Từ nhiều năm nay, người dân xã Tân Thành (Vụ Bản) đã nhạy bén khai thác thế mạnh đất canh tác rộng để luân canh gối vụ. Nằm giáp ranh Thành phố Nam Định nên nhiều hộ dân ở xã Tân Thành đã năng động đầu tư phát triển các mô hình sản xuất phù hợp để cung cấp sản phẩm cho thành phố. Từ vườn tạp, người dân đã cải tạo chuyển đổi sang các mô hình sản xuất rau sạch, an toàn; tận dụng mọi diện tích sân vườn của gia đình để trồng hoa chậu phục vụ thị trường trong dịp lễ, Tết. Dịp Tết Nguyên đán này, hơn hai chục hộ gia đình thuộc xóm 7, xóm 8 dọc triền đê dọc sông Đào đều thu khá từ bán vụ hoa Tết.
Chăm tỉa cây hoa hồng bán dịp Tết Mậu Tuất vừa qua tại hộ ông Nguyễn Xuân Thu, xóm 8 xã Tân Thành (Vụ Bản). |
Đến thăm gia đình bà Bùi Thị Nga ở xóm 7, một gia đình chuyên trồng cúc đại đóa, bà Nga cho biết: “Hai năm trở lại đây, thay vì trồng rau màu phục vụ Tết, nhiều gia đình trong xóm tôi chuyển sang làm chậu hoa cảnh bán cho người chơi Tết bởi chăm sóc dễ, chủ động được tưới tiêu lại đạt giá trị kinh tế thời vụ cao. Hơn 400 chậu cúc đại đóa và 100 cây đào dịp Tết của gia đình đang rất đắt hàng”. Đã thành thông lệ, để kịp hoa nở đúng dịp Tết, từ tháng 7 âm lịch, các hộ trồng hoa chậu của xã Tân Thành bắt đầu ươm giống và khi các mầm cây phát triển tốt thì chuyển vào bầu. Đến giai đoạn cây hoa bắt đầu phát triển cành, vào khoảng cuối tháng 9, sau khi đã thu hoạch được nhiều lứa rau ngắn ngày, các hộ dân nơi đây bắt đầu dọn vườn, và tận dụng cả khoảng sân trống để chuyển hoa sang trồng trong chậu. Từ lúc xuống giống sau 4-5 tháng là các chậu hoa bắt đầu đơm bông cho thu hoạch, trừ chi phí mỗi chậu hoa cho lãi từ 100-120 nghìn đồng. Ngoài hoa cúc, nhiều loại hoa đẹp và có giá trị khác cũng được bà con nông dân xã từng bước nghiên cứu, khảo nghiệm và nhân rộng trên diện tích đất vườn tại các xóm như hoa hồng, hoa lan, thược dược. Với lợi thế gia đình có gần 1.000m2 đất vườn, trước đây gia đình ông Nguyễn Xuân Thu ở xóm 8 quanh năm trồng các loại rau ngắn ngày phục vụ cho thị trường thành phố nhưng giá trị kinh tế thấp. Đến năm 2008, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng hoa chậu bán ra thị trường mỗi dịp Tết đến. Chỉ từ vài trăm chậu cúc đại đóa, đến nay vườn hoa của gia đình ông đã mở rộng lên từ 1.500 chậu đến gần 2.000 chậu mỗi năm. Cùng với trồng hoa cúc, gia đình ông Thu còn trồng hàng trăm chậu hoa thược dược, hoa hồng. Trên vườn nhà của ông chỉ còn ít chậu cúc đại đóa, hoa hồng các loại (Vân khôi, Ngọc lộ, Hồng nhung, Hồng leo) và thược dược đang ươm. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, lại rất tích cực chủ động học hỏi kinh nghiệm chăm sóc hoa, tìm đọc sách báo, tài liệu, kỹ thuật trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến nay, hiệu quả mô hình trồng hoa trong chậu của gia đình ông Thu đang ngày càng được khẳng định rõ rệt. Ông Thu cho biết: “Trồng rau sạch giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, nhưng trồng hoa “trúng vụ, được giá” thì còn cao gấp 5 lần so với trồng rau sạch. Tính ra, trừ chi phí giống, phân bón, vụ hoa Tết này gia đình tôi ước thu về từ 100-150 triệu đồng từ bán hơn 1.200 chậu cúc đại đóa, 200 chậu hoa hồng và thược dược”. Cùng với hộ ông Thu, hộ ông Nguyễn Hữu Đông ở xóm 8 cũng đã chuyển sang trồng hoa từ gần 10 năm nay. Bên cạnh trồng hoa chậu để bán ra thị trường trong dịp Tết đến, xuân về, gia đình ông Đông còn trồng một vườn lan với hàng trăm giỏ hoa lan các loại. Hiện nay, trung bình trong vườn của ông luôn có khoảng 1.000 chậu hoa cúc, vườn hoa lan của gia đình ông Đông cũng có giá hàng trăm triệu đồng, đã được nhiều thương lái và những người yêu hoa biết và tìm đến trong dịp này.
Trồng hoa chậu bán Tết không đòi hỏi quá cao về yêu cầu kỹ thuật, song điều quan trọng nhất là người trồng hoa phải nắm bắt được diễn biến của thời tiết để có kế hoạch chăm sóc hoa cho thích hợp; thường xuyên tỉa cành, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho hoa. Đặc biệt cần chú trọng đến từng giai đoạn phát triển và sinh trưởng của cây hoa, làm sao để hoa nở đúng dịp. Với đặc điểm là trồng hoa chậu, nên các hộ trồng hoa nơi đây còn chú ý đến việc giữ cho đất trong chậu luôn tơi xốp để hoa phát triển tốt. Hiện nay, chỉ tính riêng địa bàn xóm 7 và xóm 8 của xã Tân Thành có hơn 20 hộ đang thực hiện mô hình trồng hoa chậu, với số lượng khoảng gần 20 nghìn chậu hoa, chủ yếu là hoa cúc đại đóa, thược dược và hoa hồng. Nhiều gia đình đã thu nhập từ 60-100 triệu đồng mỗi vụ hoa Tết như hộ ông Nguyễn Hữu Trường, Vũ Đình Hâu, Nguyễn Hữu Chiến… Thị trường hoa chậu của xã Tân Thành cũng trở nên sôi động và ngày càng mở rộng được nhiều người biết đến mỗi dịp Tết. Các chậu hoa của xã Tân Thành không chỉ được bán ở thị trường Thành phố Nam Định mà còn được đưa sang các địa phương khác như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội từ nhiều năm nay.
Tận dụng thế mạnh về địa bàn kết hợp với tính cần cù chịu khó, nhạy bén kinh doanh của người nông dân, các vườn tạp ở xã Tân Thành đã được “đánh thức” tiềm năng đem lại giá trị kinh tế cao giúp người dân yên tâm bám đất bám đồng, vươn lên làm giàu. Các hộ dân cũng tận dụng cả những diện tích đất trống trong vườn, trong sân để đặt các chậu hoa, vừa tiết kiệm diện tích, vừa tiện công chăm bón, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp và làm thay đổi diện mạo quê hương xã Tân Thành. Cùng đồng hành với người dân, xã Tân Thành đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích nhiều hộ gia đình trong xã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa trong chậu trên những diện tích vườn trồng hoa màu kém hiệu quả./.
Bài và ảnh: Đức Toàn