Bằng những biện pháp phù hợp cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động, tích cực của Chi cục Thuế huyện, đến nay huyện Mỹ Lộc đã từng bước đưa công tác quản lý và thu thuế hộ cá thể kinh doanh trên địa bàn đi vào nền nếp, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương.
Các hộ gia đình sản xuất ở làng Sắc, xã Mỹ Thắng đều chấp hành thực hiện |
Thực tế hiện nay, việc thu thuế các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể tại các làng nghề ở tỉnh ta vẫn gặp không ít khó khăn bởi các chủ hộ chưa tự giác thực hiện việc đăng ký, kê khai thuế theo quy định; công tác xác định số hộ và mức thuế phải nộp của mỗi hộ còn nhiều hạn chế… Trước thực tế trên, để từng bước đưa công tác quản lý và thu thuế hộ cá thể kinh doanh trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, từ tháng 6-2016 Chi cục Thuế huyện Mỹ Lộc đã xây dựng kế hoạch lập bộ thuế khoán hộ kinh doanh tại làng nghề xã Mỹ Thắng để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Mục đích của kế hoạch là đưa 100% số hộ kinh doanh trên địa bàn xã vào quản lý thuế; tiến hành lập được bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh và thu róc số lệ phí môn bài hằng năm. Việc triển khai kế hoạch này phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ dân. Khi xác định, ấn định được doanh thu tính thuế của các hộ kinh doanh trên địa bàn phải gửi danh sách công khai về doanh thu, mức thuế, doanh thu không phải nộp thuế, thông báo tới từng hộ kinh doanh. Để thực hiện thành công kế hoạch này, Chi cục Thuế huyện Mỹ Lộc đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách thuế, đăng ký, kê khai thuế, ấn định thuế, xử lý vi phạm về thuế và các bước thực hiện kế hoạch đến người dân. Tổ chức tập huấn chính sách thuế đối với hộ kinh doanh cho toàn thể cán bộ, công chức xã; các thành viên Hội đồng tư vấn thuế xã và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ bí thư, phó bí thư chi bộ và trưởng, phó các thôn trong toàn xã. Cùng với đó, Chi cục Thuế huyện phân công cán bộ phát tờ khai đăng ký thuế và tờ khai thuế khoán cho các hộ kê khai theo danh sách bộ thuế môn bài yêu cầu các hộ ký nhận tờ khai. Đối với những hộ phát sinh ghi thêm ngoài danh sách, hộ bỏ kinh doanh, cán bộ thôn phải ghi chú rõ ràng. Thôn, xóm thu tờ khai sau 3 ngày phát, đối với hộ đã kê khai, thôn đề nghị hộ ký nhận. Trên cơ sở sổ bộ phí môn bài, sổ theo dõi thu nộp và căn cứ vào tình hình thực tế kinh doanh của các hộ cùng mặt hàng, ngành nghề, quy mô kinh doanh, UBND và Hội đồng tư vấn thuế xã cùng Chi cục Thuế huyện mời lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội của xã cùng đại diện hộ kinh doanh phân loại từng hộ tại trụ sở UBND xã. Chi cục Thuế huyện sẽ tiến hành cấp mã số thuế cho từng hộ, đồng thời lập danh sách hộ đã kê khai doanh thu, mức thuế theo mẫu quy định. Riêng đối với hộ không kê khai sẽ lấy doanh thu cao nhất của hộ kê khai có cùng quy mô, ngành nghề, mặt hàng tại địa bàn xã hoặc địa bàn huyện để ấn định mức thuế theo quy định tại các Điều 33, Điều 35 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đối với những trường hợp kê khai không sát thực tế và không có hộ kinh doanh cùng ngành nghề, Chi cục Thuế huyện và UBND xã thành lập đoàn đi khảo sát điểm theo quy mô, ngành nghề mặt hàng cùng loại và số liệu tiêu thụ điện năng của Điện lực huyện Mỹ Lộc làm cơ sở ấn định thuế cho các hộ có cùng quy mô, ngành nghề, mặt hàng kinh doanh theo quy định. Riêng đối với những hộ kinh doanh vận tải không kê khai sẽ ấn định doanh thu tối thiểu theo quy định tại Công văn số 3606/CT-THNVDT ngày 13-12-2013 của Cục Thuế tỉnh Nam Định ban hành mức doanh thu tối thiểu tính thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ… Trên cơ sở phân loại hộ kinh doanh, số liệu kê khai của các hộ, kết quả khảo sát của Chi cục Thuế huyện, UBND và Hội đồng tư vấn xã Mỹ Thắng họp xây dựng dự kiến doanh thu, mức thuế của từng hộ kinh doanh trên địa bàn. Sau đó tiến hành công khai doanh thu, mức thuế của từng hộ lần 1 bằng 2 hình thức là gửi trực tiếp đến từng hộ và niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa” của Chi cục Thuế, UBND huyện, xã, nhà văn hóa các thôn, xóm, ban quản lý chợ… Căn cứ vào kết quả công khai lần 1, ý kiến phản hồi của các hộ kinh doanh, UBND xã, Hội đồng tư vấn thuế xã và Chi cục Thuế huyện tham vấn đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể và các hộ trong diện; sau đó Chi cục Thuế chỉnh sửa và duyệt bộ thuế chính thức, đồng thời tiếp tục tổ chức công khai lần 2 theo 3 hình thức là gửi trực tiếp tới hộ kinh doanh, niêm yết công khai và công bố trên website của ngành Thuế…
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, đến giữa năm 2017, Chi cục Thuế huyện Mỹ Lộc đã cơ bản lập sổ bộ và đưa vào quản lý thu thuế đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện, nhất là ở xã Mỹ Thắng. Theo đó, tổng số hộ kinh doanh thuộc diện quản lý thuế trên địa bàn huyện là 1.319 hộ, trong đó có 805 hộ khoán ổn định, tăng 348% so với năm 2016, hộ thu nhập thấp là 514 hộ. Số lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đều đã được lập sổ bộ và triển khai thu một cách hiệu quả. Số thuế bình quân mỗi hộ là gần 247 nghìn đồng/tháng, mức cao nhất là 3 triệu 700 nghìn đồng/hộ/tháng và thấp nhất là 162 nghìn đồng/hộ/tháng. Hết năm 2017, tổng số tiền thuế thu được từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện đạt 2 tỷ 391 triệu đồng, tăng 964 triệu đồng so với năm 2016 và là mức thu cao nhất từ trước tới nay. Đồng chí Trần Phi Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Mỹ Lộc cho biết: Để có được kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo ngành Thuế, sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ Chi cục thì sự “vào cuộc quyết liệt” của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp là yếu tố quyết định. Thường trực Huyện ủy đã xác định và quán triệt, giao nhiệm vụ thu thuế nói chung, thu thuế hộ cá thể kinh doanh nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của từng xã, thị trấn để huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị của địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở thôn, xóm.
Có thể khẳng định, với cách làm chủ động, sáng tạo và khoa học, Chi cục Thuế huyện Mỹ Lộc là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đưa công tác quản lý thuế hộ kinh doanh cá thể vào nền nếp, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước./.
Bài và ảnh: Văn Đại