Mì chính là gia vị được sử dụng phổ biến giúp cho món ăn thêm cảm giác ngon ngọt hơn. Chính vì mì chính được sử dụng rộng rãi và người sử dụng khó phân biệt thật giả nên nhiều đối tượng gian thương sản xuất mì chính giả để trục lợi, gây bất ổn thị trường, thiệt hại về kinh tế cho những nhà sản xuất chân chính và làm tổn hại sức khỏe, tiền bạc và niềm tin của người tiêu dùng.
I. Nhập nhèm chất lượng
Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng, trong năm 2017 lực lượng chống gian lận thương mại của tỉnh đã phát hiện hàng chục vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh mì chính, hạt nêm giả; trong đó đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, đóng gói mì chính giả các thương hiệu lớn ngay trên địa bàn tỉnh ta. Điều này cho thấy tình trạng vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng mì chính và nguyên liệu sản xuất mì chính có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng; đặc biệt là các vụ việc giả bao bì, nhãn mác, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu. Ngay trong tháng 1-2018, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở sản xuất của bà Mai Thị Hồng, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) có hành vi làm giả mì chính các nhãn hiệu nổi tiếng như Miwon, Ajinomoto. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 300 gói mì chính thành phẩm, giả các thương hiệu nêu trên với tổng trọng lượng lên tới hơn 400kg cùng hơn 2.000 chiếc bao bì giả nhãn mác. Bà Hồng đã khai nhận với lực lượng chức năng việc đặt in bao bì giống hệt bao bì các hãng mì chính có tên tuổi như Miwon, Ajinomoto, sau đó, mua mì chính giá rẻ từ Trung Quốc loại 25 kg/bao về chia nhỏ, đóng gói làm giả mì chính có thương hiệu đi tiêu thụ. Trước đó, cũng tại huyện Xuân Trường, lực lượng Công an và Quản lý thị trường đã phối hợp điều tra, bắt quả tang các gian thương đang trao đổi, mua bán mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon. Kiểm tra tại hiện trường, trên xe có gần 1 tấn mì chính giả để lẫn lộn với rất nhiều hàng hóa khác, mì chính được đóng gói vào bao bì ghi nhãn bên ngoài là đường trắng tinh luyện để qua mắt cơ quan kiểm soát. Lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên và xử lý theo quy định của pháp luật. Đáng lo ngại là tình trạng mì chính giả trà trộn đưa đến tay người tiêu dùng bằng mọi cách như chia nhỏ đổ mối bán lẻ ở hầu hết các quán hàng tạp hóa, khu vực nông thôn, biên giới biển; đủ chiêu quảng cáo tiếp thị rồi khuyến mại với giá rẻ và phân phối cho các hàng bán thức ăn sẵn, đồ ăn sáng… Tình trạng này xuất hiện ở tất cả 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ta, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì mì chính giả không được kiểm định chất lượng lại đóng gói thủ công nên không đảm bảo ATVSTP. Những tư thương hám lợi trong quá trình làm giả còn có thể trộn thêm muối, đường, phèn, hàn the để tăng trọng lượng thêm lợi nhuận thì hậu quả nguy hại khôn lường. Trong trường hợp ăn nhiều mì chình giả sẽ gây rối loạn hoạt động não dẫn đến suy thoái não; gan, thận phải làm việc nhiều để thải hồi độc tố. Trường hợp ăn quá nhiều mì chính giả gây ra các triệu chứng như nóng ran sau gáy, choáng váng, nhức đầu, khô cổ, nhiều đờm… thậm chí là các cơn hen có thể xuất hiện khoảng 12 giờ sau khi dùng mì chính.
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an huyện Xuân Trường thu giữ mì chính giả lưu thông trên địa bàn. |
II. Đường đi của mì chính giả
Trong vai chủ cửa hàng ăn cần mua nguyên liệu bột ngọt đến các chợ đầu mối tìm hỏi đều được người bán hàng giới thiệu các nhãn hàng bột ngọt khác nhau, loại nào cũng có 2 loại hàng “giá rẻ” và hàng Cty, muốn mua loại nguyên đai, nguyên kiện, bao lớn hay túi nhỏ đều có. Điều này chứng tỏ mì chính giả được bán công khai?! Hơn nữa qua khai nhận của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh mì chính giả bị phát hiện thời gian qua thì hầu hết mì chính nguyên liệu hay bao bì để đóng gói đều nhập từ Trung Quốc, đóng trong những bao tải 50kg. Sau khi nhập về, các đại lý thuê người chia nhỏ để đóng gói vào các loại túi theo trọng lượng 200g, 400g, 900g, 1kg, 2kg. Khách yêu cầu với bao bì nhãn mác của các thương hiệu lớn nào sẽ có thương hiệu đó, khi xuất buôn cho các đầu mối giá rẻ chỉ bằng một nửa giá mì chính xịn. Người tiêu dùng chỉ phân biệt được về cảm quan là phần mép hàn túi mì chính không phẳng mịn như sản phẩm của các Cty. Còn tất cả các chi tiết nội dung in trên bao bì đều gần giống hàng Cty đến mức rất khó phát hiện nếu không có chuyên môn. Thậm chí một thời gian dài, bao bì sản phẩm của chính các Cty bị tuồn ra ngoài, bán cho dân buôn hàng giả mua lại nên ngay cả việc dùng phần mềm soi mã vạch thì kết quả vẫn không phát hiện được vì “vỏ thật, ruột giả”.
Trước diễn biến phức tạp của việc buôn bán, làm giả các nhãn hiệu mì chính nổi tiếng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã yêu cầu các ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra mặt hàng này. Theo đó, sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, gia công, nhập khẩu, phân phối, các điểm bán lẻ và nguyên liệu sản xuất mì chính. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, việc thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ, công bố tiêu chuẩn, hợp quy sản phẩm, điều kiện VSATTP… Đặc biệt đối với các vi phạm về nhập lậu, giả mạo xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm… lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để, kể cả áp dụng các biện pháp mạnh như: tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đình chỉ, rút giấy đăng ký kinh doanh, chuyển truy tố các vụ việc cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên phối hợp, thông tin ngay cho lực lượng chức năng khi phát hiện dấu hiệu gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh mì chính. Đồng thời cần trang bị một số kỹ năng khi tiêu dùng sản phẩm này. Theo đó, nhìn vào gói mì chính giả sẽ thấy phần dập 4 mép của gói mì chính có sự khác biệt nhau. Cụ thể, mép trên của gói mì chính do được dập bằng máy thủ công nên phần dập vẫn có những nốt sần lấm tấm, sờ có cảm giác cứng, không mềm mại như ba mép dập còn lại. Trong khi đó, mì chính của Cty sản xuất, 4 mép dập đều như nhau, mềm, mịn, không có những nốt lấm tấm. Đối với mì chính đã tháo rời bao bì, cánh mì chính giả thường sắc, không vuông thành, mì chính thật cánh nhìn vuông góc./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương