Cam Đường Canh "ngọt" vùng chiêm trũng Yên Hưng

04:01, 19/01/2018

Mạnh dạn dồn đổi, nhận thầu, dày công cải tạo, anh Nguyễn Phúc Lộc (sinh năm 1972) tại xóm 5, xã Yên Hưng (Ý Yên) đã biến vùng ruộng sâu trũng mỗi năm chỉ canh tác hai vụ lúa kém hiệu quả thành vườn cam trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Phúc Lộc ở xóm 5, xã Yên Hưng chăm sóc vườn cam Đường Canh, chuẩn bị phục vụ Tết Mậu Tuất.
Anh Nguyễn Phúc Lộc ở xóm 5, xã Yên Hưng chăm sóc vườn cam Đường Canh, chuẩn bị phục vụ Tết Mậu Tuất.

Trên vườn cam Đường Canh đang vụ thu hoạch, anh Lộc vừa bận rộn thu hái vừa chia sẻ về giai đoạn đầu đầy khó khăn trong hành trình bắt vùng đất trũng phải nhả “vàng” của mình. Toàn bộ vùng ruộng chuyển đổi của Yên Hưng nằm gần đê sông Đáy, với đặc điểm địa hình nửa trũng, nửa vàn cao, vừa khó dẫn nước lại thường xuyên chịu cảnh ngập úng mỗi khi mưa lớn nên người dân không mặn mà canh tác. Xuất phát từ lý lo trên, khi xây dựng quy hoạch và được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, xã đã khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi sản xuất từ canh tác lúa sang phát triển mô hình kinh tế trang trại vườn - ao - chuồng và nuôi trồng thủy sản. Nhà anh Lộc cũng có đất nông nghiệp ở vùng này nên quyết định nhận đấu thầu để mở rộng diện tích canh tác. Để có được mảnh vườn như hiện nay, năm 2010, anh đã đổi ruộng với các hộ trong xóm và anh em trong gia đình tích tụ ruộng đất dồn về một mảnh. Có đất rộng như ý, hai vợ chồng anh dồn hết vốn liếng, công sức đào ao, quật đất, quai bờ với vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng. Mới đầu anh đào ao, thả cá và trồng rau màu nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải chi phí, hiệu quả chưa cao. Giữa năm 2013, trong một lần lên thăm họ hàng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội), anh nhận thấy cây cam Đường Canh có hiệu quả thu nhập khá. Sau đó anh đã dày công tìm hiểu, trực tiếp đi tham quan các mô hình sản xuất thành công, ăn chực nằm chờ cả tháng để tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất, đầu vào, đầu ra tại những “thủ phủ” có tiếng về trồng cây cam Đường Canh trên cả nước như Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang. Cuối cùng, xác định được khả năng thích ứng khi canh tác giống cam Đường Canh của đồng đất địa phương anh quyết định mua hơn 1.000 cây cam giống về trồng. Theo anh Lộc, cam Đường Canh là một giống quýt nhưng từ lâu nhân dân ta vẫn quen gọi là cam, được trồng ở hầu khắp các địa phương trong nước, nhờ đặc tính sinh trưởng khoẻ, chống chịu tốt với sâu bệnh, năng suất cao khi chín có màu đỏ gấc hoặc màu vàng tùy theo giống, đa số cho thu hoạch vào dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán đúng thời điểm nhu cầu tiêu dùng trái cây của người dân tăng cao. Nhờ đã nắm khá vững kỹ thuật nên anh áp dụng thành thục trong chăm sóc vườn cam Đường Canh của gia đình; ban đầu chỉ khoảng vài chục cây giống bị hỏng, còn lại đều phát triển tốt. Anh Lộc chia sẻ: “Cây cam giống ban đầu mang về chỉ tầm 20cm, để cây cho thu hoạch trái vụ đầu mất thời gian chăm sóc khoảng 3-4 năm. Năng suất vụ đầu thường chưa cao nhưng theo từng năm, sản lượng cam tăng dần nếu cây được chăm sóc tốt, phát triển đầy đủ về cành lá”. Hằng năm, vợ chồng anh phải xới quanh gốc, moi để lộ rễ rồi bón thuốc kích thích rễ cây phát triển. Để đảm bảo độ sinh trưởng của cây, anh tập trung bón phân NPK kết hợp phân chuồng hoai mục. Thông thường đến tháng 11 âm lịch, gia đình anh đã phải cắt bỏ bớt quả xanh, ủ phân quanh gốc cây, đến tháng 2 âm lịch, cây trổ hoa rồi ươm cây đến cuối năm tiếp theo. Sau 4 năm từ cây giống đến lúc thu hoạch quả, người trồng lại phải thao tác tiện tròn quanh thân cây một lần, chia làm 4 đợt mỗi đợt cách nhau 20 ngày. Nước tưới trong mùa lạnh phải ấm vừa phải. Khi cây ra lá mầm non, thường bị sâu cuốn lá gây hại phải chú ý theo dõi, phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, cây cam đường canh thường gặp các loại sâu vào dịp tháng 3 và tháng 8 âm lịch, chủ yếu là bị sâu tò vò vẽ bùa ở lá, đây là bệnh dễ làm xoăn lá nên phải chủ động phun thuốc trừ sâu… Đợt giữa tháng 10-2017 dù gặp thiên tai, mưa lụt nhưng do anh đã chủ động đầu tư hệ thống kênh rãnh và bơm tiêu úng tốt nên vườn cây cam đường canh của anh vẫn cho thu hoạch năng suất, chất lượng cao.

Chăm cây đến ngày hái quả, từ đầu tháng 12-2017 đến nay, trang trại của gia đình anh Lộc chính thức thu hoạch lứa quả đầu tiên. Anh Lộc hồ hởi khoe với chúng tôi: “Đến nay, chúng tôi đã xuất bán được hơn 2 tấn quả với giá trung bình từ 25-37 nghìn đồng/kg. Mỗi cây, gia đình chúng tôi thu được từ 14 đến 15kg quả. Từ giờ đến Tết, giá cam sẽ còn tiếp tục tăng, vụ này gia đình chúng tôi thu khá rồi”. Bên cạnh đó, 2 vợ chồng cũng chọn lọc những cây cam Đường Canh có dáng thế đẹp, tạo hình cây cảnh bán cho những gia đình muốn chơi Tết bằng những giống cây khác lạ ngoài đào, quất truyền thống. Mỗi chậu cây cam đường canh được chăm sóc tốt có thể chơi được từ 50-60 ngày. Không chỉ “độc canh” cây cam, anh còn đào ao nuôi cá nước ngọt. Với diện tích hơn 4 sào ao nuôi cá, mỗi năm anh thu hoạch 3-4 tấn cá truyền thống. Từ thành công của mô hình cam đường canh kết hợp nuôi cá, năm 2018, anh Lộc mong muốn nhận thầu thêm đất ở vùng chuyển đổi của xã để đào ao, vượt bờ mở rộng quy mô trồng cam canh, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác và nuôi thủy sản nước ngọt; đăng ký với cơ quan chức năng hỗ trợ thẩm định công nhận quy trình sản xuất nông sản sạch đảm bảo cho việc sản xuất lâu dài.

Không ngại khó khăn, quyết biến “tấc đất” thành “tấc vàng”, đánh thức cả một vùng chiêm trũng Yên Hưng còn đang “ngủ yên”, gia đình anh Nguyễn Phúc Lộc là tấm gương tiêu biểu vượt khó, tìm tòi sáng tạo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Thành quả này mở ra triển vọng về những hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại vùng ruộng trũng, góp phần giải quyết được hai tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM của xã Yên Hưng là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa canh và tăng thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com