Huyện Trực Ninh có 3 CCN tập trung gồm: CCN Thị trấn Cổ Lễ có tổng diện tích gần 10ha; CCN Trực Hùng có tổng diện tích trên 12,8ha và CCN Thị trấn Cát Thành có tổng diện tích 26ha. CCN Thị trấn Cổ Lễ hiện có 20 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: tái chế phôi thép, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), dệt, may công nghiệp… với tổng mức đầu tư là trên 55,2 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp tại CCN Cổ Lễ đều hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên hàng trăm lao động.
Sản xuất cọc bê tông tại Cty CP Cấu kiện bê tông Nam Thành, CCN Cổ Lễ. |
Với vị trí thuận lợi ở Thị trấn Cổ Lễ - trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của huyện Trực Ninh, nằm trên trục Quốc lộ 21 thuận tiện cho các loại phương tiện cơ giới lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa Thành phố Nam Định, huyện Nam Trực với các huyện phía nam tỉnh như: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy nên CCN Cổ Lễ có nhiều lợi thế thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như: Phòng Công thương, Trung tâm Phát triển CCN huyện... tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực về thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, đào tạo nghề cho lao động, thông tin thị trường, các doanh nghiệp đầu tư trong CCN Cổ Lễ đã từng bước khắc phục, tháo gỡ khó khăn nỗ lực đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang bị dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại để phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào CCN Cổ Lễ đều sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho lao động. Sau khi hoàn thành thủ tục, Cty CP Cấu kiện bê tông Nam Thành đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, thiết bị sản xuất như: trạm trộn bê tông công suất 80m3/giờ; hệ thống xe nâng, xe xúc lật... hoạt động ổn định từ giữa năm 2015. Cty chuyên sản xuất các loại sản phẩm: ống cống chịu lực (đường kính từ 0,8-1m); cột điện chữ A; cột, cọc bê tông thiết diện từ 200-450cm (độ dài tùy theo yêu cầu của khách hàng)... với năng lực cung ứng cho thị trường 10 nghìn mét sản phẩm/tháng. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, các loại sản phẩm của Cty đã được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ tốt không chỉ ở trong huyện, trong tỉnh mà ở cả các tỉnh bạn như: Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa... Với đội ngũ trên 30 lao động lành nghề và dây chuyền sản xuất đồng bộ, Cty đã đủ năng lực thực hiện các hợp đồng cung ứng sản phẩm trị giá hàng tỷ đồng như: hợp đồng trị giá 3 tỷ đồng xây dựng Cty TNHH Amara Việt Nam, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); hợp đồng trị giá 3 tỷ đồng cung ứng hệ thống cọc, cột bê tông xây dựng tổng kho xăng dầu với Cty TNHH Hải Hà, Thị trấn Diêm Điền (Thái Bình); hợp đồng trên 1 tỷ đồng với Cty Điện lực Nam Định... Năm 2018, Cty đã ký được 2 hợp đồng lớn, bảo đảm đủ việc làm cho công nhân đến hết tháng 6. Để đảm bảo sản xuất, kinh doanh ổn định trong năm 2018 Cty dự kiến đầu tư 4-5 tỷ đồng trang bị thêm 1-2 xe cẩu tự hành (công suất nâng 10 tấn) và hệ thống xe vận tải phục vụ vận chuyển sản phẩm. Năm 2017, Cty TNHH Xây dựng thương mại Phan Quân với dây chuyền sản xuất gạch không nung có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng đã sản xuất được trên 1 triệu viên gạch không nung với 2 dòng sản phẩm chính là: gạch đặc và gạch không nung 2 lỗ. Cty hiện tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4,8-5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu năm 2017 đạt trên 3 tỷ đồng. Trong quý II-2018, Cty sẽ đầu tư thêm khoảng 2 tỷ đồng nâng cấp toàn bộ hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất gạch để nâng công suất mỗi tháng lên 30-35 vạn viên/tháng, khoảng 3,5-4 triệu viên/năm. Nhờ đảm bảo chất lượng sản phẩm và áp dụng nhiều chính sách thu hút, khuyến mại trực tiếp cho người tiêu dùng nên sản phẩm gạch không nung của Cty đã được sử dụng trong nhiều công trình xây dựng ở các xã trong huyện như: Trực Đại, Trung Đông, Trực Chính... và cả các huyện bạn như: Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản… Với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng; phục chế nhà cổ; chế biến và kinh doanh gỗ, đến nay Doanh nghiệp Tư nhân Đoàn Cầu đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh này. Ngoài các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng như giường, tủ, bàn, ghế phục vụ nhu cầu thị trường trong huyện, trong tỉnh, bình quân mỗi năm doanh nghiệp còn nhận được từ 5-10 hợp đồng phục chế nhà cổ ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Doanh nghiệp Tư nhân Đoàn Cầu hiện đảm bảo việc làm cho 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên và có hàng chục lao động thời vụ ở Thị trấn Cổ Lễ và các xã lân cận nhận gia công sản phẩm. Hằng năm, doanh thu bình quân của doanh nghiệp đạt 50 tỷ đồng. Ở nhóm ngành dệt, may công nghiệp, các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp Tư nhân Lương Anh, HTX CP Dệt may Thịnh Hưng, Cty TNHH May T&C vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.
Các doanh nghiệp trong CCN Cổ Lễ hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh. Năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN huyện Trực Ninh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, ước đạt 4.248 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 14,13% so với cùng kỳ. Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Trực Ninh chủ trương tiếp tục triển khai công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách khuyến khích đầu tư, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN Cổ Lễ theo hướng bền vững. Năm 2018, huyện Trực Ninh phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 4.758 tỷ đồng, tăng 12% trở lên so với năm 2017./.
Bài và ảnh: Thành Trung