Theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, huyện Nghĩa Hưng có 7 CCN với tổng diện tích 181ha. Trong đó, ngoài 3 CCN cũ là: Nghĩa Sơn, Liễu Đề, Quỹ Nhất sẽ bổ sung 4 CCN mới là Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Nghĩa Minh và Nghĩa Lạc với tổng diện tích 110ha.
Gia công các sản phẩm giày thể thao xuất khẩu tại Cty CP Cơ khí Nam Hà, CCN Nghĩa Sơn. |
Theo quy hoạch cũ, từ năm 2015 trở về trước, huyện Nghĩa Hưng có 3 CCN nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt là các CCN: Nghĩa Sơn, Liễu Đề, Quỹ Nhất và 3 CCN dự kiến xây dựng là: Nghĩa Thịnh, Đông Bình, Hòa Hùng. Tuy nhiên, mới chỉ có CCN Nghĩa Sơn, tổng diện tích gần 10ha được xây dựng và đi vào hoạt động trước năm 2010. Với vị trí địa lý thuận lợi và là CCN duy nhất của huyện Nghĩa Hưng, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, CCN Nghĩa Sơn đã được lấp đầy với 7 doanh nghiệp và 14 cơ sở sản xuất các ngành nghề như: may công nghiệp, cơ khí, chế biến gỗ, dịch vụ, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thuỷ…, tạo việc làm ổn định cho gần 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Sự nỗ lực của các doanh nghiệp đang hoạt động trong CCN Nghĩa Sơn đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển CN-TTCN của huyện Nghĩa Hưng trong nhiều năm liên tục. Năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Nghĩa Hưng đã đạt trên 1.377 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2016. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và cả các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong huyện ngày một gia tăng, đòi hỏi huyện phải khẩn trương đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, UBND huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức rà soát, xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất và hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung quy hoạch gọn vùng đất công, đất dành cho phát triển sản xuất CN-TTCN. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế của từng xã, thị trấn để định hướng thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN với các ngành nghề cụ thể, đúng với chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN của tỉnh; phù hợp với các quy hoạch (sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM) của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện chủ trương đó, Phòng Công thương đã tham mưu cho UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh giữ lại 3 CCN trong quy hoạch cũ là: Nghĩa Sơn, Liễu Đề và Quỹ Nhất; đề nghị bỏ các CCN: Nghĩa Thịnh, Đông Bình, Hòa - Hùng ra khỏi quy hoạch do không còn phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất bổ sung, xây dựng mới thêm 4 CCN là Nghĩa Thái, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Minh. Theo quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2020, huyện Nghĩa Hưng dự kiến xây dựng mới CCN Liễu Đề với diện tích 10ha; mở rộng diện tích CCN Nghĩa Sơn (đã hoạt động từ trước năm 2010) lên 21ha. Đây là 2 CCN nằm trong quy hoạch cũ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, cũng trong giai đoạn 2017-2020, huyện Nghĩa Hưng sẽ bổ sung 2 CCN mới vào quy hoạch là các CCN: Nghĩa Thái diện tích 10ha và Nghĩa Minh diện tích 20ha. Như vậy, theo quy hoạch mới, đến năm 2020, huyện Nghĩa Hưng sẽ phát triển 4 CCN với tổng diện tích 61ha; giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới CCN Quỹ Nhất có diện tích 20ha; bổ sung mới 2 CCN: Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc mỗi CCN có diện tích 20ha; mở rộng diện tích 4 CCN (trong đó các CCN Nghĩa Sơn, Liễu Đề, Nghĩa Thái mỗi CCN mở rộng thêm 10ha; CCN Nghĩa Minh 30ha). Về chủ trương phát triển ngành nghề các CCN: Nghĩa Sơn, Liễu Đề tập trung phát triển mạnh các ngành nghề cơ khí, sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải thủy, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác; CCN Quỹ Nhất sẽ phát triển thành trung tâm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ các nguyên liệu mây, tre - nứa, cói; các CCN Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong phát triển công nghiệp chế biến và một số ngành nghề có lợi thế; CCN Nghĩa Minh phát triển công nghiệp sản xuất da giầy và các ngành nghề chế biến, chế tạo khác. Với lộ trình rõ ràng và định hướng phát triển ngành nghề sản xuất CN-TTCN phù hợp, cụ thể, quy hoạch phát triển các CCN được UBND tỉnh phê duyệt đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để huyện Nghĩa Hưng chủ động kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, phân bố cho nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài CCN Nghĩa Sơn đã được lấp đầy và đang thực hiện các bước mở rộng diện tích, hiện tại trên địa bàn huyện, nhiều CCN đã thu hút được các dự án đầu tư trong và ngoài nước với số lượng vốn lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. CCN Nghĩa Thái, diện tích giai đoạn I là 10ha đã thu hút được dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm trang phục xuất khẩu với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng của Cty CP May Sông Hồng, tạo việc làm cho 2.100 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Tại CCN Nghĩa Minh diện tích giai đoạn I là 20ha đã thu hút được 2 dự án đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu của các Cty TNHH Golden Victory Việt Nam diện tích 9,3ha đi vào hoạt động trong năm 2017 và Cty TNHH Bunda với diện tích khoảng 12,5ha. Cty TNHH May Nghĩa Hưng DAEYANG ở CCN Nghĩa Lạc thu hút 530 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các CCN mới và phát triển các ngành nghề CN-TTCN theo quy hoạch đã được phê duyệt, huyện Nghĩa Hưng chủ trương công bố rộng rãi, chi tiết thông tin, lộ trình xây dựng các CCN trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá; tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước; chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tích cực quản lý, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư mở rộng quy mô trong các CCN... Trước mắt, tập trung hoàn thành nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN năm 2018 với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng từ 13,5% trở lên./.
Bài và ảnh: Thành Trung