Đối với nông nghiệp tỉnh ta, vụ xuân được coi là vụ sản xuất chính trong năm bởi có nhiều thời gian để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Hiện ngành NN và PTNT, các địa phương và nông dân trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ xuân năm 2018 nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo cơ sở để mở rộng sản xuất hàng hoá chất lượng cao.
Nông dân mua lúa giống chuẩn bị cho vụ xuân tại một cửa hàng kinh doanh giống cây trồng ở xã Lộc An (TP Nam Định). |
Theo các nhà chuyên môn dự báo, sản xuất vụ xuân 2018 sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là giai đoạn đầu vụ. Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ xuân 2018 khả năng là vụ xuân rét, nhiệt độ trung bình toàn mùa xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm; những đợt rét đậm, rét hại kéo dài có khả năng tập trung vào cuối tháng 1 đầu tháng 2, đúng vào thời kỳ cao điểm gieo cấy lúa xuân. Mực nước các sông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng mặn sẽ xâm nhập sâu. Một số đối tượng sâu, bệnh, dịch hại có nguy cơ bùng phát trên cây trồng, nhất là bệnh lùn sọc đen. Hệ thống thủy lợi do đã xây dựng từ lâu và tình trạng xâm phạm công trình chưa được khắc phục nên năng lực tưới tiêu của một số công trình thủy lợi còn hạn chế… Từ những thuận lợi và khó khăn của sản xuất vụ xuân 2018, ngành NN và PTNT đã sớm phối hợp với các địa phương để bàn giải pháp, trong đó tập trung xây dựng cơ cấu giống, thời vụ và các biện pháp, kỹ thuật thâm canh lúa xuân. Trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc khẩn trương cày ải, cày lật đất để diệt lúa chét, cỏ dại nhằm hạn chế nguồn lưu trú của rầy lưng trắng… Đến nay, toàn tỉnh đã cày được 60.826ha, đạt 82% tổng diện tích gieo cấy; các huyện có tỷ lệ cày lật đất cao như: Nghĩa Hưng 100%, Xuân Trường 95%, Hải Hậu 86%... Một số diện tích không thể cày ải trước ngày 31-12-2017 là những diện tích chân ruộng trũng, úng chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa kéo dài trong tháng 10-2017 và những diện tích sản xuất theo phương thức lúa - cá (tập trung tại các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng) đã được bà con nông dân chủ động khoanh vùng, lấy nước sớm làm dầm. Cùng với làm đất, các địa phương đang chỉ đạo nông dân tập trung vệ sinh, chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo mặt bằng và đắp bờ vùng, bờ thửa, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đồng thời ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Để đảm bảo đủ nước cho vụ xuân, các địa phương và các Cty KTCTTL đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình; tu sửa, bảo dưỡng, bổ sung thiết bị máy móc… Đồng thời tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa để chủ động lấy nước sớm, khai thác hiệu quả 3 đợt xả nước hồ thủy điện. Hiện tất cả các công trình thủy lợi nội đồng, máy móc, thiết bị cấp thiết đã hoàn tất tu sửa, nâng cấp và sẵn sàng vận hành hết công suất phục vụ tốt cho công tác tưới, tiêu vụ xuân.
Theo kế hoạch, vụ xuân 2018, toàn tỉnh gieo cấy trên 74.450ha lúa, phấn đấu đạt năng suất lúa bình quân từ 68,0 tạ/ha trở lên. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong vụ xuân này là chủ động, linh hoạt các phương án sản xuất trong mọi điều kiện diễn biến thời tiết, thủy văn; chủ động phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu hại, dịch bệnh nguy hiểm. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng chất lượng, hiệu quả; tập trung sử dụng các giống ngắn ngày, chất lượng cao, chống chịu khá với sâu bệnh và diễn biến bất thuận của thời tiết. Những nơi đã nhiễm bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2017 cần hạn chế gieo cấy các giống nhiễm rầy; những nơi nhiễm chua, mặn cần tăng cường sử dụng giống lúa lai chất lượng. Bố trí hợp lý cơ cấu lúa lai và lúa thuần để vừa đảm bảo được năng suất, sản lượng cao, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, đồng thời phải gắn sản xuất vụ xuân với vụ mùa và vụ đông. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển dịch mạnh, linh hoạt cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với thị trường và hiệu quả kinh tế. Phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và các mô hình sản xuất “cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị”. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; từng bước xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn. Sở NN và PTNT đã xây dựng cơ cấu giống lúa lai, lúa thuần cụ thể đảm bảo bộ giống thích ứng, phù hợp với từng vùng, miền. Cơ cấu giống lúa cụ thể của các huyện phía nam tỉnh là: lúa lai chiếm 20% diện tích, lúa thuần chiếm 80% diện tích. Các xã ven biển tập trung cấy lúa lai với các giống chịu mặn và chất lượng cao. Cơ cấu giống lúa của các huyện phía bắc tỉnh là: lúa lai chiếm 10-12% diện tích, lúa thuần chiếm 88-90% diện tích. Lúa lai tập trung vào các giống: Nhị ưu 838, CT 16, TX111,… Lúa thuần tập trung vào các giống: BT7, Nếp 97, DQ 11, TBR 225, Hương Biển 3, Thiên ưu 8… Mỗi huyện, thành phố lựa chọn sử dụng 2-3 giống lúa lai và 3-4 giống lúa thuần; mỗi xã, thị trấn lựa chọn sử dụng 1-2 giống lúa lai và 1-2 giống lúa thuần trong cơ cấu giống của địa phương. Sở NN và PTNT khuyến cáo các hộ nông dân và các địa phương cần cân nhắc thận trọng khi đưa giống BC 15 vào cơ cấu vụ xuân 2018 do đây là giống lúa dài ngày, nhiễm nặng bệnh đạo ôn và rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp trong quá trình phân hóa, phát triển đòng. Do vậy, nếu gieo cấy giống này phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn về thời vụ, quy trình thâm canh và phòng trừ sâu bệnh của đơn vị sản xuất giống. Đồng chí Hoàng Đức Hân, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: “Do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên các Cty giống không thu mua được nhiều lượng giống trong vụ mùa 2017 để phục vụ cho vụ xuân 2018 vì vậy dễ xảy ra tình trạng khan hiếm giống. Để có giống tốt đảm bảo gieo cấy trong vụ xuân, đề nghị nông dân cần chủ động liên hệ các đại lý, cửa hàng, HTX để mua giống sớm. Bà con nông dân không nên sử dụng các giống lúa được sản xuất trong vụ mùa 2017, giống có cấp chất lượng thấp và tuyệt đối không sử dụng thóc thịt để làm giống nhằm hạn chế bệnh lùn sọc đen”. Chủ động khắc phục khó khăn này, vừa qua, Sở NN và PTNT đã tổ chức buổi hội thảo mời các Cty cung ứng giống lớn về làm việc. Tại buổi hội thảo, các Cty cho biết đều có lượng giống dự trữ để đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 3.000 tấn lúa (trong đó: lúa thuần 2.300 tấn, lúa lai 700 tấn) của tỉnh. Hiện các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Cty CP Giống cây trồng Nam Định, Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình, Cty CP Giống cây trồng Trung ương... đã cung ứng 1.200 tấn lúa thuần và 300 tấn lúa lai nằm trong cơ cấu giống lúa của tỉnh. Thời điểm này, các HTX, các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật tư phân bón trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đủ các loại phân bón cần thiết như: Urê, NPK, lân, kali, DAP… với giá bán ổn định cho nông dân. Nhằm giúp nông dân tìm được giống lúa triển vọng, thích nghi với vùng canh tác tại các địa phương và khả năng chống chịu sâu bệnh, vụ xuân 2018, Sở NN và PTNT tiếp tục mở rộng diện tích trình diễn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: LT 2 kháng bạc lá, TBR 279, Hương Biển 5, Dự Hương, Nhiệt đới 15, Sut 89… Trong liên kết sản xuất, Cty TNHH Toản Xuân đã phối hợp với các địa phương, dự kiến thực hiện liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 500ha, tập trung ở các hộ có diện tích sản xuất trên 5ha.
Nỗi lo lớn nhất hiện nay là bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát thành dịch, gây hại nghiêm trọng trong vụ xuân 2018. Do vậy, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen các cấp. Trước mắt, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa cho người sản xuất. Chỉ đạo nông dân thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư thực vật, nhất là lúa chét và cây ngô đông để phòng ngừa bệnh lùn sọc đen. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện rầy lưng trắng phải sử dụng các loại thuốc phun phòng trừ theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh