Những ngày này về Nam Trực, khắp nơi trên cánh đồng sản xuất khoai tây vụ đông ở các xã, thị trấn: Nam Dương, Nam Giang, Nam Hùng, Nam Hoa… đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân. Với lợi thế vùng đồng màu và có truyền thống thâm canh tốt, từ nhiều năm nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại thu nhập cao cho nông dân Nam Trực. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vụ đông năm nay, huyện đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây khoai tây, giúp người nông dân duy trì, phát triển vụ đông bền vững, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.
Nông dân thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng chăm sóc cây khoai tây. |
Vụ đông năm 2017, huyện Nam Trực gieo trồng 1.300ha cây màu các loại, trong đó cây chủ lực là khoai tây chiếm tỷ trọng lớn với 750ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Nam Hùng, Nam Dương, Nam Hoa và Thị trấn Nam Giang; diện tích còn lại trồng ngô và các loại rau màu khác. Thuận lợi trong sản xuất cây vụ đông của huyện Nam Trực hiện nay là hệ thống các công trình thủy lợi sau dồn điền đổi thửa được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đồng ruộng được chỉnh trang, kiến thiết tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông, lựa chọn quy hoạch những chân ruộng vàn cao, tu sửa nâng cấp kênh cấp 3 tạo điều kiện thuận lợi tưới tiêu. Bước vào vụ đông năm nay, huyện Nam Trực đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở, ngoài việc chỉ đạo sản xuất còn tổng hợp, đánh giá tình hình thực tiễn để điều chỉnh quy hoạch, định hướng lâu dài, bền vững trong phát triển sản xuất cây vụ đông. Để nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao, Phòng NN và PTNT phối hợp với Hội Nông dân và các đoàn thể tổ chức tập huấn cho người dân, cùng với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo lịch thời vụ cho từng loại giống, hướng dẫn thời điểm tưới nước, bón phân, phun thuốc đúng kỹ thuật. Vụ khoai tây đông ở huyện Nam Trực thường bắt đầu từ cuối tháng 10 và kết thúc vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán. Với kinh nghiệm, trình độ thâm canh cao của nông dân, năng suất khoai tây của Nam Trực bình quân đạt 5-6 tạ/sào. Với giá bán từ 4.000-5.000 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 10 nghìn đồng thì cây khoai tây cho thu lãi 2-3,5 triệu đồng/sào. Từ năm 2014 trở lại đây, được sự quan tâm của Sở NN và PTNT, Sở KH và CN huyện Nam Trực đã chỉ đạo các hộ nông dân tích cực tiếp thu, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao như Solara, Marabel vào dần thay thế cho giống khoai tây Thường Tín, Trung Quốc, KT3 đã thâm canh nhiều năm năng suất thấp, chất lượng không cao, đặc biệt là dễ nhiễm các loại sâu bệnh như xoăn lá do vi-rút, héo xanh… Đến nay, trên địa bàn huyện, giống khoai Solara và một số giống tiến bộ khác đã chiếm 98% cơ cấu giống khoai tây. Đặc biệt, trong vụ đông năm nay, UBND huyện đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây khoai tây Marabel với Cty TNHH Hòa Hưng (Bắc Ninh) tại 3 xã: Nam Dương, Nam Hùng và Nam Hoa với quy mô 50ha. Huyện hỗ trợ 5.000 đồng/kg khoai tây giống cho bà con tham gia mô hình. Theo hợp đồng, Cty sẽ thu mua khoai tây cho bà con nông dân ngay tại ruộng theo giá thị trường tại thời điểm thu mua. Cty đã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây cho nông dân tham gia mô hình. Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực cho biết: Trong những năm vừa qua, hầu hết sản phẩm cây vụ đông nói chung, cây khoai tây nói riêng của huyện đều được tiêu thụ qua kênh thương lái, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông với bà con nên giá sản phẩm đều do thương lái quyết định dẫn đến đôi khi người nông dân còn bị ép giá. Nếu mô hình liên kết giữa Cty Hòa Hưng với các xã thành công, có hiệu quả, huyện sẽ tuyên truyền, vận động bà con tham gia mở rộng liên kết trong những vụ tiếp theo. Cũng trong vụ đông năm nay, Nam Trực tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống khoai tây Solara sạch bệnh” với quy mô 20ha tại xã Nam Hùng để sản xuất khoai giống. Phần còn lại là khoai tây thương phẩm, huyện liên kết với Cty TNHH Minh Dương (CCN An Xá - TP Nam Định), doanh nghiệp sản xuất, chế biến rau, củ sấy khô ăn liền tiêu thụ cho bà con nông dân. Theo đồng chí Vũ Văn Thắng, đây là các hợp đồng mở khi Cty ký cứng với các hộ nông dân, thu mua với giá 6.000 đồng/kg. Tại thời điểm thu mua, nếu giá thị trường thấp hơn, các Cty sẽ vẫn mua khoai tây với giá 6.000 đồng; nếu giá thị trường cao hơn sẽ mua theo giá thị trường. Phần chưa ký hợp đồng các Cty căn cứ vào năng lực và thị trường sẽ bao tiêu tối đa sản phẩm cho nông dân. Năm nay, gia đình anh Phạm Văn Thực, thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng trồng 5 sào khoai tây giống Solara theo mô hình liên kết với Cty TNHH Minh Dương. Anh Thực cho biết: Việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp giúp cho chúng tôi yên tâm sản xuất, không phải lo tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra ở nhiều vụ sản xuất trước.
Từ đầu vụ đến nay thời tiết tương đối thuận lợi cho cây khoai tây, vốn là cây ưa lạnh. Bên cạnh đó, Phòng NN và PTNT, Trạm BVTV huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc kịp thời nên cây khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt. Tình hình sâu bệnh hại như bệnh mốc sương, héo xanh cũng xuất hiện ít hơn; đây là yếu tố cấu thành năng suất cao. Hiện cây đang ở giai đoạn bắt đầu hình thành củ, dự kiến 20-30 ngày nữa bắt đầu cho thu hoạch. Việc hình thành mối liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây khoai tây ở Nam Trực bước đầu không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh