Thời gian qua, việc tiếp cận đất đai đối với các dự án sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ còn gặp nhiều vướng mắc. Từ đó dẫn đến tình trạng chậm tiến độ triển khai dự án, làm tăng chi phí đầu tư ban đầu và làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng lộ trình phát triển của doanh nghiệp cũng như cơ hội việc làm của người lao động trong vùng dự án đầu tư. Thực trạng trên từng được nhà đầu tư và người dân nhiều lần phản ánh, kiến nghị đề xuất các cấp chính quyền, ngành chức năng có phương án tháo gỡ khắc phục.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo doanh nghiệp sớm có đất để đầu tư xây dựng các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, các ngành chức năng, các địa phương đã tập trung phối hợp tháo gỡ các bất cập trong khâu tiếp cận, hoàn tất các thủ tục đất đai. Ngành TN và MT và các địa phương đã rà soát thống kê, xác định cụ thể vướng mắc trong tiếp cận đất đai của từng dự án đã có quyết định đầu tư nhưng bị chậm tiến độ. Theo đó, tính từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (tháng 7-2014), toàn tỉnh có 47 dự án ở các huyện, thành phố đã có chủ trương, quyết định đầu tư đang bị vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, Thành phố Nam Định có 14 dự án; huyện Nam Trực có 12 dự án; huyện Nghĩa Hưng có 5 dự án; huyện Trực Ninh có 4 dự án; huyện Hải Hậu có 4 dự án; huyện Giao Thủy có 2 dự án; huyện Ý Yên có 3 dự án; huyện Xuân Trường có 2 dự án; huyện Mỹ Lộc có 1 dự án. Ngành TN và MT, các địa phương đã tập trung xác định các nguyên nhân vướng mắc gồm: Người có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thỏa thuận được với người đang sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đối với những dự án này Nhà nước không thể tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Cũng theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không cho phép những dự án có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện các thủ tục về đất đai ngoài KCN, CCN vì vậy những dự án đang thực hiện dở dang trên địa bàn tỉnh phải chờ xin ý kiến chỉ đạo cụ thể của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mới có thể hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Trường hợp khác, một số công trình, dự án chủ đầu tư có nhu cầu sử dụng đất tại những vị trí chưa có quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nên phải chờ thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một số doanh nghiệp không nghiên cứu đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường nên khi triển khai thực hiện các thủ tục về đất đai phải mất nhiều thời gian bổ sung, chỉnh sửa... Một số địa phương, đặc biệt cấp xã chưa hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); một số cán bộ, công chức trong ngành TN và MT năng lực yếu, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ doanh nghiệp kém, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Một số quy định về quản lý đất đai chưa rõ ràng, đầy đủ; công tác cải cách hành chính trong quản lý đất đai chậm đổi mới (luật, các nghị định hướng dẫn) dẫn đến gặp khó khăn khi thực hiện.
Cán bộ Văn phòng đăng ký thông tin nhà đất Thành phố Nam Định rà soát các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Để giải quyết dứt điểm các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư đang vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đất đai, UBND tỉnh chỉ đạo, trên quan điểm doanh nghiệp và chính quyền cùng phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư vì sự phát triển chung, Sở TN và MT, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, các địa phương phải tăng cường hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tiếp tục rà soát, phân chia các dự án vướng mắc theo nhóm, gồm: nhóm dự án đã hoàn tất GPMB cần tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục; nhóm dự án vướng về GPMB (gồm 2 dạng: trường hợp có thể GPMB thì cần hỗ trợ, thống nhất giúp doanh nghiệp về phương pháp tiếp cận, thực hiện công tác GPMB và hoàn thiện thủ tục sau GPMB; loại các dự án không thể GPMB thì cần đề nghị doanh nghiệp chuyển đổi địa điểm vào khu vực nằm trong quy hoạch thuận lợi GPMB. Các ngành chức năng phải phối hợp để hoàn tất xây dựng bộ hồ sơ thủ tục, trong đó phân tách cụ thể thành các nhóm dự án như: nhóm dự án thương mại dịch vụ, nhóm dự án nằm trong KCN, CCN, nhóm dự án nằm ngoài đê... Sau khi hoàn tất hồ sơ phải tiến hành công khai, minh bạch các bộ thủ tục hồ sơ; đồng thời phải tăng cường trách nhiệm hướng dẫn, thông báo ngay các vướng mắc để doanh nghiệp nắm rõ, từ đó chủ động phối hợp với các ngành chức năng tháo gỡ, giải quyết.
Yêu cầu các cán bộ phụ trách giải quyết thủ tục về đất đai phải nắm vững tất cả các thủ tục cần phải có để nâng cao hiệu quả hướng dẫn, tránh cho doanh nghiệp phải bổ sung, đi lại nhiều. Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý kết nối liên thông toàn tỉnh về việc tiếp cận, sử dụng đất đai của doanh nghiệp. Để không tiếp tục phát sinh các dự án bị vướng mắc trong tiếp cận đất đai, thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên kinh phí thực hiện công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN nhằm có mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư. Rà soát quy hoạch của các ngành để thống nhất điều chỉnh cho phù hợp, khắc phục tình trạng các quy hoạch ngành không thống nhất, đồng bộ, phải điều chỉnh. Ưu tiên giới thiệu cho doanh nghiệp các vị trí đất đai trong KCN, CCN, đã có quy hoạch sử dụng đất và mặt bằng sạch. Đối với những dự án chủ đầu tư lựa chọn địa điểm ngoài KCN, CCN yêu cầu chủ đầu tư phải tích cực, chủ động phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thỏa thuận GPMB với người dân liên quan (nếu có). Riêng những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không giới thiệu địa điểm ngoài các KCN, CCN để quản lý và thực hiện các thủ tục về đất đai đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các chủ đầu tư cũng cần nghiên cứu đầy đủ các văn bản, quy định pháp luật của Trung ương và của UBND tỉnh, nghiên cứu các thủ tục hành chính cần phải thực hiện để triển khai hoàn tất các thủ tục dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm được UBND tỉnh phê duyệt, bảo đảm tiến độ thực hiện của dự án đề ra./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý