Cuối năm, qua các vùng đất bãi ven sông đã thấy dáng xuân, sắc xuân trên từng tấc đất, từng nhành hoa. Không phải đợi đến lúc xuân sang, người dân ở những vùng này đã được “hái lộc” từ những ngày giáp Tết. Đó là thành quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên những vùng đất “khó”.
Ngát thơm những cánh đồng hoa
Ở Nam Định, không thể không biết đến vùng trồng hoa xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Thời tiết thuận lợi, những bông cúc vàng, hoa ly chúm chím nụ, thi nhau khoe sắc, tỏa hương báo hiệu một vụ hoa thắng lợi. Người mua, kẻ bán, từng đoàn người, xe đi, về chở hoa khiến không khí làng hoa cứ rầm rập, hối hả, tấp nập ngày cuối năm. Đến “vựa” hoa lớn nhất của tỉnh, ít ai ngờ rằng ngày trước, nơi đây chỉ là vùng đất bãi khô cằn trồng dâu, nuôi tằm kém hiệu quả. Từ thực tiễn canh tác, nhận thấy điều kiện tự nhiên, địa hình thuận lợi, địa bàn xã nằm ven sông Hồng và sông Đào, phần lớn diện tích là đất phù sa, thuận lợi để trồng hoa nên người dân nơi đây đã dần chuyển đổi sang trồng hoa cúc. Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết, ban đầu chỉ một vài hộ sống ở ven sông trồng hoa bán trong vùng, dần dần khi hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi thấy rõ thì diện tích trồng hoa mở rộng. Hiệu quả kinh tế từ cây hoa mang lại rất cao, vì vậy không chỉ trồng ở vùng đất bãi cao mà hiện nay người dân đã chuyển đổi dần những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa quanh năm. Toàn xã hiện có trên 120ha trồng hoa, giá trị kinh tế bình quân ước đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Vụ hoa Tết mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong năm. Ngày bình thường mỗi bông cúc bán được từ 500-700 đồng thì những ngày cận Tết, giá cao gấp đôi. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, người dân đang dần chuyển sang chơi những loại hoa cao cấp có giá trị kinh tế cao như: lay ơn, cát tường, ly... Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi giống cây trồng cho giá trị cao, để phục vụ sản xuất hiệu quả người trồng hoa Mỹ Tân cũng đã mạnh dạn đầu tư đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, hệ thống điện thắp sáng sưởi cho hoa, xây dựng kho lạnh để bảo quản hoa đảm bảo yêu cầu và cung ứng ra thị trường đúng dịp lễ, Tết nhằm nâng cao thu nhập. Hiện, xã đang tích cực mở rộng thị trường, tạo điểm giao dịch hoa ngay trên địa bàn nhằm thu hút và tìm kiếm các Cty, doanh nghiệp thu mua hoa ổn định, từng bước xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa tươi, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Cùng với Mỹ Tân, các cánh đồng hoa lay ơn, thược dược ở ven sông Đáy xã Yên Quang (Ý Yên) và hoa hồng ở đất bãi ven sông Ninh Cơ, xã Hải Minh (Hải Hậu) đang khoe sắc đón xuân.
Ông Đoàn Xuân Thiểm, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) chuyển hướng trồng bưởi cảnh, cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. |
Rộ vàng bưởi cảnh
Từ Mỹ Tân, qua cầu Tân Phong, chúng tôi ngợp trong không khí Tết bởi sắc màu đào, quất ở vùng cây cảnh nổi tiếng của xã Nam Phong (TP Nam Định) đang khoe sắc. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả là vườn bưởi cảnh lạ mắt, xanh mướt, trĩu quả vàng của ông Đoàn Xuân Thiểm, thôn Vạn Diệp. Những cây quất, cây cam Canh đỏ ối đã trở nên quá đỗi quen thuộc nên những năm gần đây, thú chơi bưởi cảnh bắt đầu nở rộ. Ông Thiểm “bén duyên” với nghề trồng bưởi cảnh trong một lần tình cờ sang Hưng Yên chơi và gặp những cây bưởi cảnh độc đáo, lạ mắt, có hương thơm rất đặc trưng. Năm 2012, ông quyết tâm cải tạo vườn, phát triển mô hình trồng bưởi cảnh trong chậu. Thời gian đầu, ông liên tục gặp thất bại khi bưởi không ra hoa, quả rụng, thế cây xấu… Nhưng những điều đó không làm ông nản mà chỉ giúp ông có những bài học kinh nghiệm quý và quyết tâm. 2 năm trở lại đây ông đã thành công với việc nhân cấy, lai ghép giống bưởi Diễn làm cây cảnh phục vụ dịp Tết. Ông Thiểm cho biết: Để có được những chậu bưởi cảnh đẹp mắt cung ứng cho thị trường Tết, ông phải mất một thời gian dài chuẩn bị. Trước hết là phải mua gốc bưởi về trồng vào chậu để cây hồi sinh phát triển trong môi trường chậu cảnh. Tầm tháng 4 âm lịch, những quả bưởi Diễn non được tuyển chọn mua từ các nhà vườn ở Hòa Bình đem về ghép vào cây trong chậu. Chọn giống bưởi Diễn bởi dáng quả tròn, kích cỡ phù hợp, mẫu mã, nhất là màu sắc vàng sậm, đẹp, dễ chăm sóc, dễ tiến hành chiết ghép và thời gian quả sống trên cây lâu (có thể kéo dài sang tháng 4 năm sau). Mặc dù không mất nhiều công chăm sóc nhưng tất cả các công đoạn chăm sóc đều đòi hỏi kỹ thuật rất cao, cũng phải nghiêm ngặt tuân thủ theo đúng chu kỳ, đúng liều lượng để cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cây, duy trì được mã quả đẹp, da bóng căng vàng tượng trưng cho tài lộc. Đến nay, ông đã phát triển được 60 chậu bưởi cảnh. Với mức giá trung bình từ 4-6 triệu đồng/chậu, những cây đẹp có thể bán được hơn 10 triệu đồng, trừ chi phí, cả năm chăm chút vườn bưởi cũng cho ông lãi từ 150-200 triệu đồng. Với sự nhanh nhạy về thị trường, nắm bắt được thị hiếu của người dân và sự kiên trì đã giúp ông Thiểm phát triển thành công mô hình, mở ra một hướng sản xuất mới cho người dân địa phương khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh.
Những vùng bãi trù phú
Từ vùng bãi sông Hồng của Thị trấn Cổ Lễ, đi dọc tuyến đê hữu sông Ninh Cơ đến xã Trực Mỹ (Trực Ninh), đến đâu chúng tôi cũng thấy sự “thay da đổi thịt” của một dải đất bãi ven sông, nơi trước kia chỉ có thùng đào, thùng đấu hoang hóa. Giờ đây những ao cá vuông vắn, nhiều ao được xây gạch, lát bê tông với hệ thống cống tưới, tiêu nước đầy đủ, dưới ao lao xao cá quẫy, trên bờ cây thế, cây cảnh, cây rau lấy ngắn nuôi dài đủ loại. Xã nào cũng có vài chục gia trại, trang trại đang ăn nên làm ra với những dãy chuồng trại nuôi gà, vịt, ngan, lợn, trâu, bò, dê. Chỉ riêng về thủy sản, tại vùng đất bãi ven sông Hồng của Thị trấn Cổ Lễ đã có gần 50 hộ chuyên sản xuất, ương, cung ứng cá giống và 40 hộ chuyên tiêu thụ sản phẩm cá thịt. Ngoài ra, còn có hàng chục gia trại chăn nuôi tập trung. Nơi đây đã hình thành các đội chuyên cung ứng con giống, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Cả trong và ngoài đê Trực Chính đã có 4-5 trang trại quy mô đạt tiêu chuẩn của Bộ NN và PTNT và hàng chục gia trại tổng hợp đều cho hiệu quả kinh tế cao. Riêng 85ha vùng bãi xã Trực Chính với trên 20 hộ đang canh tác trong những năm gần đây được sự đầu tư của tỉnh, huyện, xã và đóng góp của nông dân xây dựng hệ thống tưới, tiêu nước hoàn chỉnh giúp chuyển đổi khu này từ cấy lúa bấp bênh sang trồng luân canh rau màu 3-4 vụ/năm, hiệu quả gấp 3-5 lần cấy lúa. Dọc 13km đê hữu sông Ninh Cơ của huyện Trực Ninh cũng xanh mướt cây cối của các trang trại, gia trại. Chúng tôi dừng chân tại trang trại của ông Vũ Đình Luân, xóm 9, xã Trực Mỹ - một trang trại được xây dựng, kiến thiết hoàn chỉnh, quy hoạch khoa học gồm vườn cây ăn quả, ao cá và hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Dẫn chúng tôi đi quanh các ao nuôi cá trắm cỏ cùng với các loại mè, trôi, ông Luân cho biết, ông tự mua cá bột ương thành cá giống để nuôi cá thương phẩm, ngoài ra còn phục vụ nhu cầu nuôi cho bà con trong vùng. Trên vườn ông trồng các loại cây cam Đường Canh, táo lai, ổi, đinh lăng… tăng thu mỗi năm thêm hàng chục triệu đồng. Để tận dụng mặt nước, bờ ao, góc vườn, gia đình ông còn duy trì nuôi 600 con vịt siêu trứng… Nhờ cần cù, chịu khó và sự ham học hỏi, tìm hiểu khoa học kỹ thuật, ông Luân đã biến 2ha đất thùng đào của địa phương thành trang trại tổng hợp mỗi năm cho lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng. Sự năng động của những nhà đầu tư nông dân ở vùng ven sông của huyện Trực Ninh với các trang trại, gia trại sản xuất tổng hợp đã giúp “lột xác” vùng đất hoang hóa ven sông thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh cao và đang trở thành trục kinh tế công - nông nghiệp của huyện.
Vùng “dược liệu vàng” nông thôn mới
Xuân này, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Nghĩa Hưng có niềm vui lớn khi vừa chính thức được công nhận là huyện NTM. Đưa chúng tôi đi tham quan vùng liên kết sản xuất cây dược liệu tại vùng đất bãi ven sông Đào của 2 xã Hoàng Nam và Nghĩa Minh, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Trần Trung Hiếu phấn khởi cho biết, từ năm 2015, Nghĩa Hưng đã phối hợp với Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú triển khai thực hiện Dự án phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Đến nay, Dự án đã mở rộng liên kết lên quy mô gần 28ha. Hiện Cty đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở chế biến dược liệu được thiết kế tiêu chuẩn GMP để đảm bảo 4 “sạch” (trồng sạch, canh tác sạch, sơ chế sạch và bảo quản sạch). Dự án đang từng bước khẳng định hiệu quả “cái bắt tay” thật chặt giữa 3 “nhà” (Doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà nông) khi mang lại thu nhập cho người sản xuất cao hơn 2-3 lần cấy lúa, trồng màu, giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững… và là yếu tố quan trọng giúp Nghĩa Hưng hoàn thành tiêu chí sản xuất trong bộ tiêu chí huyện NTM.
Hình ảnh vùng đất bãi “thùng đào, thùng đấu” hoang hóa xưa trở thành “bờ xôi, ruộng mật” cho thu nhập “tấc đất, tấc vàng” khiến chúng tôi tràn đầy niềm phấn khởi và hy vọng sau một năm đầy khó khăn của sản xuất nông nghiệp. Đó là những minh chứng đầy thuyết phục về sự cần thiết và tất yếu phải đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, với hướng đi đúng và sự cần cù, năng động, người nông dân sẽ có những mùa xuân no ấm, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh