Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá

09:01, 23/01/2018

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 tàu khai thác thủy hải sản. Cùng với sự phát triển của lực lượng tàu khai thác xa bờ, mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá cũng có những chuyển biến tích cực. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đội tàu khai thác công suất lớn, các dịch vụ hậu cần nghề cá như thu mua hải sản trên biển, dịch vụ sửa chữa, đóng tàu và thu mua, chế biến trên bờ từng bước được quan tâm đầu tư mạnh mẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác và yên tâm bám biển. Nhiều ngư dân trong tỉnh đã đầu tư đóng tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn để kịp thời cung cấp xăng dầu, thực phẩm và thu mua hải sản cho các tàu cá hoạt động dài ngày trên biển.

Ngư dân xã Hải Chính (Hải Hậu) chuẩn bị đá lạnh cho chuyến vươn khơi dài ngày.
Ngư dân xã Hải Chính (Hải Hậu) chuẩn bị đá lạnh cho chuyến vươn khơi dài ngày.

Khai thác hải sản xa bờ giúp ngư dân thu nhập cao hơn cải thiện đời sống kinh tế. Tuy nhiên, do không phải tàu nào cũng được trang bị đầy đủ các phương tiện cũng như thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn nên khi đánh bắt được thì các tàu khai thác phải quay ngay vào bờ để kịp thời tiêu thụ, chế biến cho đảm bảo chất lượng. Vì vậy, thời gian bám biển không được liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao. Một số chủ doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu để thu mua hải sản ngay trên biển. “Trước đây, khi chưa có các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, các loại hải sản mà chúng tôi đánh bắt khó bán được giá cao do không đảm bảo độ tươi ngon. Bây giờ có dịch vụ này, chúng tôi yên tâm bám biển lâu dài mà tôm cá vẫn đảm bảo chất lượng, hơn nữa chi phí cho một chuyến đi biển cũng giảm xuống”, ngư dân Phạm Văn Hiếu, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) chia sẻ. Bên cạnh việc thu mua hải sản ngay trên biển, nhiều tàu dịch vụ hậu cần còn cung cấp nhiên liệu, vật dụng nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ. Việc phát triển các đội tàu thu mua hải sản, dịch vụ hậu cần trên biển giúp các tàu kéo dài thời gian khai thác trên biển từ 15-25 ngày. Anh Trần Văn Sỹ, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã mạnh dạn đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để cung cấp nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ, thu mua hải sản và vận chuyển vào bờ, mỗi chuyến đi khoảng 4-5 ngày. Tàu của anh liên kết với các doanh nghiệp chế biến hải sản, toàn bộ sản phẩm đã có doanh nghiệp bao tiêu, không lo bị ép giá. Ngoài ra, các tàu dịch vụ hậu cần trên biển còn hỗ trợ lẫn nhau mỗi lúc gặp rủi ro, tạo chỗ dựa vững chắc trong quá trình đi biển. Anh Trần Văn Chiến, xã Hải Hòa (Hải Hậu) cho biết tàu của anh mỗi lần ra khơi, kho lạnh trên tàu lúc nào cũng dự trữ từ 10-20 tấn đá lạnh phục vụ bảo quản hải sản. Đây là nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi chuyến ra khơi để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện có cả tàu chở dầu ra tiếp cho tàu cá trên biển giúp ngư dân tiết kiệm được thời gian và chi phí. Thường thì mỗi chuyến biển sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày, có khi là 15 ngày. Có tàu chở dầu ra biển cung ứng tại chỗ tàu cá không phải đi về nhiều để tiếp nhiên liệu. Hiện toàn tỉnh có hơn 10 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Dịch vụ hậu cần nghề cá đã mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, góp phần phát triển đa dạng ngành nghề cho các địa phương vùng ven biển. Việc phát triển các đội tàu dịch vụ thu mua hải sản trên biển cũng như đội tàu cung cấp nhiên liệu phục vụ tàu khai thác xa bờ của ngư dân đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển được liên tục, giảm được nhiều chi phí trung gian; chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến và phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, giảm bớt các rủi ro.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở NN và PTNT tiếp tục khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cụm kho, cơ sở chế biến hải sản, sản xuất nước đá, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền… Để phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu thực tế, thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng. Tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa các tàu, nhóm tàu khai thác hải sản kết hợp với tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Tập trung triển khai xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã được phê duyệt đầu tư. Nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá nhằm đảm bảo đồng bộ và từng bước hiện đại hóa. Củng cố, phát triển các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, sản xuất ngư cụ, trang thiết bị khai thác trên tàu cá. Tổ chức quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, đảm bảo việc phát triển số lượng tàu cá theo đúng định hướng của tỉnh và của Bộ NN và PTNT; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển để người dân yên tâm vươn khơi bám biển./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com