Phát triển nuôi thủy sản ở Nghĩa Châu

08:03, 07/03/2018

Xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) bên tả ngạn sông Đáy. Ngoài trồng lúa, trồng rau màu và làm nón, nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn xã đã giúp người dân cải thiện kinh tế một cách rõ rệt.

Thu hoạch cá tại hộ gia đình ông Đồng Văn Điền, xóm 7, xã Nghĩa Châu.
Thu hoạch cá tại hộ gia đình ông Đồng Văn Điền, xóm 7, xã Nghĩa Châu.

Toàn xã hiện có hơn 200 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích khoảng 62ha. Sản lượng thủy sản trung bình của toàn xã đạt khoảng 135 tấn/năm. Theo đồng chí Nguyễn Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã: “Trước kia, đời sống kinh tế của người dân trong xã còn khá khó khăn. Bà con trong xã chủ yếu làm nghề trồng lúa, nhưng do vị trí địa lý là vùng chiêm trũng nên cấy hái không đạt hiệu quả, thường xuyên mất mùa. Vì vậy đến năm 2007, khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản, nhiều hộ dân có ruộng ở vùng này đã mạnh dạn tham gia chuyển đổi để phát triển kinh tế”. Năm 2017, xã đã thành lập đội nuôi thủy sản xã Nghĩa Châu tại khu vực thôn Hà Dương có 115 thành viên, chủ yếu nuôi cá thương phẩm và sản xuất giống các loại cá vàng, cá truyền thống với tổng diện tích trên 30ha. Khi các hộ nuôi liên kết với nhau, mọi người trong Đội nuôi thủy sản có cơ hội cùng bàn bạc, tìm ra phương pháp khắc phục mọi bất cập phát sinh, chia sẻ những biện pháp kỹ thuật nuôi cá hiệu quả. So với hoạt động riêng lẻ như trước kia, việc thành lập Đội nuôi thủy sản giúp các hoạt động từ nhập giống, nhập thức ăn cho cá, chia sẻ phổ biến kỹ thuật chăm sóc cũng được thực hiện quy củ, bài bản hơn; việc đánh giá nhu cầu của thị trường cũng sát thực tế hơn, đảm bảo đầu ra ổn định nên các thành viên trong Đội nuôi thủy sản xã Nghĩa Châu yên tâm phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, nhiều hộ nuôi thủy sản đã mạnh dạn kết hợp nuôi lợn, trồng rau màu, cây ăn quả đạt hiệu quả như hộ anh Đồng Văn Khải, Đồng Văn Điền, Phạm Đức Vận, Phạm Văn Chuyền, xóm 7; Vũ Đình Hạnh, xóm 6… Hộ anh Đồng Văn Khải, xóm 7 chủ yếu sản xuất giống các loại cá truyền thống như cá trắm đen, trôi, chép… và cá vàng. Anh Khải cho biết: Đời sống kinh tế người dân ngày càng nâng lên, mọi người có điều kiện để thực hành nhiều luật tục cổ truyền đẹp đẽ của dân tộc như tục cúng cá sống cho ông Công, ông Táo góp phần giúp những người nuôi cá có thêm cơ hội phát triển sinh kế. Dịp ông Công, ông Táo vừa qua, gia đình anh bán buôn hơn 1 tấn cá vàng cho thị trường các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… Năm nay, mức giá “cá ông Công” lên tới 90 nghìn đồng/kg, tăng 20 nghìn đồng so với mọi năm, vì vậy vụ “cá ông Công” vừa rồi đã giúp gia đình anh đạt doanh thu khá. Bên cạnh sản xuất giống cá truyền thống và cá ông Công, anh còn nuôi hơn 200 con lợn. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Khải thu về từ 400-500 triệu đồng. Gia đình ông Đồng Văn Điền cũng sản xuất cá giống truyền thống và cá vàng phục vụ dịp 23 tháng Chạp. Ông cho biết, thời gian đầu khi chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để múc đất, đào ao. Cứ túc tắc làm ăn, mỗi năm ông Điền thu được hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Năm nay, ông dự định thả 1,5 vạn con cá trắm đen bột, 3 vạn con cá trắm cỏ bột nhập từ Hà Nam, Hải Phòng…

Hết tháng Giêng, tranh thủ điều kiện thời tiết ấm áp, ông bắt đầu phơi ao, cải tạo đáy ao, rắc vôi khử trùng, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thả cá. Anh Phạm Đức Mười, trưởng thôn Hà Dương, đội trưởng Đội nuôi thủy sản xã Nghĩa Châu cho biết: “Nhờ chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa nên đời sống của người dân trong thôn Hà Dương được cải thiện một cách rõ rệt. Hà Dương từ một thôn nghèo nhất xã đã dần được “thay da đổi thịt”, có thêm nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại, trở thành một trong những thôn có tiềm năng kinh tế cao của xã”. Con đường đất nhỏ, khúc khuỷu của thôn trước đây đã được cải tạo, nâng cấp thành đường bê tông khang trang, sạch sẽ, tạo thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế.

Để nuôi thủy sản phát triển thành nghề chính, nâng cao đời sống cho người dân, thời gian tới xã Nghĩa Châu có kế hoạch tiếp tục chuyển đổi thêm 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Đồng thời xã tiếp tục khuyến khích các hộ nuôi thủy sản phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại để có sản lượng hàng hóa lớn, thuận lợi tiêu thụ. Đội nuôi thủy sản xã kết hợp các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chăm sóc các đối tượng thủy sản cho các hộ nuôi, chú trọng khuyến khích các hộ nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm sản phẩm thủy sản đạt chất lượng, cho giá trị thu nhập kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com