Sắc xuân trên đồng ruộng

08:02, 21/02/2018

Vụ xuân năm nay đang có sự khởi đầu tốt đẹp. Không còn khái niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” - ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Mậu Tuất 2018, nông dân các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt xuống đồng, mở đầu một vụ sản xuất hứa hẹn bội thu.

Công tác chuẩn bị điều kiện phục vụ sản xuất vụ xuân 2018 được các địa phương chỉ đạo quyết liệt từ trước Tết. Trên các cánh đồng với những máy xúc miệt mài đắp những con đường ra đồng, nạo vét cho kênh mương được thông thoáng; máy cày tất bật chạy đua với thời gian cày lật đất để kịp đổ ải. Trong 2 đợt xả nước hồ thủy điện, các Cty KTCTTL vùng thủy triều đã bám sát lịch xả và quy luật thủy triều, tranh thủ từng giờ mở cống để khai thác tối đa nguồn nước chất lượng. Các Cty KTCTTL vùng động lực căn cứ kế hoạch, lịch làm đất, gieo cấy lúa xuân 2018 và tình hình cụ thể các địa phương, chủ động bơm nước từng đợt đáp ứng yêu cầu sản xuất; tổ chức tốt việc khoanh vùng và điều tiết nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Đồng chí Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch HĐQT Cty KTCTTL Nghĩa Hưng cho biết: “Trong các đợt xả nước của các hồ thủy điện, tất cả cán bộ, công nhân của Cty và các địa phương trong huyện đã túc trực 24/24 giờ lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất. Ngay từ đợt 1, toàn bộ hơn 10 nghìn ha gieo cấy lúa xuân của huyện cơ bản đủ nước gieo cấy. Trong đợt 2, các cống vùng triều mở cửa tiêu thoát nước cũ, đón nước mới cho các xã ven biển thay, tháo nước 2-3 lần để thau chua rửa mặn”. Theo đánh giá, chất lượng nước phục vụ sản xuất năm nay tốt hơn hẳn so với mọi năm. Những cánh đồng trải rộng mênh mông được đổ ải ăm ắp nước, tiếng máy bơm rộn rã, khí thế lao động sản xuất khẩn trương hiện rõ trên từng khuôn mặt, bước đi của người nông dân. Các địa phương đã huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện, máy móc tập trung làm đất nhanh ngay sau khi có nước để bảo đảm đúng phương châm “ruộng chờ mạ”. Các diện tích mạ gieo hoàn thành trước ngày 12-2 đang được nông dân bảo vệ và chăm sóc đúng kỹ thuật bằng biện pháp che phủ ni lông.

Nông dân đội 1, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) xuống đồng sạ lúa xuân.
Nông dân đội 1, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) xuống đồng sạ lúa xuân.

Ngay từ mùng 2 Tết Nguyên đán (16-2-2018), nông dân nhiều nơi đã xuống đồng, bắt đầu một vụ sản xuất đầy hứa hẹn. Nhanh tay chuyển mạ xuống ruộng cấy, chị Trần Thị Oanh, thôn Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) cho biết: “Mấy ngày nay đều có mưa xuân, trời mát dịu nên bà con đi cấy phấn khởi lắm! Trước Tết, tuy có rét đậm nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng mạ gieo. Với thiên thời, địa lợi như thế này, lúa xuân sẽ được đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất”. Đến nay, huyện Nam Trực đã hoàn thành bừa lồng, bừa cấy đạt 60% diện tích. Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay huyện Nam Trực gieo cấy 8.150ha lúa. Với tỷ lệ gieo sạ 80% thì huyện sẽ cơ bản hoàn thành gieo cấy trong tháng 2-2018. Cùng bắt đầu gieo cấy sau Tết như Nam Trực, các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu cũng đang tập trung chỉ đạo bà con ra đồng gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Qua các xã Trực Đạo, Liêm Hải, Việt Hùng (Trực Ninh) đến các xã Giao Tiến, Giao Thịnh, Giao Tân (Giao Thủy)… nông dân tấp nập xuống đồng bón phân, be bờ giữ nước, vệ sinh đồng ruộng, vận chuyển mạ ra ruộng. Tại các xã Hải Nam, Hải Lộc, Hải Hà (Hải Hậu)… các hộ nông dân bắt đầu tiến hành gieo sạ lúa.

Trong khi đó, các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Nghĩa Hưng chỉ đạo gieo cấy lúa từ trước Tết Nguyên đán. Có mặt tại cánh đồng ở đội 1, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) trong ngày 25 tháng Chạp (10-2-2018), chúng tôi chứng kiến cảnh người san phẳng ruộng, người rắc phân, người gieo sạ… không khí rất nhộn nhịp. Đồng chí Nguyễn Trọng Huế, Phó Bí thư Thường trực xã Nghĩa Thịnh cho biết: Phát huy lịch sử hào hùng của Đội 202 HTX Đại Hải trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những năm qua, xã tập trung xây dựng hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng, thực hiện thành công “cuộc cách mạng trên đồng ruộng”. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa của xã từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch đạt 100% diện tích, năng suất lúa luôn đạt trên 125 tạ/ha/năm, góp phần không nhỏ giúp xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM từ năm 2014. Cách đó không xa, không khí lao động ở cánh đồng đội 6, xã Nghĩa Đồng cũng sôi nổi không kém. Từ hiệu quả của phương pháp gieo sạ như: vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cả về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cả công lao động… so với cấy truyền thống, đến nay, tỷ lệ gieo sạ trong vụ xuân ở xã Nghĩa Đồng lên tới trên 90%. Anh Khương Văn Thụ, đội 6, xã Nghĩa Đồng cho biết: “Gia đình tôi cấy 1 mẫu ruộng. Trước đây, mỗi lần vào vụ cấy lúa, nhất là trong những ngày Tết, việc tìm người giúp vô cùng khó khăn. Từ khi thực hiện phương pháp gieo sạ, vợ chồng tôi chỉ cần 3 ngày là hoàn thành việc làm đất, gieo sạ lúa. Không những thế năng suất còn cao hơn từ 10-15% so với cấy lúa”. Cảnh xuống đồng làm đất, san ruộng để gieo sạ hàng liên tục gặp trên đường nơi chúng tôi đi qua ở các xã: Nghĩa Minh, Nghĩa Phú, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng); Mỹ Tiến, Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Vĩnh Hào, Tân Khánh, Tam Thanh (Vụ Bản); Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); Yên Ninh, Yên Thành (Ý Yên)… Nhờ đẩy mạnh gieo sạ nên các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng đã hoàn thành gieo cấy lúa xuân từ trước Tết; huyện Vụ Bản đến nay cũng đạt 82%, huyện Ý Yên 79% diện tích… Đây là kết quả của nhiều năm, nhiều vụ gần đây và cũng là phát huy tác dụng sau cuộc “cách mạng” dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kết hợp làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng, phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá chuyên canh tập trung.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, tính đến hết ngày mùng 4 Tết (19-2-2018), toàn tỉnh đã bừa cấy được 64.645ha, đạt 87% tổng diện tích gieo cấy. Các địa phương sạ và cấy được 36.650ha lúa, đạt 49%, trong đó diện tích lúa sạ đạt 27.470ha; trồng được 5.995ha cây màu xuân, trong đó diện tích lạc là 2.670ha, ngô là 670ha và 2.655ha cây rau màu khác. Từ nhiều ngày nay, trên những cánh đồng của các địa phương trong tỉnh, không khí nhộn nhịp xuống đồng như trẩy hội luôn hiện hữu từ sáng sớm đến tối. Bà con nông dân hăng say lao động không chỉ vì mục tiêu hoàn thành kế hoạch phủ xanh toàn bộ 74.285ha lúa và 12.295ha cây màu vụ xuân trong tháng 2-2018, đúng trong khung thời vụ tốt nhất mà bởi họ hiểu rằng, những năm gần đây thời tiết có nhiều biến động khó lường, nếu không tranh thủ những ngày nắng ấm để gieo cấy thì rất có thể nhiều ngày sau đó sẽ không cấy được vì thời tiết bất thuận, mạ bị già hoặc cây lúa vừa cấy gặp rét đậm sinh trưởng chậm.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới sẽ còn có những ngày nhiệt độ giảm về ngưỡng rét hại kèm theo mưa nhỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng của cây trồng. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương và nông dân huy động mọi lực lượng, phương tiện khẩn trương hoàn thành làm đất để phục vụ gieo cấy lúa xuân; chăm sóc, bảo vệ tốt mạ đã gieo; khi trời ấm cần khẩn trương cấy, sạ lúa. Vận động nhân dân và các đoàn thể cấy hết diện tích, tuyệt đối không để ruộng hoang. Tổ chức tốt công tác lấy nước đợt 3; có phương án điều tiết nước và dự trữ nước. Đối với những diện tích lúa đã cấy phải “lấy nước làm áo” giữ ấm cho lúa; đối với những diện tích gieo sạ cần khoanh vùng giữ nước, không để ngập úng…

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com