Giữa tháng 12 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công nhận cá nhân và tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam 2017 (CMA 2017). Đây là một hoạt động thường niên do Trung tâm tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức. Sự kiện nhằm công nhận các khách hàng và tổ chức tài chính vi mô đã có những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành tài chính vi mô Việt Nam, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Tại lễ công nhận, chị Nguyễn Thị Huệ, thành viên TYM chi nhánh Hải Hậu là một trong hai cá nhân được vinh danh doanh nhân vi mô tiêu biểu được lựa chọn trong số 30 khách hàng tài chính vi mô tiêu biểu của CMA 2017 trên cả nước với mô hình trồng nấm sạch các loại.
Chị Nguyễn Thị Huệ kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của nấm. Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Chúng tôi về thôn Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) tìm gặp chị Nguyễn Thị Huệ để được tận mắt chứng kiến sự nỗ lực vươn lên của một hội viên phụ nữ nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức TYM. Ngắm cơ ngơi khang trang của vợ chồng chị hôm nay, mấy ai biết được chị đã từng trải qua những năm tháng thật khó khăn. Năm 2001, chị Huệ lập gia đình và sống cùng bố mẹ chồng. Lúc đó, gia đình anh chị thuộc diện hộ cận nghèo của xã với nghề làm muối truyền thống của địa phương. Công việc của người diêm dân rất vất vả nhưng thu nhập thì không được là bao do giá thành của muối thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do đó, ngoài làm muối, vợ chồng chị phải xoay xở nhiều công việc khác như làm thuê, làm tôm cá khô các loại để có thêm thu nhập. Với sức trẻ, sự năng động, vợ chồng chị mong muốn thay đổi cuộc sống của mình, cuối cùng anh chị quyết định chọn trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2012, chị tham gia TYM và trở thành thành viên của Tổ chức tài chính vi mô tình thương chi nhánh Hải Hậu. Bằng vốn vay từ TYM cộng với nguồn vốn tự có sau nhiều năm tích cóp của cả hai vợ chồng, anh chị đã bắt tay vào phát triển nghề trồng nấm. Tuy nhiên để bắt đầu một mô hình mà ở địa phương còn khá mới mẻ, vợ chồng chị phải dành rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu quy trình trồng nấm. Vợ chồng chị đã kiên trì học hỏi từng bước, học đến đâu làm đến đó và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Để chăm sóc nấm cần có kỹ thuật và quy trình nghiêm ngặt. Ban đầu do chỉ tìm hiểu qua sách báo và những thông tin trên mạng nên việc sản xuất cho thu hoạch thấp, lượng nấm ra không đều. Điều đó đã làm cho gia đình chị Huệ lo lắng, hoang mang vì vốn đầu tư khá nhiều. Gia đình chị đã phải mời chuyên gia từ Viện Sinh học Hà Nội có kinh nghiệm đến tư vấn trực tiếp và được tư vấn cặn kẽ từng bước như: cách xử lý nguyên liệu, cây giống, ươm giống và rạch bịch, cách thức chăm sóc và thu hoạch, giữ độ ẩm thích hợp, điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô. Quá trình tư vấn thực tế tại chỗ, bản thân chị cùng chồng luôn chú ý lắng nghe, ghi chép và quan sát chuyên gia tư vấn làm. Từ đó, các vụ kế tiếp, gia đình chị đã có kiến thức đầy đủ nên kết quả nấm ra đều và cho năng suất cao. Các loại nấm do gia đình chị Huệ sản xuất được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm định và cấp phép sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trải qua biết bao khó khăn vất vả, đến nay, những nỗ lực của gia đình chị Huệ đã được đền đáp xứng đáng. Từ mô hình trồng nấm, vợ chồng chị đã có nguồn thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí là 200 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương. Nhờ đó, gia đình chị đã thoát nghèo chỉ sau 1 năm chuyển đổi nghề nghiệp. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Huệ luôn nói về việc tham gia tổ chức TYM như một cơ duyên, một sự may mắn làm thay đổi cuộc sống của mình. Chị Huệ cho biết: Khi bắt tay vào làm nghề trồng nấm, vốn đầu tư là vấn đề khó khăn nhất. Để giải quyết vấn đề thiếu vốn, vợ chồng tôi đã chọn vay vốn ở TYM do cách hoàn trả phù hợp, không phải thế chấp tài sản. TYM đã cho chúng tôi vay ban đầu là 7 triệu đồng, rồi đến 15 triệu đồng và đến nay là 30 triệu đồng. Sau này, khi phát triển hơn thì tôi cũng chỉ vay ở TYM để đầu tư sản xuất... Việc tham gia TYM không chỉ giúp cho gia đình chị có nguồn vốn đầu tư ban đầu, các nguồn vốn đầu tư tiếp sau mà còn tạo điều kiện cho chị tham gia vào các hoạt động cộng đồng do TYM tổ chức, từ đó mang lại cho chị sự năng động, hoạt bát, tự tin góp phần xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc. Từng trải qua những tháng ngày gian khó nên hiện nay, khi một số chị em đến tìm hiểu mô hình và kỹ thuật trồng nấm, chị Huệ luôn sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ. Từ kỹ thuật, nguyên liệu đầu vào, nơi tiêu thụ tới kinh nghiệm dựng cây treo, trộn mùn…, chị đều chia sẻ để chị em có cơ hội phát triển kinh tế gia đình.
Chia tay vợ chồng chị Huệ trong ngày đầu của năm mới 2018 vừa đến với bao ước mơ, khát vọng, chúng tôi tin rằng, dự định tương lai của anh chị sẽ thành hiện thực và đạt nhiều kết quả. Đó là mong muốn cơ sở trồng nấm ngày càng phát triển để tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động đang còn nhàn rỗi tại địa phương, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng NTM bền vững./.
Lam Hồng