Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam (HTX Sơn Nam), xã Hải Trung (Hải Hậu) được thành lập năm 2016. Sau khi thành lập HTX, Hội đồng quản trị HTX đã liên kết và ký kết bao tiêu sản phẩm với Cty NIPPON của Nhật Bản, chi nhánh tại Bắc Ninh. Qua gần 2 năm hoạt động, HTX đã phát huy vai trò “bà đỡ” trong việc hỗ trợ các thành viên HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Theo anh Nguyễn Trọng Bằng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sơn Nam, để HTX phát triển, vấn đề đặt ra là mối quan hệ quyền lợi giữa thành viên và HĐQT HTX. Trong đó, HTX cung cấp thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Các thành viên xây dựng trang trại, chủ động nguồn giống và tổ chức chăn nuôi. Để hình thành HTX Sơn Nam hiện nay, anh Bằng và các hộ chăn nuôi trong xã và một số địa phương lân cận cũng đã trải qua thời gian thăng trầm. Chia sẻ với chúng tôi, anh Bằng cho biết, ngay từ năm 2005, anh đã gắn bó với con nuôi là thỏ. Có thời gian mất ăn, mất ngủ, rồi có lúc “sa cơ” cũng vì thỏ. Nguyên nhân là đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Nhớ về những ngày đầu lập nghiệp, anh Bằng đầu tư mua 50 đôi thỏ giống. Rất nhanh sau đó, mỗi năm thỏ sinh 6-7 lứa, mỗi lứa 6-7 con. Quy mô đàn thỏ của trang trại nuôi thỏ nhà anh Bằng vì vậy ngày một lớn. Tuy nhiên, khi tìm đầu ra cho sản phẩm thì anh Bằng bắt đầu gặp vướng mắc. Anh phải lặn lội tìm đến các cửa hàng, khách sạn rao bán. Thời gian đầu thuận lợi, trang trại tấp nập người vào mua thỏ giống, thỏ thịt. Do không ổn định đầu ra nên đã có lúc anh “tán gia, bại sản”. Nhưng duyên nợ với con thỏ luôn là niềm đau đáu của chàng nông dân dám nghĩ, dám làm. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, anh Bằng vẫn quyết định lựa chọn mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm vì đây là con vật dễ nuôi, ít bệnh tật.
Tham quan mô hình chăn nuôi thỏ của hộ anh Nguyễn Trọng Bằng, HTX DV chăn nuôi Sơn Nam, xã Hải Trung (Hải Hậu). |
Cơ hội lớn mở ra đối với sự nghiệp của anh Bằng và những người chăn nuôi thỏ khi anh tiếp cận được với Cty Nippon Zoki của Nhật Bản. Cty này đã xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học Konshi Việt Nam tại Bắc Ninh, công suất thiết kế 2 triệu con thương phẩm một năm để phục vụ cho ngành dược phẩm. Vì vậy, Cty Nippon Zoki sẵn sàng thu mua thỏ đạt tiêu chuẩn với số lượng lớn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ công suất của nhà máy. Được sự gợi ý của các cơ quan chuyên môn, anh Bằng quyết định vận động những hộ nông dân ở địa phương có cùng sở thích chăn nuôi để thành lập HTX nuôi thỏ tập trung (tháng 8-2016). Theo anh Bằng, nuôi thỏ không khó, nhưng phải chú ý quan sát thời tiết, vì loài thỏ rất nhạy cảm, người nuôi phải chú ý để đảm bảo độ mát mẻ mùa hè và ấm áp mùa đông. Hơn nữa, hệ tiêu hóa của thỏ phức tạp, tránh tình trạng thỏ rối loạn tiêu hóa. Dấu hiệu nhận biết thỏ mắc dịch bệnh là phân nát, lông xù, kém ăn. Hiện với những thỏa thuận của nhà bao tiêu sản phẩm thì việc chăn nuôi, chăm sóc thỏ lại dễ dàng hơn vì doanh nghiệp đã cung cấp con giống, thức ăn cũng như quy trình nuôi cho người chăn nuôi.
HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam do anh Nguyễn Trọng Bằng làm Giám đốc từ 6 thành viên ban đầu, đến nay đã phát triển lên 20 thành viên. Tổng đàn thỏ của HTX duy trì chăn nuôi trên 7.000 con. Năm 2017, HTX đã xuất bán trên 14 nghìn con thỏ với giá bình quân 178 nghìn đồng/con (mỗi con có trọng lượng từ 2,2-2,5kg), đạt doanh thu trên 2,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ nuôi thỏ của các thành viên đạt 15-20 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập sẽ liên tục tăng cao theo mức độ sinh sản của thỏ và sự gia tăng của quy mô đàn. Riêng trang trại thỏ của Giám đốc HTX Nguyễn Trọng Bằng hiện có 2.000 con. Mỗi tháng, anh xuất bán được xấp xỉ 500 con thỏ các loại (cả thỏ thịt và thỏ giống) với doanh thu đạt trên 100 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn và thuốc thú y, mỗi tháng, trang trại thỏ của anh Bằng có thu nhập 50 triệu đồng trở lên. Từ cách nhìn nhận về việc phát triển bền vững, anh Bằng cho biết, ngoài việc duy trì sự phát triển quy mô trang trại cho bản thân mình thì phải tính đến việc đảm bảo đáp ứng đúng những yêu cầu của đối tác. Theo anh, trồng cây gì, nuôi con gì, nếu không phát triển thành vùng tập trung thì chẳng thể nào tạo ra sản phẩm hàng hóa được. Vì vậy, anh bán thỏ giống cho những người nuôi mới nhằm tiếp tục mở rộng quy mô HTX, đảm bảo cung cấp thường xuyên, số lượng lớn thỏ thương phẩm cho Cty Nippon Zoki.
Đánh giá về mô hình nuôi thỏ của HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam, đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, tuy mới thành lập nhưng hiệu quả ban đầu của HTX Sơn Nam đã thấy rõ ở chỗ thu nhập của các hộ thành viên luôn ổn định và có chiều hướng tăng bền vững. Tham gia HTX, các thành viên được tập hợp trong một tập thể thống nhất sẽ có nhiều lợi ích. Trước hết, HTX được hỗ trợ khi thành lập, tập huấn cách thức quản lý và tổ chức hoạt động. Ngoài bao tiêu toàn bộ sản phẩm, khi tham gia vào HTX, các thành viên được hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, quy trình kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng với giá cả hợp lý, hỗ trợ 100% vắc-xin phòng bệnh cho thỏ. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực hỗ trợ thành viên trong việc vay vốn, tập huấn nghiệp vụ quản lý HTX, hạch toán sản xuất, kinh doanh. Quan trọng hơn, HTX có tư cách pháp nhân tự chủ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên thuận lợi hơn trong việc huy động vốn vay phục vụ cho sản xuất. Các thành viên cũng kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm chăn nuôi, ổn định thị trường và tăng thu nhập.
Thời gian tới, HTX Sơn Nam sẽ tiếp tục phát triển thêm thành viên, mở rộng quy mô chăn nuôi thỏ theo hướng VietGAP; đẩy mạnh khâu tiếp thị, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; đồng thời, tích cực liên kết với các hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn để cùng nhau hợp tác và phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn