Thời gian gần đây, xu hướng ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng phổ biến và đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Chất lượng sản phẩm chăn nuôi được nâng lên rõ rệt, chi phí chăn nuôi giảm đáng kể do hạn chế phải sử dụng thuốc chữa bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy hải sản; từng bước khắc phục được nạn lạm dụng hóa chất tăng trọng, tạo nạc, thuốc kháng sinh gây tỷ lệ tồn dư hóa chất trong sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khiến cho sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kiểm tra thức ăn cho bò được ủ lên men từ dược liệu và chế phẩm EM tại trang trại chăn nuôi bò xã Yên Cường (Ý Yên). |
Trong chăn nuôi, thức ăn và thuốc trị bệnh là hai yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Để tránh lệ thuộc quá sâu vào thức ăn công nghiệp mà người chăn nuôi không kiểm soát được chất lượng, giá cả, với phí thường cao và đặc biệt là muốn có sản phẩm đảm bảo các tiêu chí ATVSTP, trên địa bàn tỉnh ta, nhiều cơ sở chăn nuôi đã thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học chế biến thức ăn chăn nuôi từ thảo dược. Theo đó thay vì sử dụng cám công nghiệp chế biến sẵn như trước đây, người chăn nuôi đã mua nguyên liệu cơ bản (cám gạo, cám ngô, khô đậu tương, khô cá, yến mạch…) và các loại dược liệu (kim ngân hoa, hoa hồi, ý dĩ, thổ phục linh, hồi, quế…) về tự phối trộn và bổ sung thêm chế phẩm sinh học, ngâm ủ theo tỷ lệ riêng của mỗi hộ chăn nuôi và đối tượng nuôi cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với chăn nuôi lợn, ngoài phần nguyên liệu cơ bản là cám gạo, cám ngô, khô đậu tương, người chăn nuôi sẽ cho lợn ăn bổ sung cám có thành phần thảo dược gồm các loại dược liệu: đương quy, kim ngân hoa, sử quân tử, tục đoạn, ý dĩ, thần khúc, quế, hồi… Các loại thảo dược này có tác dụng giúp lợn phòng chống được hầu hết các bệnh thông thường, đào thải các kim loại nặng và chất kháng sinh tồn dư trong cơ thể, đồng thời giúp cho sản phẩm thịt lợn có màu đỏ đậm tự nhiên, mùi thơm đặc trưng; khi chế biến thịt lợn không ra nước... Đối với gà, dược liệu thường được bổ sung vào thức ăn là chè xanh, tỏi, gừng, nghệ, bồ kết và lá thị… tùy vào cách chế biến của các hộ chăn nuôi. Trong đó, chè xanh được đun thành nước cho gà uống; tỏi giã nhỏ, lấy nước cốt nhỏ vào miệng gà; gừng, nghệ bổ sung vào thức ăn, còn bồ kết đốt xông chuồng và lá thị trải nền chuồng. Tùy từng thời điểm và từng biểu hiện bệnh tật mà người chăn nuôi sử dụng thảo dược cho phù hợp. Ví như nước chè xanh nấu chín, để nguội sẽ cho gà uống hằng ngày vào mỗi buổi sáng; gừng, nghệ bổ sung vào thức ăn; lá thị sử dụng khi gà có dấu hiệu bị bệnh đậu; tỏi sử dụng ngay khi gà còn nhỏ để phòng bệnh cúm… Đây là những kinh nghiệm dân gian và vận dụng y học cổ truyền được ứng dụng trong chăn nuôi. Hầu hết gà được nuôi bằng thảo dược sẽ hạn chế nhiễm bệnh dịch, ít hao hụt, thịt thơm, ít mỡ, da mỏng, vàng và giòn. Cách làm này đã mang lại thành công cho nhiều trang trại và mở ra hướng đi mới cho chăn nuôi hiện nay. Trong đó phải kể đến các trang trại áp dụng công nghệ sinh học trong chế biến thức ăn chăn nuôi thành công như: Trang trại chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh), HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên) với mô hình nuôi lợn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học EM; trang trại chăn nuôi bò thương phẩm của anh Nguyễn Văn Tiến, xã Yên Cường (Ý Yên) với công nghệ lên men vi sinh thức ăn cho gia súc lớn; trang trại chăn nuôi gà Ngọc Báu, xã Yên Tân (Ý Yên) sử dụng chế phẩm tinh chất tỏi và chè xanh để nuôi gà… Hay như những trang trại nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng, trang trại nuôi thủy sản nước ngọt đã sử dụng chế phẩm sinh học chiết xuất từ lá sắn thuyền để chữa bệnh nấm cho cá… Tại trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, xã Yên Cường (Ý Yên) sử dụng công nghệ lên men để chế biến các loại thảo dược, cây cỏ cùng bã bia, bã rượu, mật mía… làm thức ăn thô cho bò có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng cường miễn dịch và giữ ấm cho đàn vật nuôi. Đồng thời sử dụng bồ kết xông hơi, xoa rượu gừng vào vùng hõm hông bên trái của bò hay cho bò uống rượu tỏi, gừng khi chúng bị bệnh chướng hơi dạ cỏ - triệu chứng thường gặp đối với bò trong tiết trời đông xuân. Với cách làm này, đàn bò của anh luôn phát triển tốt, thể trạng tốt, bộ mã đẹp và phát triển vượt trội, chất lượng thịt thơm ngon, dẻo đậm, không có mùi gây như sử dụng hoàn toàn thức ăn tinh hay cây cỏ tươi và giảm công chăm sóc, chi phí thức ăn giảm 1/3 so với sử dụng thức ăn thông thường. Điều này chứng tỏ xu hướng ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến thức ăn bằng thảo dược trong chăn nuôi là hiệu quả, cần nhân rộng.
Tuy nhiên bên cạnh những trang trại chăn nuôi áp dụng hiệu quả cách làm này thì vẫn còn không ít các hộ chăn nuôi khác áp dụng nhưng không thành công. Bác Trần Thanh Giang xã Yên Tân (Ý Yên) cho biết: Tôi thử nghiệm công nghệ lên men vi sinh và trộn thảo dược vào thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn của gia đình nhưng kết quả không khả quan, đàn lợn ăn ít và hay bị đầy hơi, chướng bụng thời gian nuôi dài hơn sử dụng cám công nghiệp từ 2 đến 3 tháng khiến tôi thấy sốt ruột. Tôi nghĩ, nguyên nhân không thành công là do công thức phối trộn thức ăn chưa chuẩn hoặc do chất lượng nguồn nguyên liệu thảo dược có vấn đề nên tôi không duy trì phương pháp nuôi lợn bằng thảo dược được. Ngoài bác Giang, qua tìm hiểu từ một số người đã từng chăn nuôi bằng thảo dược không thành công chúng tôi thấy còn nhiều hạn chế trong quá trình ứng dụng như: chăn nuôi bằng thảo dược hầu hết là tự phát, người chăn nuôi tự mày mò kỹ thuật, công thức phối trộn thảo dược với từng loại thức ăn cũng như quy trình lên men trước khi cho vật nuôi ăn, trong khi dược liệu có nhiều loại không kết hợp được với nhau hoặc cách thức sử dụng quy định khắt khe như phải dùng ngay sau khi trộn, nếu quá thời gian này sẽ gây tác động phụ không tốt cho vật nuôi… Song không phải người chăn nuôi nào cũng biết điều này nên đã thất bại. Các cơ sở chăn nuôi chưa chủ động được nguồn dược liệu và không kiểm soát được chất lượng dược liệu. Thậm chí nhiều nơi người chăn nuôi còn sử dụng sai cây dược liệu. Thêm nữa, phương pháp chăn nuôi này chắc chắn không thể cho vật nuôi tăng trọng nhanh như sử dụng thức ăn công nghiệp nên nếu người chăn nuôi thiếu kiên nhẫn, thiếu vốn sẽ khó theo hướng sản xuất này.
Ứng dụng công nghệ sinh học và bổ sung thảo dược trong chế biến thức ăn chăn nuôi là hướng đi mới nhằm tạo ra các sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường do dịch bệnh và chất thải của động vật. Cách làm này thể hiện tính tích cực, sự năng động sáng tạo của người dân. Để giúp sức cho người dân thành công và nhanh chóng phổ biến xu hướng chăn nuôi hữu cơ này các ngành chuyên môn như NN và PTNT, KH và CN, Công thương cần tăng cường hỗ trợ, tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức về tính chất, tác dụng, cách sơ chế, kết hợp các loại dược liệu với nhau, xây dựng các mẫu công thức chế biến chung để người chăn nuôi áp dụng, tránh những thiệt hại không đáng có. Đồng thời tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu cho những sản phẩm chăn nuôi bằng dược liệu đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi lựa chọn những loại dược liệu trồng phổ biến đảm bảo chủ động nguồn dược liệu cơ bản phục vụ việc chăn nuôi của mình, tránh nguy cơ phải mua giá cao và bị trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương