhưng số người có trình độ chuyên môn và tay nghề cao vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Số lao động có trình độ trên đại học và trình độ khác 4.515 người, chiếm 2,8% tổng số; lao động có trình độ đại học, cao đẳng và cao đẳng nghề 27.329 người, chiếm 16,7%; lao động có trình độ trung cấp, trung cấp nghề và sơ cấp nghề 34.083 người, chiếm 20,9%; đặc biệt lao động chưa qua đào tạo và đào tạo dưới 3 tháng 97.373 người, chiếm 59,6% tổng số.
Khu vực kinh tế cá thể là một trong những thành phần kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thời điểm đầu tháng 7-2017 toàn tỉnh có 102.800 cơ sở, tăng 6.802 cơ sở (tăng 7,1%) so với thời điểm 1-7-2012. Các cơ sở kinh tế cá thể tham gia hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế quốc dân: Công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, văn hoá thể thao, y tế và phục vụ cá nhân, cộng đồng. Ngành Công nghiệp có 33.849 cơ sở, chiếm 32,9% tổng số và giảm 2,6% chủ yếu do cơ sở sản xuất muối giảm; ngành Xây dựng 3.312 cơ sở, chiếm 3,2% tổng số; ngành Thương mại, khách sạn nhà hàng, dịch vụ 59.916 cơ sở, chiếm 58,3% tổng số và tăng 15,9%; ngành Vận tải kho bãi 5.723 cơ sở, chiếm 5,6% tổng số. Tại thời điểm thực hiện điều tra, toàn tỉnh có 198.754 lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, tăng 13.491 lao động (7,3%) so với năm 2012; trong đó lao động nữ có 90.713 người, chiếm 45,6% tổng số lao động. Khu vực kinh tế cá thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nhất là tạo ra những việc làm mới cho người lao động ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động trong các làng nghề đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống của các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, khu vực kinh tế cá thể còn là nơi tiếp nhận những người lao động không có trình độ chuyên môn, không đủ tiêu chuẩn để làm việc trong khối doanh nghiệp, khối hành chính sự nghiệp... Tuy nhiên, khả năng thu hút thêm lao động của khu vực này đang có xu hướng tăng chậm lại. Tính bình quân 5 năm, số lao động mỗi năm chỉ tăng 1,5%/năm và mỗi năm khu vực kinh tế cá thể tăng thêm được 2.700 lao động. Bình quân lao động của 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể qua 2 kỳ Tổng điều tra không thay đổi, chỉ có 1,9 người. Như vậy hằng năm khu vực sản xuất, kinh doanh cá thể tạo ra việc làm mới cho xã hội là không nhiều; đây là một kết quả cần được cải thiện để tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Đối với khối hành chính, sự nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng, tính đến thời điểm 1-3-2017, toàn tỉnh có 2.443 cơ sở hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội, giảm 5% so với năm 2012. Nguyên nhân là do trong cuộc Tổng điều tra này các chi nhánh của các cơ quan hành chính sự nghiệp không thuộc đối tượng điều tra. Lao động trong các cơ sở hành chính sự nghiệp có 49.451 người, tăng 1.374 người so với năm 2012. Các cơ quan hành pháp có 7.153 lao động, chiếm 14,5% tổng số; các cơ sở sự nghiệp có 38.188 lao động, chiếm 77,2% tổng số. Tại thời điểm tháng 7-2017, toàn tỉnh có 2.454 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tăng 15,65%; 4.844 lao động, tăng 21,5% so với năm 2012. Số cơ sở tăng nhiều là do đối tượng điều tra trong cuộc Tổng điều tra này được mở rộng hơn và một số cơ sở được xây mới, được phục hồi hoạt động thường xuyên hơn. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là những nơi thờ tự, tu hành, thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng: chùa, nhà thờ, nhà thờ họ công giáo, đình, đền… Với sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp và sự phát triển của kinh tế - xã hội các cơ sở tôn giáo có điều kiện để phát triển.
Cuộc Tổng điều tra đã cung cấp đầy đủ kết quả phân tích sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế của toàn tỉnh; là tài liệu quan trọng phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo và hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các cấp lãnh đạo trong thời gian tới. Những số liệu, thông tin này sẽ được Cục Thống kê tỉnh công khai rộng rãi đến người dân, các cấp lãnh đạo, cơ quan, đơn vị và các ban, ngành, địa phương có nhu cầu sử dụng, khai thác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển./.
Bài và ảnh: Văn Đại