Mặc dù phải cạnh tranh với nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn nhưng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Nam Định (Co-opBank Nam Định) đã và đang có bước đi thích hợp để khẳng định được uy tín và vị thế của mình, đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Co-opBank Nam Định tiền thân là Quỹ tín dụng Trung ương Chi nhánh Nam Định được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-9-2001. Sau 12 năm hoạt động, Quỹ tín dụng Trung ương Chi nhánh Nam Định được chuyển đổi thành Co-opBank Nam Định. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp như: đa dạng hoá các hình thức huy động vốn với mức lãi suất hợp lý, xây dựng phong cách phục vụ khách hàng tận tâm, chuyên nghiệp, xây dựng không gian giao dịch thân thiện, thuận lợi... sau gần 17 năm hoạt động từ chỗ chỉ có nguồn vốn là 15 tỷ đồng, đến hết năm 2017, tổng nguồn vốn của Co-opBank Nam Định đã đạt 773 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động tiền gửi từ dân cư tại địa bàn Thành phố Nam Định là 193 tỷ đồng; vốn điều chuyển từ Trung ương bằng nguồn vốn của Ngân hàng Châu Á là 73 tỷ đồng… Tổng dư nợ cho vay đạt 712 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm và tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,17% so với tổng dư nợ. Điểm nổi bật trong hoạt động cho vay của Co-opBank Nam Định trong những năm qua là đã tích cực thực hiện cho vay tiêu dùng với đối tượng chủ yếu là cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC) với thời hạn vay là 5 năm và số tiền vay lên đến 200 triệu đồng cho mỗi món vay. Hạn mức cho vay dựa trên tổng mức thu nhập từ lương, phụ cấp và cân đối giữa phần thu nợ gắn liền với phần lương, phụ cấp nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định của khách hàng mà không ảnh hưởng đến việc thu nợ của Co-opBank Nam Định. Để tạo điều kiện cho CBCNVC được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua sắm phương tiện đi lại, phát triển kinh tế hộ… Chi nhánh đã chủ động thực hiện phương thức cho vay đơn giản, nhanh chóng, khách hàng vay vốn chỉ cần 1 đơn xin vay vốn có xác nhận của thủ trưởng, chủ tịch công đoàn cơ quan và người vay cam kết dùng thu nhập từ lương, phụ cấp, thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp khác để trả nợ. Tính đến nay, doanh số cho vay CBCNVC của Chi nhánh đạt 8,3 tỷ đồng, với trên 12.420 lượt người vay. Mô hình cho vay CBCNVC của Co-opBank Nam Định đã tạo được lòng tin và giúp cho hàng chục nghìn CBCNVC có vốn để thực hiện các mục tiêu, nhu cầu của mình một cách chính đáng. Chị Lã Thị Hồng Nhung ở 298, đường Hàn Thuyên (TP Nam Định) là giáo viên tiểu học cho biết: Là giáo viên nên nguồn thu nhập chủ yếu của tôi là từ lương và phụ cấp nên số dư hằng tháng không nhiều, trong khi có nhiều nhu cầu cuộc sống cấp thiết. Được bạn bè tư vấn, giới thiệu tôi đã làm hồ sơ và được Co-opBank Nam Định cho vay 200 triệu đồng để sửa sang căn nhà khang trang, sạch đẹp. Nhờ đó tôi đã yên tâm tập trung cho công việc giảng dạy của mình. Việc vay vốn cũng giúp tôi có trách nhiệm hơn trong việc tích lũy để trả nợ hằng tháng. Quả thực với mức thu nhập của một giáo viên tiểu học không biết đến bao giờ tôi mới có đủ số tiền trên để sửa chữa ngôi nhà của mình nếu không được Co-opBank Nam Định hỗ trợ cho vay. Còn chị Vũ Thị Bích Thuỷ, nhà ở khu tập thể Đường sắt (TP Nam Định) nói: Hằng ngày, tôi thường phải đi công tác cách thành phố trên chục cây số nên cần có phương tiện tốt để bảo đảm an toàn. Cùng với nguồn vốn tự có, tôi được Co-opBank Nam Định cho vay 20 triệu đồng để mua xe máy trị giá hơn 70 triệu đồng làm phương tiện đi lại hằng ngày. Được cán bộ tín dụng của chi nhánh hướng dẫn nên quá trình làm thủ tục cho vay rất nhanh chóng, thuận lợi và kịp thời. Việc trả tiền gốc, lãi hằng tháng không nhiều so với thu nhập bình quân của tôi nên tôi luôn chấp hành tốt việc trả nợ đúng thời gian quy định...
Được Co-opBank Nam Định hỗ trợ, Quỹ TDND Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) cho các hộ dân trên địa bàn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. (Trong ảnh: Được vay 800 triệu đồng, gia đình anh Đinh Quang Đạt, xã Nghĩa Thành phát triển nghề làm đá mỹ nghệ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 20 lao động). |
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động huy động vốn và cho vay khách hàng tại địa bàn, những năm qua, Co-opBank Nam Định còn làm tốt vai trò “bà đỡ” đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh Nam Định. Phát huy vai trò đầu mối của mình, Co-opBank Nam Định đã thường xuyên cho các quỹ TDND vay vốn bằng các nguồn vốn ngắn hạn, dài hạn, vốn của Ngân hàng Châu Á… để bảo đảm thanh khoản, từng bước mở rộng tín dụng. Hiện, Chi nhánh đang điều hòa vốn cho 27/42 quỹ TDND trên địa bàn. Đơn cử như: Quỹ TDND Xuân Tiến vay 36,7 tỷ đồng; Quỹ TDND Ninh Vân vay 36 tỷ đồng; Quỹ TDND Nghĩa Thắng vay 31,8 tỷ đồng; Quỹ TDND Cát Thành vay 27 tỷ đồng; Quỹ TDND Hải Ninh vay 26,4 tỷ đồng; Quỹ TDND Giao Nhân vay 22 tỷ đồng; Quỹ TDND Trực Thắng vay 12,2 tỷ đồng; Quỹ TDND Trực Đại vay 11 tỷ đồng... Các quỹ tín dụng đã tích cực đầu tư cho vay vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, chăn nuôi và nuôi thuỷ hải sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dân dụng, sửa chữa, chế tạo cơ khí... Được Quỹ TDND Xuân Tiến cho vay 1,1 tỷ đồng thời hạn 1 năm, gia đình anh Đinh Công Tu và chị Ngô Thị Băng ở xóm 9, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) đã đầu tư để phát triển sản xuất cơ khí mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương… Đặc biệt từ giữa năm 2017, Co-opBank Nam Định còn chủ động phối hợp với các quỹ TDND có đủ năng lực triển khai cho vay hợp vốn, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng của các thành viên quỹ TDND hiện nay. Bên cạnh đó, Co-opBank Nam Định còn tích cực, chủ động hỗ trợ các quỹ gặp khó khăn trong hoạt động như: tư vấn trong quản trị điều hành, quá trình huy động vốn, cho vay; triển khai một số sản phẩm cho vay đối với hệ thống quỹ TDND để tăng trưởng dư nợ; hỗ trợ khả năng chi trả, thanh toán cho khách hàng bảo đảm nhanh chóng, kịp thời về vốn, giúp giữ gìn uy tín cho quỹ… Nhờ đó, hệ thống quỹ TDND trên địa bàn tỉnh luôn hoạt động ổn định, an toàn và bền vững, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Thời gian tới, Co-opBank Nam Định sẽ tiếp tục tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động Chi nhánh, nhất là các nghiệp vụ kiểm ngân, tín dụng, tin học… Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về lãi suất và tín dụng nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn; trong đó tập trung cho vay doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay hộ gia đình, CBCNVC. Tích cực triển khai cho vay và giải ngân thông qua hệ thống quỹ TDND theo hình thức cho vay hợp vốn./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại