Phát triển sản xuất hàng hóa trong chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

08:02, 26/02/2018

Chăn nuôi phát triển kéo theo không ít áp lực về xử lý chất thải trong chăn nuôi. Do đó, để phát triển bền vững, cần giải quyết thỏa đáng các vấn đề mở rộng quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường khi chuyển dịch từ quy mô chăn nuôi nông hộ sang tập trung.

Cuộc “khủng hoảng thừa” trong chăn nuôi lợn năm 2017 ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của cả ngành Nông nghiệp tỉnh nhà. Thế nhưng, không thể phủ nhận chăn nuôi vẫn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Theo số liệu của Sở NN và PTNT tại thời điểm ngày 1-10-2017, tổng đàn trâu, bò của tỉnh đạt 38.509 con, lợn 756.436 con và gia cầm trên 7,6 triệu con. Số lượng đàn vật nuôi lớn tạo nguồn thải không nhỏ ra môi trường. Theo ước tính, chỉ riêng chất thải rắn (gồm phân, chất độn, chất hữu cơ…) bình quân mỗi ngày thải ra là 2 kg/con đối với lợn, 10 kg/con đối với trâu, bò và 0,2 kg/con đối với gia cầm. Trước áp lực đó, trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xử lý môi trường, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi như: làm hầm bi-ô-ga, đệm lót sinh học, ủ phân vi sinh... Trong năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã xây dựng thành công mô hình “xã chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường” tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường). Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Giải pháp kỹ thuật của mô hình ở xã Xuân Ngọc là tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Đáng chú ý là việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bổ sung vào trong khẩu phần ăn của lợn. Các chế phẩm này giúp làm tăng quá trình phân giải hiếu khí, hạn chế quá trình phân giải yếm khí sinh ra các khí gây mùi hôi cho chuồng nuôi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của lợn, ức chế nhóm vi sinh vật ngoại sinh phát triển, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay việc sử dụng chế phẩm sinh học đang được nhân rộng ra nhiều địa phương, nhiều hộ nông dân hưởng ứng áp dụng. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi cũng đầu tư xây dựng chuồng trại với công nghệ tiên tiến, phát triển chăn nuôi hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường. Điển hình là ông Trần Hồng Kỳ ở thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản). Ông Kỳ cho biết: Việc xây dựng và thiết kế chuồng trại phải đảm bảo nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Mỗi chuồng đều được lắp đặt giàn làm mát, quạt hút gió ở đầu và cuối mỗi ô chuồng. Phân gà được thu dọn tự động bằng hệ thống cần gạt phía dưới nền chuồng, đóng bao và xử lý trước khi đem ra ngoài trang trại đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, góp phần phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Công trình khí sinh học xử lý chất thải tại một hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).
Công trình khí sinh học xử lý chất thải tại một hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).

Ngoài việc khuyến khích người dân áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi, thông qua các chương trình, dự án của Trung ương và các tổ chức như: Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP), Dự án Ứng dụng công nghệ khí sinh học của tổ chức phát triển Hà Lan (SNV)... các hộ chăn nuôi trong tỉnh được tập huấn kiến thức về vận hành công trình khí sinh học, hỗ trợ xây lắp, cách xử lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 15 nghìn công trình khí sinh học (bi-ô-ga), trong đó: 2.500 công trình của dự án SNV, 5.200 công trình của dự án LCASP, còn lại là các công trình do các hộ chăn nuôi tự xây. Các công trình này được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Điểm đáng chú ý là trong quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, toàn tỉnh đã quy hoạch được 139 vùng chăn nuôi tập trung tại các xã thuần nông, như: huyện Hải Hậu 28 xã, huyện Giao Thủy 19 xã, huyện Ý Yên 20 xã… Một số vùng có trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, sản xuất, cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và gia trại trong xã và đang từng bước gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện, hầu hết các xã đã lập quy hoạch phát triển nông nghiệp, trong đó có quy hoạch phát triển chăn nuôi trang trại tập trung ngoài khu dân cư. Việc đưa chăn nuôi tập trung ra khu riêng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý môi trường; hạn chế phát sinh dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Là huyện đang thực hiện xây dựng huyện NTM bền vững và phát triển nên Hải Hậu đặc biệt coi trọng vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Ngoài công tác xây dựng quy hoạch chăn nuôi, để phát triển chăn nuôi bền vững, huyện còn đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và áp dụng những mô hình chăn nuôi mới thân thiện với môi trường. Sản xuất theo quy trình an toàn trong chăn nuôi là hướng đang được ngành Nông nghiệp khuyến khích áp dụng rộng rãi (mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP…). Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi, góp phần giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. Nhìn chung, trong những năm qua, các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, góp phần tích cực bảo vệ sản xuất, chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những bất cập, khó khăn. Tình trạng phát triển chăn nuôi thiếu quy hoạch dẫn tới ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở một số nơi. Quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung ở một số xã, thị trấn còn bất cập, thiếu hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Chưa làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn. Hiện chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm khoảng 70% (trên 70 nghìn hộ) số hộ chăn nuôi toàn tỉnh, do vậy vẫn còn nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư với hệ thống xử lý chất thải còn thô sơ gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi và con người. Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn có hệ thống xử lý chất thải áp dụng các loại công nghệ khác nhau, nhưng hiệu quả xử lý chưa triệt để…

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới, chủ trương chỉ đạo của tỉnh là tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi (chăm sóc vật nuôi và xử lý chất thải) để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm “sạch”, chất lượng cao. Từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư cùng với tăng cường các biện pháp quản lý và chế tài xử phạt nhằm hạn chế hoạt động gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng. Quy hoạch và di chuyển trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp gắn với xây dựng NTM./.

 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com