Hải Thanh thu hút đầu tư phát triển kinh tế

08:02, 26/02/2018

Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng NTM bền vững và phát triển, Đảng ủy, UBND xã Hải Thanh (Hải Hậu) đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Đến nay, xã đã thu hút được 16 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở các ngành nghề như: sản xuất linh kiện điện tử; may công nghiệp; cơ khí đúc; sửa chữa ô tô; sản xuất hàng thủ công xuất khẩu..., tạo việc làm thu nhập ổn định cho khoảng 1.500 lao động địa phương. Nhờ đó tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và thương mại dịch vụ của xã năm 2017 đã chiếm trên 75% cơ cấu kinh tế, bình quân thu nhập đầu người trên 43 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,97%. 

Xã Hải Thanh có gần 7.000 nhân khẩu, trong đó có trên 3.300 lao động trong độ tuổi. Với vị trí địa lý thuận lợi, có gần 3km Quốc lộ 21 và Quốc lộ 37B chạy qua địa bàn. Hai tuyến đường này mới được nâng cấp mở rộng, tăng mạnh về năng lực lưu thông. Trước đây, kinh tế chủ đạo của xã là kinh tế nông nghiệp; giá trị lao động nông nghiệp chưa thật cao nên ngoài thời vụ nông nghiệp, phần lớn lao động trong độ tuổi của xã phải đi làm thuê ở nơi khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi lập đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và quy hoạcha sử dụng đất đến năm 2020, Đảng ủy, UBND xã đã chủ trương quy hoạch gọn vùng các diện tích đất công được tổng diện tích khoảng 25ha ở xóm Xướng Chử (giáp Quốc lộ 21) để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển sản xuất CN-TTCN. Bên cạnh đó, xã cũng thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để khuyến khích, hỗ trợ các hộ tham gia phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề như: hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí qua các chương trình khuyến công, đề án 1956; tạo điều kiện tối đa về: mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thủ tục hành chính… Xã đã làm việc với các Ngân hàng: NN và PTNT, CSXH áp dụng các chính sách hỗ trợ tín dụng tạo vốn cho các cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề. Đến cuối năm 2017, toàn xã có hàng trăm hộ được vay vốn tại các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân với tổng dư nợ trên 50 tỷ đồng. Hệ thống giao thông huyết mạch được đầu tư cải tạo, nâng cấp cùng với các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của xã, với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn tham gia phát triển đa dạng ngành nghề CN-TTCN. Nhờ đó đến nay trên địa bàn xã Hải Thanh đã phát triển các ngành nghề chế biến gỗ, may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Tại khu vực quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN ở xóm Xướng Chử đã thu hút được 16 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh may công nghiệp; linh kiện điện tử; sản xuất đồ chơi trẻ em; cơ khí đúc... Với vị trí địa lý thuận lợi, được sự tạo điều kiện tối đa của chính quyền địa phương nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh như các Cty: TNHH Điện tử MSL Việt Nam sản xuất linh kiện máy tính; TNHH Thương mại Hằng Tín sản xuất đồ chơi trẻ em; TNHH Gia Khang may trang phục... Cty MSL (Đài Loan) chuyên sản xuất các loại dây cáp, linh kiện ngoại vi phục vụ sản xuất các loại máy vi tính xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cty hiện thu hút trên 300 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Cty Gia Khang (Hàn Quốc) hoạt động từ tháng 4-2017 với 4 chuyền may thu hút khoảng 100 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng Cty sản xuất được từ 90-100 nghìn sản phẩm áo thun xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc. Cty Hằng Tín (Trung Quốc) hoạt động từ tháng 5-2017 tạo việc làm cho 130 lao động với mức lương bình quân 6-6,5 triệu đồng/người/tháng chuyên sản xuất các loại đồ chơi trẻ em xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU. Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, trên địa bàn xã Hải Thanh còn phát triển được một số cơ sở may công nghiệp với quy mô từ 15-20 lao động của các ông, bà: Phạm Thị Dung, xóm Nguyễn Chẩm; Vũ Văn Tài, xóm Nguyễn Quất; Vũ Thị Thoa, xóm Nguyễn Hoàng... Cơ sở sản xuất hàng thủ công xuất khẩu (thêu nơ hoa) của bà Nguyễn Thị Hải, xóm Nguyễn Chẩm nhận gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội thu hút 50-60 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Nghề chế biến gỗ cũng phát triển mạnh với hàng chục cơ sở sản xuất của các hộ gia đình sử dụng từ 5-7 lao động thường xuyên nằm rải rác ở các xóm. Ngoài các sản phẩm mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ thông dụng như: bàn, ghế, giường, tủ, các cơ sở mộc của xã như hộ các ông: Phạm Trung Kiên, Phạm Văn Vãng đều ở xóm Nguyễn Hoàng; Nguyễn Văn Phương, xóm Xướng Chử… còn thường xuyên nhận được các hợp đồng thi công phần gỗ (cửa, cầu thang, ván sàn, nội thất) cho các công trình xây dựng với trị giá trị hợp đồng từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng; thu nhập của thợ chính đạt từ 180-200 nghìn đồng/người/ngày; thợ phụ có thu nhập bình quân 100 nghìn đồng/người/ngày. 

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động để phát triển sản xuất CN-TTCN đang là giải pháp đúng đắn để xã Hải Thanh phát triển kinh tế nông thôn bền vững, nâng cao thu nhập của người dân. Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, xã tiếp tục chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN; phấn đấu năm 2018 nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/năm…

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com