Năm 2017 là một năm có nhiều khó khăn với người nông dân nói chung và nông dân huyện Mỹ Lộc nói riêng. Với vai trò là “bà đỡ” cho hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân (HND) Mỹ Lộc đã tập trung xây dựng và hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo và làm giàu bền vững. Trong đó, HND các cấp đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho hội viên nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện trên địa bàn huyện đang có 31 mô hình trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại đạt chuẩn và hàng chục trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Các trang trại đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cúm gia cầm, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Toàn huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm gần 340 nghìn con. Diện tích nuôi thủy sản toàn huyện có trên 813ha với sản lượng bình quân đạt 3.310 tấn/năm, tăng 8,5% so với năm 2016. Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình mới, các cấp HND trong huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực vệ sinh chuồng trại, ao nuôi, chuẩn bị thả giống mới. Để hỗ trợ nông dân về vốn, HND huyện đã nhận ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 900 triệu đồng, tạo điều kiện cho 22 hội viên nông dân của các xã Mỹ Thắng, Mỹ Thịnh vay vốn phát triển sản xuất nghề may gia công; nhận ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 250 triệu đồng cho 5 hội viên của tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà, giúp hội viên có thêm vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, HND huyện cũng xây dựng và phát huy hiệu quả nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với 282 triệu đồng cho 11 hộ vay. HND huyện tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH thông qua hoạt động của 60 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ đạt 26 tỷ 458 triệu đồng cho 1.671 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT làm tốt công tác tín chấp vay vốn với dư nợ 157 tỷ 790 triệu đồng cho 1.451 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với hoạt động hỗ trợ về vốn, HND huyện đã phối hợp hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật thông qua việc tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho 340 hội viên nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; cử 30 hội viên tham gia lớp tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh. Tiếp tục duy trì mô hình liên kết trong sản xuất và bao tiêu lúa gạo với Cty CP lương thực miền Bắc tại xã Mỹ Hà; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai lang thương phẩm trên diện tích 2ha với Cty TNHH Sản xuất và thương mại Gia Bảo (Hà Nội). HND các cấp trong huyện cũng trực tiếp vận động hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Trong năm 2017, toàn huyện đã thành lập 4 tổ hợp tác, thu hút hàng trăm hội viên nông dân tham gia như: tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà; tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản La Chợ, La Đồng thuộc HND xã Mỹ Tiến; tổ hợp tác sản xuất và may mặc xã Mỹ Thắng. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên đã hỗ trợ, cùng nhau sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến thăm mô hình trang trại nuôi cá trắm đen của anh Trần Văn Quyên, thôn Đồng Lướt, xã Mỹ Hà, chúng tôi được biết đây là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiện nay anh đã là chủ một khu trang trại rộng lớn và được nhiều người biết đến. Chia sẻ với chúng tôi, anh Quyên cho biết, đầu năm 2003, khi UBND xã có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, anh Quyên đã bàn bạc với gia đình đấu thầu hơn 2ha đất để xây dựng mô hình kinh tế mới. Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất nên gia đình anh gặp không ít khó khăn. Anh bắt đầu tham gia vào tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản do HND xã thành lập để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm. Anh cũng thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tích cực thăm quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình trang trại có hiệu quả. Đến nay, anh đã xây dựng được 8 ao nuôi loại cá có hiệu quả kinh tế cao là trắm đen. Tất cả các ao đều được kè bê tông để bảo vệ bờ, chống thất thoát nước. Ngoài ra, anh còn duy trì nuôi thường xuyên 30-40 con lợn/lứa, kết hợp trồng cây cảnh và một số loại cây ăn quả… Hiện nay, từ mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng. Hay mô hình trồng cam đường canh, bưởi diễn của hộ ông Trần Văn Ấp, ở xã Mỹ Tiến. Với diện tích hơn 5.000m2, ông quy hoạch trồng hơn 500 gốc bưởi diễn và hơn 1.000 gốc cam đường mang lại hiệu quả thu nhập cao. Ông cho biết, sau gần 3 năm chăm sóc và theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cam đường phát triển mạnh, đồng đều, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây... Đến nay, vườn cam đường, bưởi diễn của gia đình ông đã cho thu hoạch, chất lượng quả tốt và hứa hẹn một vụ đạt năng suất cao. Tuy nhiên, để cây cam đường canh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao thì trồng và chăm sóc không phải dễ khi chọn cây giống phải khoẻ, mập không mang mầm bệnh, có bộ rễ khoẻ; thời vụ nên trồng vào đầu tháng 2 hoặc cuối mùa mưa là tháng 9 là thích hợp nhất; chú trọng công tác tạo cành, tỉa tán để cây phát triển cân đối; về phân bón nên dùng phân bón có nguồn gốc hữu cơ kết hợp với đậu tương xay nhỏ để bón cho cây, đồng thời nên sớm phát hiện các loại sâu bệnh thường gặp như sâu vẽ bùa, rệp cam, sâu đục cành, ruồi đục quả, nhện đỏ… để diệt trừ sớm. Bên cạnh đó trên địa bàn huyện còn có nhiều mô hình điển hình tiên tiến như mô hình nuôi cá trắm đen của ông Trần Công Trọng, Trần Văn Minh xã Mỹ Hà; mô hình vườn, ao, chuồng của ông Trần Văn Chiến xã Mỹ Tiến; mô hình nuôi cá lồng của ông Chu Văn Bảo, anh Phan Hồng Sơn ở xã Mỹ Tân…
Mục tiêu trong những năm tới, HND huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình tổ hợp tác, mô hình sản xuất mới phát triển bền vững, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, làng nghề; hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, góp phần xây dựng NTM./.
Thanh Tuấn